Xuất bản thông tin

null Nâng cao nguồn nhân lực Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Nâng cao nguồn nhân lực Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

 

Nguyễn Phước Tài

Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Xét trên hai phương diện lý luận lẫn thực tiễn thì “con người” có vai trò rất quan trọng trong thế giới này. Nếu không có “bàn tay” con người thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 khó lòng trở thành hiện thực. Trước đây, chúng ta thường lấy những câu nói ví von để so sánh mức độ khó khăn của công việc như: “việc đó khó như đi lên trời vậy”Ngày nay, việc “Thu hoạch vụ ớt đầu tiên trên trạm vũ trụ quốc tế [1]” đã trở thành hiện thực. Điều này một lần nữa chứng minh câu nói của Hồ Chủ tịch luôn đúng với mọi thời đại: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, với lời căn dặn này của Người vừa thể hiện bài học quý báu về sự đồng thuận, đoàn kết, phát huy sức dân, vừa nói lên được sức mạnh nguồn nhân lực trong xã hội. Qua đây chúng ta thấy rằng, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói riêng. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã và đang trở thành vấn đề cấp bách có tầm chiến lược, mang tính chất sống còn đối với mỗi quốc gia trên thế giới và bao gồm cả việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp để góp phần đưa Trường trở thành trường Chính trị đạt chuẩn.

Trường Chính trị Đồng Tháp được thành lập năm 1995 trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng, Trường Hành chính và các Trường Đoàn thể thành Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp. Trường là đơn vị sự nghiệp dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp với chức năng là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị, hành chính.

Là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho hệ thống chính trị cấp cơ sở - khâu quan trọng trong công tác cán bộ của tỉnh.Trong những năm qua, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, thực tế đã mang lại những hiệu quả bước đầu. Hiện tại, toàn trường có tổng số 49 CBVC, với 70% CBGV có trình độ Ths trở lên, 06 CBVC đạt được học vị Tiến sĩ và 01 NCS, về mặt cơ bản với số lượng CBVC như thế đã đảm đương tốt công tác giảng dạy và hoạt động nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Đây được xem là một thành công đáng khích lệ của Nhà trường. Cán bộ, giảng viên, nhân viên của Nhà trường luôn vững vàng về phẩm chất chính trị, nhiệt huyết, yêu nghề, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nhà.

Để tạo động lực tinh thần giúp cán bộ, giảng viên (CBGV) phấn đấu vươn lên, Nhà trường đã chú trọng và quan tâm đến việc nâng cao thu nhập cho người CBGV. Bởi vậy, ngoài việc thực hiện đúng, kịp thời về chính sách tiền lương, tiền thưởng, Ban giám hiệu trường còn quan tâm đến chế độ phụ cấp và phúc lợi cho CBGV. Đối với nhân viên các phòng chức năng, do không được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi như giảng viên, để giúp họ giảm bớt khó khăn, lãnh đạo Nhà trường đã tự cân đối, tiết kiệm chi tiêu ngân sách để chi thêm 30% phụ cấp ngoài lương. Ngoài ra, hàng năm, còn bố trí cho CBGV đi nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm ở các trường chính trị bạn (do tình hình dịch bệnh nên việc đi thực tế thường niên của Nhà trường gặp nhiều khó khăn, và buộc phải tạm hoãn) theo hướng Nhà nước và CBGV đồng tình hưởng ứng. Từ đó tạo sự yên tâm, phấn khởi trong công tác của đội ngũ cán bộ, viên chức Nhà trường.

Cơ sở vật chất phục vụ cho việc đào tạo của Nhà trường cũng được đầu tư kịp thời, nâng cấp theo hướng hiện đại. Đây là điều kiện để giúp CBGV nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy, nghiên cứu khoa học.... Đặc biệt, trong thời buổi dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp như hiện nay, Nhà trường đã đầu tư đường truyền tốc độ cao, trang thiết bị phục vụ dạy học trực tuyến qua dụng ứng dụng Microsoft Teams được đảm bảo.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Nhà trường còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Cụ thể như: (1) công tác tuyển dụng cán bộ, giảng viên vẫn còn những bất cập; (2) chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nhân tài và những người có kinh nghiệm về công tác thiếu hấp dẫn. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, giảng viên, nhân viên chưa thật toàn diện. Các tiêu chí đánh giá còn chung chung, thiếu tính cụ thể; (3) kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học cho CBGV của Nhà trường có giới hạn nên làm ảnh hưởng đến sản phẩm nghiên cứu  khoa học bị hạn chế.

Theo tôi, trong thời gian tới lãnh đạo nhà trường cần tập trung vào một số giải pháp sau: 

Một là, làm tốt hơn nữa công tác chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, viên chức nhà trường về tầm quan trọng và sự cần thiết của công tác nâng cao chất lượng đội ngũ.

Hai là, nâng cao tính kế hoạch trong công tác tuyển dụng nguồn nhân lực, cần có những chính sách đãi ngộ hợp lý như: chế độ lương, thưởng, đảm bảo điều kiện, phương tiện và môi trường làm việc tốt nhất,… để tạo ra sức hút đối với những người có trình độ Thạc sỹ, đặc biệt là Tiến sỹ hoặc các sinh viên tốt nghiệp Đại học thực sự có chất lượng về công tác tại trường.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho cán bộ, viên chức cả về chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức thực tiễn

Bốn là, thực hiện bố trí, sử dụng đội ngũ giảng viên, nhân viên các phòng theo hướng phát huy tốt năng lực và sở trường công tác của từng người tạo động lực cống hiến, xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá. Để có chất lượng, trong kiểm tra, đánh giá cần thực hiện lấy ý kiến đánh giá của đồng nghiệp, của cán bộ quản lý trực tiếp và ý kiến phản hồi của học viên một cách thường xuyên. Kết quả kiểm tra, đánh giá phải được phản hồi trở lại để rút kinh nghiệm.

Sáu là, tạo môi trường làm việc thuận lợi hơn nữa cho đội ngũ người lao động, thực hiện tốt công tác này vừa là điều kiện giúp người lao động yên tâm công tác và cống hiến xây dựng nhà trường, vừa nuôi dưỡng, thu hút được nhân tài. 

Có thể khẳng định rằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là công việc hết sức khó khăn, lâu dài và cần được thực hiện bằng nhiều giải pháp mang tính đồng bộ. Mỗi giải pháp có vai trò riêng và hướng vào giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Thiết nghĩ, việc thực hiện đầy đủ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần khắc phục được những tồn tại, hạn chế về công tác nguồn nhân lực của Nhà trường hiện nay và xây dựng được nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh nhà.


[1] https://tuoitre.vn/thu-hoach-vu-ot-dau-tien-tren-tram-vu-tru-quoc-te-20211104090024837.htm