Xuất bản thông tin

null Nhà giáo thời 4.0

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Nhà giáo thời 4.0

          Hằng năm, cứ vào mỗi độ cuối thu, bọn học trò nhỏ lại nôn nao chào đón ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 như một dịp để gửi lời tri ân đến những người thầy, người cô vẫn miệt mài, kiên nhẫn dạy bảo chúng điều hay, lẽ phải. Và đây cũng là khoảng thời gian mà những người làm nghề giáo có phút lắng đọng lại để suy ngẫm về chuyện người, chuyện nghề sau bao nhiêu năm thăng trầm đứng trên bục giảng.

          Thời gian cứ thấm thoắt trôi đi, mái tóc thầy đã thêm vài sợi bạc, đôi tay cô cũng không còn mềm mại như xưa. Vết chạm trổ thời gian trên dáng hình của mỗi con người là điều mà chúng ta không thể xóa nhòa được. Qua bao nhiêu năm tháng vẫn thế, những người thầy, người cô cần mẫn bên trang giáo án và truyền đạt lại kiến thức cho bao thế hệ học trò của mình. Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, trước những chuyển biến chóng vánh và xoay vần đến mỏi mệt của đại dịch Covid-19, người thầy lại phải làm quen thêm một “người bạn mới” bất đắc dĩ, đó phần mềm dạy học trực tuyến.

          Có thể nói, Zoom, Zavi Meeting, Microsoft Teams… đã không còn quá xa lạ với người sử dụng trên toàn cầu và trở thành một công cụ hỗ trợ để con người có thể giao tiếp trước các rào cản về địa lý. Và khi đại dịch tràn đến, ngành giáo dục phải chuyển động một cách thật nhanh chóng với những thay đổi về phương thức dạy học để học trò nước mình được tiếp tục chương trình học tập. Từ bảng đen, phấn trắng, cuốn giáo án ngày nào, “người lái đò” lần này muốn đưa “khách” sang sông phải cố gắng tìm hiểu về những khái niệm mới: dạy học trực tuyến, phòng học trực tuyến, tài khoản người dùng, bảo mật thông tin…

          Quả thực, khi màn “count-down” chào đón năm 2000 kết thúc, nhiều người vẫn không thể hình dung được thế nào là một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang đến ngay cạnh mình. Và khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cập bến, với sự xuất hiện của những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, đời sống con người cũng dần có những thay đổi thực sự đáng kể. Từ cách thức đặt món đến gọi xe, từ những tiện ích quản lý thông tin người dùng đến vui chơi, giải trí, công nghệ hiện diện khắp nơi và xóa tan mọi rào cản vật lý.

          Trong đại dịch, khoảng cách vật lý là điều khó khăn nhất khiến cho các hoạt động tập trung bị hạn chế hoặc nghiêm cấm. Chính vì lẽ đó, những người thầy, người cô đã nhanh chóng khắc phục sự hạn chế ấy bằng việc làm quen với phòng học trực tuyến. Trên các nền tảng tưởng chừng được tạo ra để dùng cho các buổi họp, trao đổi như trước kia thì nay đã được áp dụng ngày càng phổ biến ở quốc gia mình vào công tác dạy học. Mặc dù vẫn có chút ngại ngần khi thao tác sử dụng, thêm ít bối rối khi phải nói chuyện trước màn hình máy tính, vậy mà chẳng bao lâu , thầy cô lấy lại sự chủ động và tự tin vốn có của mình để làm chủ lớp học “ảo”. Sự tương tác giữa thầy và trò cũng giúp cho buổi học tràn ngập sự vui tươi và bớt nhàm chán như bao người vẫn lo ngại.

Rồi giờ đây, từng giờ học trôi qua là những trải nghiệm mới đối với cả người dạy lẫn người học. Quả thực như thế, thầy phải cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu để tạo ra những giáo án điện tử hấp dẫn, sinh động nhằm thu hút người học. Trong khi đó, người học có cơ hội tìm kiếm học liệu, chủ động khám phá những kiến thức trong sách vở thông qua hình ảnh, băng hình sống động hơn thay vì chỉ là con chữ khô khan như trước đây.

Dịch bệnh xảy ra là điều bất cứ ai cũng không mong muốn. Tuy nhiên, việc tiếp nhận và thích ứng với những điều kiện sinh sống, làm việc và học tập lại nằm ở sự chủ động của mỗi người. Có lẽ, ngày tri ân các nhà giáo năm nay cũng thật khác khi đời sống, sinh hoạt của cả xã hội đã chuyển mình để thay đổi. Những buổi tiệc, những lần gặp mặt trực tiếp có thể vì thế mà ít đi nhưng tấm lòng của người học trò đối với người thầy, người cô của mình chẳng thể vì thế mà vơi bớt.

Một mùa hiến chương các nhà giáo nữa lại đến, chúng ta hãy gửi những lời chúc tốt đẹp nhất, kính yêu nhất đến với người lái đò đã tận tụy vun đắp cho thanh xuân của bạn thêm phần rực rỡ, bạn nhé!

Tiểu Tuệ