Agrégateur de contenus

null Quan điểm Hồ Chí Minh về nguyên tắc đoàn kết tự giác có tổ chức trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

Chi tiết bài viết Bài viết

Quan điểm Hồ Chí Minh về nguyên tắc đoàn kết tự giác có tổ chức trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

ThS. Nguyễn Văn Hiền – Khoa Lý luận cơ sở

-----

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đó là yếu tố quan trọng tạo ra sức mạnh quyết định sự thắng lợi của cách mạng nước ta. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã khẳng định sự thắng lợi của toàn Đảng, toàn dân và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc phát huy khối đại đoàn kết dân tộc nhất trí, tự giác một lòng của toàn dân và trong Đảng ta. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay, giữ vững nguyên tắc đoàn kết tự giác có tổ chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng đoàn kết là một trong những nguyên tắc rất quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng ta trong sự nghiệp cách mạng. Từ đó, tăng cường sự gắn bó với nhân dân để góp phần củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết thật sự vững mạnh, góp phần thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

II. NỘI DUNG:

1. Tầm quan trọng của nguyên tắc đoàn kết tự giác có tổ chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc để tạo ra sức mạnh giành thắng lợi trong cách mạng giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên để đoàn kết thực sự gắn chặt với nhau cần sự tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đó là tinh thần tự giác đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh chung của toàn đảng và cả dân tộc. Ngay từ khi Đảng ta ra đời trước đó Nguyễn Ái Quốc đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước, chuẩn bị đầy đủ về mặt tư tưởng, tổ chức, chính trị như Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên để giác ngộ tinh thần cách mạng của quần chúng để phát huy tính tự giác của họ, là tự nguyện tham gia vào trong tổ chức. Khi đó chúng ta sẽ có một khối đoàn kết thống nhất vững chắc. Trong Điều lệ tạm thời của Hội liên hiệp công nhân quốc tế, Mác – Ăngghen cũng từng khẳng định sự thành công của phong trào công nhân trong mỗi nước chỉ có thể được đảm bảo bằng sức mạnh của sự thống nhất và tổ chức.

Khi mỗi người trong tổ chức có tính tự giác thì lúc đó ý chí thống nhất, hành động thống nhất và tổ chức thống nhất, khi đó thật sự trong sạch vững mạnh. Vì nó phát huy hết tiềm lực vật chất và tinh thần của mỗi người. Lênin đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân thống nhất vững chắc trong tổ chức Đảng lãnh đạo. Ông cho rằng sự đoàn kết thống nhất trong đảng bắt nguồn từ bản chất của giai cấp công nhân và đó là nguồn sức mạnh vô địch và rất vô tận của Đảng. Từ đó ta thấy tầm quan trọng của tính đoàn kết tự giác trong tổ chức. Đảng ta luôn luôn coi sự đoàn kết  thống nhất là sinh mệnh của đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng, là cơ sở để thống nhất giai cấp, là điều kiện để đoàn kết toàn dân và đưa cách mạng đến thắng lợi. Như Bác Hồ đã từng nói phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất như giữ gìn con ngươi trong mắt mình.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn đặc biệt chú trọng giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ý thức tự giác xây dựng và sự đoàn kết thống nhất. Người là hiện thân của sự đoàn kết thống nhất  trong toàn đảng, toàn dân. Người dạy: “Đoàn kết là sức mạnh là then chốt của thành công” [1].

Trong điều kiện đời sống xã hội gặp nhiều khó khăn phức tạp, khi cách mạng chuyển giai đoạn thì vấn đề đoàn kết tự giác là một trong những biện pháp để khắc phục, vượt qua những khó khăn ấy. Bác cũng từng khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta” [2]. Vì vậy trong những lúc “ngàn cân treo sợi tóc” của cách mạng Việt Nam thì Đảng ta đã vận dụng khối đại đoàn kết dân tộc một lòng tự nguyện ra sức vì đất nước đã giúp nước ta vượt qua những khó khăn và thử thách lớn lao ấy. Nguyên tắc đoàn kết tự giác có tổ chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh có tầm quan trọng trong mọi tổ chức và đối với mọi tầng lớp nhân dân vì nó tránh tình trạng chia rẻ bè phái, đồng thời giúp cho mỗi cán bộ đảng viên cảnh giác và đề cao trách  nhiệm, siết chặt hàng ngũ để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong khối đại đoàn kết dân tộc.

2. Đoàn kết tự giác có tổ chức theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của đại đoàn kết đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam: “Đoàn kết làm ra sức mạnh” [3]; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công” [4]; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” [5]

Xuất phát từ những nguyên tắc về xây dựng tổ chức của Chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng các tổ chức, đặc biệt là xây dựng tổ chức Đảng để thực hiện vai trò lãnh đạo tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc thì Hồ Chí Minh rất chú ý và quan tâm. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh tự giác không có nghĩa là tự giác vô tổ chức, tự theo ý mình làm, tự giác theo Người là nhằm phát huy trí tuệ của toàn bộ con người Việt Nam, khi đã vào tổ chức thì tinh thần ấy vẫn được phát huy với dân chủ cao độ, nhưng phải có tổ chức, có kỷ cương, kỷ luật. Đối với Người, kỷ luật trong tổ chức là rất quan trọng nhưng không phải bắt buộc mà là mang tính tự nguyện, như trong tổ chức đảng kỷ luật từ tính chất của Đảng là tổ chức tự nguyện nên: “Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng” [6]. Có như vậy mới đảm bảo “tư tưởng thống nhất, hành động thống nhất”. Nếu không có tư tưởng thống nhất, hành động thống nhất thì ý chí sẽ lung lai, kỷ luật trở nên lỏng lẻo, sự đoàn kết bị buông lỏng dẫn đến sức mạnh tất nhiên sẽ yếu.

Theo Hồ Chí Minh để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc cần có sự lãnh đạo của Đảng, để có đoàn kết thực sự, chân thành, tự giác và đảm bảo công bằng, bình đẳng xã hội, lợi ích chính đáng các giai tầng trong xã hội. Suốt thời gian cầm quyền lãnh đạo cách mạng giành chính quyền và thời kỳ Đảng cầm quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự đoàn kết mang tính tự giác trong tổ chức, nhất là trong công việc, từng cán bộ, đảng viên trong các cơ quan tổ chức của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể phải nghiêm chỉnh chấp hành với tinh thần tự giác, nhưng phải có tính tổ chức kỷ luật chặt chẽ trong xây dựng khối đoàn kết trong đảng, các tổ chức và với Nhân dân. Theo Hồ Chí Minh “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà” [7]

Nguyên tắc tổ chức của Hồ Chí Minh không chỉ tập trung vào trong việc xây dựng đảng, mà nó còn mang tính rộng rãi vì trong tư tưởng của người luôn quan  tâm đến vấn đề đoàn kết là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt nam, vì nhằm mục đích để phục vụ cho nhân dân, cho Tổ quốc. Theo Người, cách mạng Việt Nam là sự nghiệp của toàn dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Để đạt được mục tiêu, Đảng phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh đoàn kết tự giác có tổ chức không chỉ trong một tổ chức Đảng, Mặt trận mà nó nằm trong những mối quan hệ với các tổ chức khác nhằm phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân, động viên lực lượng của nhân dân, để phấn đấu hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà. Phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hợp tác lâu dài, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tiến bộ. Phải đoàn kết các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng Tổ quốc.” [8]

Trong tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ tinh thần tự giác, nhưng phải phát huy được tính dân chủ. Vì khi có dân chủ thì mới đảm bảo cho tính tự giác phát huy đến cao độ. Dân chủ phải mang tính tổ chức, không dân chủ quá trớn, khi đó trở thành một câu lạc bộ cãi vã. Do vậy theo Hồ Chí Minh dân chủ phải trên cơ sở tập trung, thống nhất của tổ chức. Dân chủ là đi đến tập trung, là cơ sở của tập trung chứ không phải dân chủ phân tán, vô tổ chức. Tập trung là tập trung trên cơ sở dân chủ, không phải là tập trung theo kiểu quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, “Mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể. Khi đã quyết định rồi, thì phân phối công tác phải rạch ròi, giao cho một hoặc mấy đồng chí phụ trách làm đến nơi đến chốn.” [9]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đoàn kết tự giác còn tạo được sự đồng thuận xã hội, thực hiện dân chủ gắn liền với kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập, tự lực, tự cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

III. KẾT LUẬN

Đại đoàn kết là một vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam, đó không chỉ là tư tưởng lớn, nổi bật của Hồ Chí Minh mà nó thật sự trở thành một chiến lược cách mạng đúng đắn mà đảng ta đã vận dụng trong việc tập hợp lực lượng cách mạng. Thành công trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, chính là thắng lợi của Đảng của toàn dân và thắng lợi to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết. Nguyên tắc đoàn kết tự giác có tổ chức không những là nguyên tắc xuyên suốt đảm bảo cho Đảng ta nói chung và các tổ chức đảng để giữ vững, phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình, mà nó còn đảm bảo cho việc phát huy khối đại đoàn kết, sẽ góp phần thắng lợi vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay vì mục tiêu chung dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.186

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr.145

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr. 482

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr. 186

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr. 455

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr. 290

[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr. 244

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr. 453

[9]Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2011, tr. 438