Xuất bản thông tin

null Luật Đất đai năm 2013, thành tựu và hạn chế sau 8 năm áp dụng vào thực tiễn

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Luật Đất đai năm 2013, thành tựu và hạn chế sau 8 năm áp dụng vào thực tiễn

   Nguyễn Quốc Bình, Phó Trưởng khoa NN-PL 

       

Tại kỳ họp thứ 6, ngày 29 tháng 11 năm 2013, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật đất đai. Ngày 09 tháng 12 năm 2013, Luật đã được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký lệnh công bố và sẽ phát sinh hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2014. Luật đất đai năm 2013 có tất cả 14 chương với 212 điều, tăng 07 chương và 66 điều so với Luật đất đai năm 2003 bên cạnh việc thể chế hoá đúng và đầy đủ những quan điểm, định hướng theo tinh thần Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương Đảng khoá XI. Đồng thời góp phần to lớn trong thực tiễn đối với hoạt động quản lý của Nhà nước cũng như nguồn thông tin mà người sử dụng đất cần biết. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, cụ thể hóa trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân, trách nhiệm của Nhà nước đối với người trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, bổ sung những qui định quan trọng về công tác điều tra, đánh giá đất đai, về nguyên tắc cơ bản khi cơ quan có thẩm quyền lập qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quyền lợi, nghĩa vụ của người sử dụng đất trong vùng qui hoạch đã được phê duyệt.

Thứ ba, đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất so với Luật Đất đai 2003 được qui định tách bạch: để phát triển kinh tế - xã hội, vì mục đích quốc phòng an ninh, do vi phạm luật đất đai hoặc do tự nguyện trả lại.

Thứ tư, bổ sung nhiều điều luật qui định về việc xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai, hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá một cách công khai, minh bạch và bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận dựa trên tinh thần nhất quán đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Thứ năm, xác định sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn tài nguyên quan trọng này giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thứ sáu, bổ sung đăng ký trên mạng điện tử, trường hợp tài sản khác và nhà ở gắn liền với đất nhưng là tài sản chung của nhiều người thì được cấp chung hoặc cấp riêng cho từng người nếu có yêu cầu, đất là tài sản chung của vợ chồng hợp pháp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng có ghi cả họ, tên vợ và họ tên chồng, cả trong trường hợp có yêu cầu đổi giấy chứng nhận mới.

Thứ bảy, đặc biệt là bỏ qui định UBND cấp tỉnh phải công bố bảng giá đất vào ngày 01/01 hàng năm trên địa giới hành chính thuộc thẩm quyền quản lý bằng 5 năm một lần vào ngày 01/01 của năm đầu kỳ và qui định cụ thể điều kiện việc điều chỉnh giá đất khi có biến động.

Thứ tám, trong nhóm đất nông nghiệp và phi nông nghiệp bỏ cụm từ “ ….. khác theo qui định của Chính phủ” bằng các loại đất cụ thể, rõ ràng hơn, là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xác định khi tính giá đất, thuế, phí hoặc trong trường hợp trưng dụng, bồi thường khi thu hồi đất trong trường hợp pháp luật qui định.

Thứ chín, Luật Đất đai năm 2013 mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Với những nội dung đổi mới trên, nhân dân nói chung và những người sử dụng đất nói riêng vô cùng phấn khởi, nhận thức một cách đầy đủ hơn tầm quan trọng của đất đai và vai trò của Nhà nước để đảm bảo sự công bằng, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tư liệu sản xuất đặc biệt: “đất đai”. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, giải quyết các tồn động, vướng mắc là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện kéo dài trong thời gian qua. Người sử dụng đất cũng dạng đầu tư sản xuất bởi các quyền lợi hợp pháp có liên quan về đất đai được Nhà nước quan tâm, chú trọng và đảm bảo.

Song, bên cạnh những ưu điểm đáng ghi nhận của Luật Đất đai năm 2013. Sau 8 năm triển khai thực hiện trong thực tiễn, với những thay đổi về kinh tế - xã hội, Pháp luật Đất đai cũng đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc đòi hỏi phải nghiên cứu nghiên túc và có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Thể hiện ở những nội dung sau:

Một là, thời gian ban hành Luật Đất đai cũng là thời gian ban hành Hiến pháp 2013 (ngày 28/11/2013 Quốc hội thông qua Hiếp pháp 2013 thì hôm sau ngày 29/11/2013 thông qua Luật Đất đai 2013), cho nên nhiều tư tưởng, tư duy của hiến pháp mới chưa được thể chế hóa đầy đủ trong Luật Đất đai năm 2013. Ví dụ, các vấn đề về phân công, phân quyền, phân cấp, kiểm soát quyền lực, đề cao nhân tố quyền con người, quyền công dân. Luật Đất đai năm 2013 còn có chỗ chưa đề cao các vấn đề này.

Hai là, tầm chiến lược của Luật Đất đai năm 2013 có hạn chế, do đó đã mâu thuẫn với các luật ban hành theo tinh thần Hiến pháp 2013 sau này: Luật Đầu tư 2014 (2020), Luật Doanh nghiệp 2014 (2020); Luật Xây dựng 2014 (2020), Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, đặc biệt là Bộ Luật Dân sự 2015.

Ba là, một số quy định trong Luật Đất đai năm 2013 về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất cũng chưa đồng bộ, thống nhất.

Bốn là, chưa có quy định cụ thể về vị trí pháp lý giữa quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất của Luật đất đai. Cụ thể là về kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013 chưa thể hiện đầy đủ các không gian quy hoạch; quyền giám sát của HĐND các cấp chưa rõ ràng, còn chung chung, việc lấy ý kiến người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đầy đủ … dẫn đến công tác cấp giấy phép xây dựng gặp vướng mắc hay thời kỳ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thống nhất với thời kỳ lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị nên thiếu đồng bộ trong việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.

Năm là, một số qui định chưa rõ ràng, mang tính chung chung. Chẳng hạn: Tại Điều 62: "Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng". Vậy thế nào là mục đích “vì lợi ích quốc gia, công cộng” thế nào là mục đích “phát triển kinh tế - xã hội”. Thực tế thời gian qua, ở rất nhiều nơi đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến khởi kiện dân sự, hành chính mà Tòa án đã thụ lý giải quyết liên quan đến việc: thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng … Rõ ràng từ khái niệm chung chung, chưa rõ ràng, khó hiểu, sẽ bị áp dụng chủ quan, sẽ bị lợi dụng, trục lợi và trên thực tế đã dẫn đến nhiều dự án thu hồi đất thiếu minh bạch, không đúng mục đích.

Sáu là, giá bồi thường khi Nhà nước thu hối đất của người đang sử dụng đất hợp pháp. Tại điểm c khoản 1 Điều 112 Luật Đất đai 2013: Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, …” trước đây tại điểm a khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai năm 2003 sử dụng cụm từ: “ Sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường; …” thì Luật Đất đai năm 2013 sử dụng cụm từ “phù hợpvới giá đất phổ biến trên thị trường”. Thực chất, về ngữ nghĩa không có sự thay đổi lớn, bởi cả hai từ “sát” và “phù hợp” đều là những cụm từ “định tính”, không “định lượng” được. Hơn nữa, trong điều kiện Việt Nam chưa thực sự có thị trường đất đai và cũng chưa xác định được “giá thị trường” thì khái niệm “sát” hay “phù hợp” với giá thị trường đều không thể xác định chính xác được. Thực tiễn đã minh chứng, giá đất người sử dụng đất được nhận làm cho họ không hài lòng và không đồng thuận với giá Nhà nước thu hồi. Vấn đề này, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang có nhận xét: “Vấn đề quy định giá đất khi thu hồi là nguyên nhân của mọi nguyên nhân về khiếu kiện. Bồi thường cho dân mấy chục ngàn/m2 thôi, sau đó giao cho doanh nghiệp, phân lô, bán nền mấy chục triệu/m2. Tiền bồi thường cho dân chả đủ để họ đi đâu cả”[1]. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai thời gian qua.

Bảy là, xác định đối tượng vi phạm để thu hồi đất chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đã gây lung túng các cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ: Điểm h Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai quy định “Đất trồng cây hàng năm không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn 24 tháng liên tục” nhưng Luật không có quy định đối với đất Nuôi trồng thủy sản, đất Nông nghiệp khác. Điều này gây một số khó khăn trong công tác quản lý đất đai ở địa phương, có nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao đất, cấp đất để thực hiện các dự án Nuôi trồng thủy sản hoặc chăn nuôi sản xuất nông nghiệp khác nhưng không sử dụng đất đúng thời hạn, bỏ hoang và gây lãng phí tài nguyên đất. Trong khi những người có nhu cầu sử dụng đất thực sự thì không có đất để đầu tư, sản xuất.

Tóm lại, do sự vận động và phát triển của kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng nên bên cạnh những thành công của Luật Đất đai 2013 mang lại trong thời gian qua, cũng sẽ không tránh khỏi những điểm bất cập, khó khăn, vướng mắc, thiếu sót và hạn chế là lẽ đương nhiên. Với thực tiễn công tác, tìm hiểu nghiên cứu và tham khảo thêm ý kiến của một số tác giả, nhà khoa học, tác giả mạnh dạn nêu quan điểm, nhận xét của mình. Rất mong các nhà quản lý quan tâm sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai theo hướng đảm bảo tính linh hoạt, tính kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước là điều hết sức quan trọng, nó quyết định hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước về đất đai cũng như điều tiết các mối quan hệ sở hữu và hơn nữa làm hạn chế các tranh chấp, khiếu nại kéo dài, gây mất an ninh, chính trị ở địa phương./.

Tài liệu tham khảo:

- Chân Luận 2021[1], Trích báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, địa chỉ: https://plo.vn/phap-luat/nhung-bat-cap-han-che-cua-luat-dat-dai-2013-1020598.html, đăng ngày 9/10/2021 lúc 7:44, tải ngày 12/02/2022 lúc 21:23.

-Bình Minh 2013, bài: “Những điểm mới của Luật Đất đai 2013”; địa chỉ: https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/nha-dat/5865/nhung-diem-moi-co-ban-cua-luat-dat-dai, đăng ngày 5/12/2013 lúc 8:30, tải ngày 3/6/2015 lúc 14:45.

-Quốc hội, Hiến  pháp 2013.

-Quốc hội, Luật Đất đai 2003.

-Quốc hội, Luật Đất đai 2013.

-Các Luật và Nghị định có liên quan.

-Châu Hoàng Thân – Khoa Luật Trường ĐH Cần Thơ, bài: “Những bất cập liên quan đến giá đất tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất”, địa chỉ: https://sj.ctu.edu.vn/ql/docgia/tacgia-5290/baibao-567.html, đăng ngày 21/01/2013, tải ngày 02/4/2015 lúc 15:20.

-UBND tỉnh Thái Nguyên 2014, bài: “Những điểm mới của Luật Đất đai 2013”; địa chỉ: http://www.tnmtthainguyen.gov.vn/-/2450-nhng-im-mi-ca-lut-t-ai-2013. Tải ngày 13/5/2015 lúc 8:45.

-Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh 2014, bài: “Những điểm mới đáng chú ý của luật đất đai sửa đổi năm 2013”; địa chỉ: http://www.vksnd.hochiminhcity.gov.vn/tintuc/Lists/Posts/Post.aspx?ID=205, đăng ngày 30/7/2014 lúc 7:30; tải ngày 3/6/2015 lúc 14:15.

-GS.TSKH Đặng Hùng Võ, bài: “Chuyển dịch đất đai: vướng mắc và giải pháp”; địa chỉ: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/824942/chuyen-dich-dat-dai--vuong-mac-va-giai-phap.aspx, đăng ngày 12/01/2022 lúc 0:24, tải ngày 19/2/2022 lúc 7:14.