Xuất bản thông tin

null Quan điểm của Karl Marx và Friedrich Engels về những người cộng sản

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Quan điểm của Karl Marx và Friedrich Engels về những người cộng sản

 

Lê Thị Thanh Kiều

Khoa Lý luận cơ sở

Những người cộng sản hay đảng viên đảng cộng sản là một trong những nội dung cốt lõi được các nhà kinh điển C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) và Đảng ta đặc biệt quan tâm. Bởi vì sức mạnh của đảng cộng sản bắt nguồn từ sức mạnh nội lực của lực lượng đảng viên - những người cộng sản. Những người cộng sản cần có những tiêu chuẩn nhất định. Những tiêu chuẩn này mang tính thống nhất, tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể, khi đảng chưa nắm chính quyền và khi đảng cộng sản trở thành đảng cầm quyền thì những tiêu chuẩn đối với người cộng sản có sự vận dụng và bổ sung cho phù hợp.

Quan điểm của Mác và Ăng ghen về những người cộng sản, thể hiện trong một số tác phẩm như Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản được Ăng ghen viết vào khoảng cuối năm 1847, trước yêu cầu thành lập một tổ chức để lãnh đạo phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản, Liên đoàn những người cộng sản được thành lập thay cho Liên đoàn những người chính nghĩa. Ăng ghen đã soạn thảo tác phẩm dạng cẩm nang dưới hình thức câu hỏi và trả lời. Tác phẩm trình bày về giai cấp vô sản, người cộng sản, mục tiêu của những người cộng sản,… Sau này, nội dung tác phẩm trở thành quan điểm cốt lõi trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (1848),... Qua đó, các ông chỉ rõ:

Thứ nhất, chỉ ra đặc điểm của giai cấp vô sản: “giai cấp vô sản là một giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ kiếm sống bằng việc bán sức lao động của mình, chứ không phải sống bằng lợi nhuận của bất cứ số tư bản nào, đó là một giai cấp mà hạnh phúc và đau khổ, sống và chết, toàn bộ sự sống còn của họ đều phụ thuộc vào số cầu về lao động, tức là vào tình hình chuyển biến tốt hay xấu của công việc làm ăn, vào những sự biến động của cuộc cạnh tranh không gì ngăn cản nổi. Nói tóm lại, giai cấp vô sản hay giai cấp những người vô sản là giai cấp lao động trong thế kỷ XIX” [1].

Theo Mác và Ăng ghen, giai cấp vô sản mang tính lịch sử - xã hội và chỉ tồn tại trong 02 điều kiện, đó là nhu cầu về lao động và họ là những người bán sức lao động của mình. Cho nên, giai cấp vô sản còn được gọi là giai cấp lao động. Các ông chỉ ra nguồn gốc của giai cấp vô sản với vai trò là chủ thể của lực lượng sản xuất mới, hiện đại. Trong đó, lực lượng sản xuất ngày càng có tính xã hội hóa cao, thì giai cấp vô sản càng có địa vị kinh tế kỹ thuật, chính trị - xã hội cao nhất trong các giai cấp đối lập với giai cấp tư sản. Vì vậy thông qua chính đảng chính trị của mình, họ có sứ mệnh lịch sử lật đổ sự cai trị của chủ nghĩa tư bản và tổ chức xây dựng thành công xã hội cộng sản chủ nghĩa.

          Thứ hai, Mác và Ăng ghen phân biệt giữa những người vô sản và những người cộng sản, giữa đảng của những người vô sản (đảng của giai cấp công nhân) với đảng cộng sản, khác nhau ở hai điểm: “một là, trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào”[2]. Đồng thời, người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, là bộ phận luôn luôn thúc đẩy phong trào tiến lên. Họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào vô sản.

          Ngoài ra, trong giai đoạn này xuất hiện nhóm những người xã hội chủ nghĩa. Mác và Ăng ghen khẳng định: “Những người gọi là người xã hội chủ nghĩa, chia ra làm 3 loại”, trong đó, loại thứ nhất ủng hộ xã hội phong kiến, loại thứ hai ủng hộ xã hội tư bản và “loại thứ ba gồm có những người xã hội chủ nghĩa dân chủ. Đi theo cùng con đường với những người cộng sản”. Tuy nhiên, trong “Loại thứ ba”, các ông chia ra thành 02 nhóm là “nhóm những người vô sản chưa am hiểu đầy đủ những điều kiện giải phóng giai cấp mình” và “những đại biểu của giai cấp tiểu tư sản, tức là của một giai cấp mà trên nhiều mặt, có quyền lợi giống như vô sản trong việc giành chế độ dân chủ và trong việc thực hiện những biện pháp xã hội chủ nghĩa xuất phát từ chế độ dân chủ đó”. Vì vậy, họ có những điểm khác biệt, bất đồng với những người cộng sản. Các ông khẳng định: “Cố nhiên việc hoạt động chung không gạt bỏ việc tranh luận về những ý kiến bất đồng giữa họ với người cộng sản”[3].

Thứ ba, về tiêu chuẩn của những người cộng sản

          Những người cộng sản là lực lượng luôn phấn đấu vì lợi ích chung của giai cấp vô sản. Mác và Ăng ghen khẳng định: “Họ tuyệt nhiên không có một lợi ích nào tách khỏi lợi ích của toàn thể giai cấp vô sản. Họ không đặt ra những nguyên tắc riêng biệt nhằm khuôn phong trào vô sản theo những nguyên tắc ấy”[4]. Đồng thời, những người cộng sản là lực lượng đại diện cho nguyện vọng và đấu tranh vì mục tiêu chung của giai cấp vô sản: “Mục đích trước mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô sản khác: tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền” [5]

Những người cộng sản là những người tiêu biểu và đại diện cho tinh thần quốc tế của giai cấp vô sản, vì vậy họ đại diện cho cuộc đấu tranh giải phóng toàn diện con người. Mác và Ăng ghen khẳng định sự nghiệp của những người cộng sản “không chỉ là sự nghiệp của riêng một mình công nhân  mà còn là sự nghiệp của toàn thể loài người” [6]. Giai cấp vô sản có sứ mệnh lịch sử là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thông qua đội tiền phong của nó là những người cộng sản. Vì vậy, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản mang nội dung toàn thế giới. Nhưng để thành công, trước hết cuộc đấu tranh phải mang hình thức đấu tranh dân tộc, trong nội bộ một dân tộc giữa giai cấp vô sản mà lực lượng tiên phong của nó là những người cộng sản với giai cấp tư sản. Đây là xuất phát điểm vì “xóa bỏ triệt để tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”[7] và “khi mà sự đối kháng giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo” [8].

Mác và Ăng ghen nhấn mạnh tính quốc tế của những người cộng sản không chỉ do nội dung đấu tranh, mà còn xuất phát từ những điều kiện kinh tế trong chủ nghĩa tư bản đã xã hội hóa cao và bởi sự liên kết quốc tế của giai cấp tư sản. Vì vậy để chiến thắng kẻ thù mang tính quốc tế thì những người cộng sản phải thể hiện rõ tinh thần quốc tế trong cuộc đấu tranh của mình. Mác yêu cầu, tình hữu nghị quốc tế không chỉ thể hiện ở những lời nói suông trong Cương lĩnh mà phải có sự phối hợp hành động thực tế.

Tóm lại, quan điểm của Mác và Ăng ghen về những người cộng sản với những tiêu chuẩn cụ thể là cơ sở nền tảng để trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Lênin, Hồ Chí Minh và Đảng ta có căn cứ khoa học định hướng đúng đắn nhằm lựa chọn, rèn luyện đảng viên xứng tầm, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo quần chúng nhân dân hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả của mình./

Tài liệu tham khảo:

1. C. Mác và Ph. Ăng ghen (1995): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, 4.

2. Https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/index.


[1] C. Mác và Ph. Ăng ghen (1995): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, trang 456.

[2] C. Mác và Ph. Ăng ghen (1995): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, trang 614.

[3] C. Mác và Ph. Ăng ghen (1995): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, trang 478.

[4] C. Mác và Ph. Ăng ghen (1995): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, trang 614.

[5] C. Mác và Ph. Ăng ghen (1995): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, trang 615.

[6] C. Mác và Ph. Ăng ghen (1995): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, trang 697.

[7] C. Mác và Ph. Ăng ghen (1995): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, trang 624.

[8] C. Mác và Ph. Ăng ghen (1995): Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 4, trang 624.