Xuất bản thông tin

null Một số quy định về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới

Chi tiết bài viết Bài viết

Một số quy định về xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới

Ths. Nguyễn Quang Thành, Ths. Trần Thị Thu Trang

Khoa Nhà nước và Pháp luật

          Trong những năm qua, cùng với quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, công tác tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Quyền công dân trong tiếp cận thông tin, trong đó, có tiếp cận thông tin pháp luật luôn được thể chế hóa trong nhiều văn kiện, văn bản pháp luật được ban hành trong thời gian qua.

          Không chỉ là quyền của công dân được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và được thể chế hóa ở nhiều luật, văn bản dưới luật của các cơ quan nhà nước, tiếp cận pháp luật nói chung và tiếp cận thông tin pháp luật nói riêng còn là tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền của chính quyền các cấp ở địa phương thông qua việc công nhận địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ngày 17/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Một trong những điểm mới quan trọng của Bộ tiêu chí này là đã bổ sung vào tiêu chí thứ 18 “Hệ thống chính trị và pháp luật” tiêu chí thành phần 18.5 về “Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định”.

          Có thể nói, đây là lần đầu tiên chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định và trở thành một trong những nội dung của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; đồng thời, là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm gắn kết, thực hiện toàn diện các mục tiêu, nội dung xây dựng nông thôn mới, bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân tại cơ sở, nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, khẳng định vai trò của pháp luật trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

          Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chủ trương: “Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”; “tiếp tục thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”. Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản pháp luật khác như Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tiếp cận thông tin đều xác định tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; tăng cường tiếp cận thông tin; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và nguyên tắc hiến định này, cần phải hoàn thiện thể chế về tiếp cận pháp luật. Chính vì vậy, ngày 08/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 619/QĐ-TTg ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

          Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ngày 16/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số96/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp (sau đây viết tắt là Nghị định số 96/2017/NĐ-CP), trong đó xác định xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong các nhiệm vụ quản lý nhà nước và giao Bộ Tư pháp chủ trì, hướng dẫn thực hiện.

          Song song đó, đối với xã, do xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí thành phần thuộc Tiêu chí 18 của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này còn được quy định tại một số văn bản về xây dựng nông thôn mới như: Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì, hướng dẫn thực hiện đánh giá, công nhận, xây dựng xã tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân), Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xâydựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

          Quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai gắn kết với xây dựng xã nông thôn mới với 05 tiêu chí tiếp cận pháp luật, 25 chỉ tiêu với tổng số 100 điểm, bao gồm:

          (i) Tiêu chí 1: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật (15 điểm). Tiêu chí này gồm 03 chỉ tiêu, nội dung đánh giá trọng tâm là kết quả thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của cấp xã và kế hoạch triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo.

          (ii) Tiêu chí 2: Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã (30 điểm). Tiêu chí này gồm 05 chỉ tiêu, nội dung đánh giá trọng tâm là kết quả thực hiện các nhiệm vụ về công khai thủ tục hành chính; bảo đảm nguồn lực (bố trí địa điểm, công chức) để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; kết quả giải quyết các thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về giải quyết thủ tục hành chính; bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

          (iii) Tiêu chí 3: Phổ biến, giáo dục pháp luật (25 điểm). Tiêu chí này gồm 09 chỉ tiêu, nội dung đánh giá trọng tâm là kết quả thực hiện các nhiệm vụ về công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung liên quan trực tiếp đến tổchức, cá nhân; cung cấp thông tin pháp luật; lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; quán triệt, phổ biến văn bản, chính sách pháp luật mới cho cán bộ, công chức; triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân, đối tượng đặc thù; sử dụng các thiết chế thông tin, văn hóa, pháp luật để bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin, phổ biến pháp luật; đối thoại chính sách, pháp luật; bảo đảm kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

          (iv) Tiêu chí 4: Hòa giải ở cơ sở (10 điểm). Tiêu chí này gồm 03 chỉ tiêu, nội dung đánh giá trọng tâm là kết quả thực hiện các nhiệm vụ về thành lập, củng cố, kiện toàn tổ hòa giải; bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải, nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; bố trí kinh phí hỗ trợ công tác hòa giải.

          (v) Tiêu chí 5: Thực hiện dân chủ ở cơ sở (20 điểm).Tiêu chí này gồm 05 chỉ tiêu, nội dung đánh giá trọng tâm là kết quả thực hiện các nhiệm vụ về công khai, minh bạch các nội dung về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định; kết quả thực hiện các nội dung cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình được bàn, quyết định trực tiếp hoặc được bàn, biểu quyết để cơ quan có thẩm quyền quyết định; Nhân dân được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; Nhân dân trực tiếp hoặc thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện giám sát.

          Để được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cấp xã phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: không có tiêu chí nào dưới 50% số điểm tối đa; tổng số điểm của các tiêu chí tiếp cận pháp luật phải đạt từ 90% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại I, từ 80% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại II và từ 70% số điểm tối đa trở lên đối với cấp xã loại III; kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt từ 80% tổng số điểm tối đa trở lên; trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

          Có thể nói, xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có tác động trực tiếp đến hoạt động của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có thể giúp chính quyền những nơi này nhận thức được những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn để có giải pháp khắc phục, thực hiện đạt kết quả tốt hơn. Bên cạnh đó, qua đánh giá, công nhận, xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 còn góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, thực thi nhiệm vụ chuyên môn của chính quyền cấp xã; nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã; đồng thời, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cũng như công tác thi hành pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật để cán bộ và chính quyền phục vụ nhân dân hiệu quả hơn./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp năm 2013

2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

3. Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020

4. Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

5. Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), Sổ tay hướng dẫn xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2017