资产发布器

null Cô giáo Ngài – Một biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một tấm gương cả đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Cô giáo Ngài – Một biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một tấm gương cả đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng

TS. Nguyễn Quốc Trung

                                                                                     Khoa Xây dựng Đảng

Mỗi năm, cứ đến những ngày tháng Tám lịch sử, dân tộc Việt Nam như được sống lại khí thế hào hùng của dân tộc, dân tộc phá xiềng xích đứng lên đánh đuổi bè lũ cướp nước và bán nước, làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại, mở ra một trang sử mới, tươi sáng cho dân tộc Việt Nam. Trong lớp lớp những người đã làm nên lịch sử, có những con người rất bình dị, thầm lặng nhưng lại là một biểu tượng tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một tấm gương tiêu biểu cả đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, đó chính là Cô giáo Ngài [1] (Trần Thị Ngài, Trần Thị Nhượng, Sáu Ngài), Bà đã viết tiếp những trang sử oai hùng cho phụ nữ Việt Nam và là một đại biểu xứng đáng với tám chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đảng”.

1. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Cô giáo Ngài

Bà tên là Trần Thị Ngài, thường gọi là Sáu Ngài, sinh ngày 15 tháng 3 năm 1896, tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Cha mẹ và 6 anh em làm thợ thủ công và buôn bán nhỏ. Năm 15 tuổi, bà học chữ tại nhà. Sau đó lên Sài Gòn học lấy được bằng Certificat[2], rồi trở về làng Hòa An, Cao Lãnh xin đi dạy học. Lúc này cả tỉnh Sa Đéc mới có 3 giáo viên là nữ giới. Bà chuyển xuống dạy ở Tân Dương, Cái Tàu Hạ, rồi trở về dạy ở trường làng Hòa An.

Năm 1916, bà lên Sài Gòn học thêm tiếng Pháp. Một năm sau về trường Hòa An tiếp tục dạy học.

Bà được thầy giáo Sa, giáo Cảnh tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Ngày 15 tháng 6 năm 1928, bà được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Năm 1929, bà được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và làm Bí thư Chi bộ liên xã vào năm 1930.

Tháng 12 năm 1930, bà bị Phủ Mẫn quận Cao Lãnh khám xét, bắt tại nhà, và giải bà về tỉnh khảo tra. Việc lấy cung không có kết quả, chính quyền thực dân chuyển bà lên giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Cuối năm 1931, bà bị kêu án 8 tháng tù treo, bị quản thúc ở Cao Lãnh rồi Sa Đéc. Năm 1933-1934, bà cùng chồng lên Đốc Vàng, vừa sản xuất vừa xây dựng cơ sở cách mạng.

Năm 1936, trở về Cao Lãnh, hoạt động phong trào Đông Dương Đại hội, bà công khai đứng ra bán sách báo. Năm 1939, khi Mặt trận Bình dân Pháp đổ, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương thẳng tay đàn áp các phong trào yêu nước, bà bị bắt quản thúc tại nhà số 115, đường Vĩnh Phước, Sa Đéc cùng với hai con nhỏ. Bà tiếp tục hoạt động cách mạng và bị bắt kết án 8 tháng tù giam. Chồng bà bị chính quyền thực dân bắt đi đày và hy sinh ngoài Côn Đảo.

Ra tù, bị quản thúc ở Sa Đéc, nhưng bà tìm mọi cách móc nối với cơ sở, tích cực đi tuyên truyền vận động cách mạng, lập lại Chi bộ, cử người đi liên hệ tìm lãnh đạo Đảng. Được bà Nguyễn Thị Thập giúp đỡ hướng dẫn, bà trở về Cao Lãnh gặp các đồng chí Cương, Nhạc, Lăng, Lương v.v. bàn và quyết định thành lập Tỉnh ủy lâm thời trong tháng 3 năm 1945. Bà được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh.

Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra, Bà trực tiếp chỉ huy quần chúng khởi nghĩa. Bà cùng đoàn đại biểu Mặt trận Việt Minh tiến vào dinh tỉnh trưởng và toà hành chính Sa Đéc, kêu gọi, hòa đàm để Tỉnh Trưởng Sa Đéc bàn giao chính quyền trong hòa bình.

Cách mạng thành công, Bà được phân công phụ trách công tác tài chính và nuôi quân. Từ giữa năm 1946 đến cuối năm 1949, bà làm Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc; sau đó được điều động về làm công tác Kinh tế - Tài chính của Trung ương cục, rồi công tác Phụ nữ Nam Bộ đến ngày đình chiến 1954. Những ngày đầu kháng chiến, để tập trung lo công tác, Bà gởi con cho người thân nuôi dưỡng. Sau đó, cả hai người con đều bị bệnh nặng, từ trần ở tuổi thiếu nhi.

Tập kết ra miền Bắc, năm 1955, bà làm Phó Giám đốc trại Nhi đồng. Từ năm 1959-1962, bà là Hiệu trưởng Trường Học sinh miền Nam số 6, ở Hải Phòng. Năm 1964, bà là Phó Giám đốc Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Năm 1966, bà nghỉ hưu. Sau năm 1975, Bà trở về quê hương. Bà mất năm 1988, thọ 92 tuổi.

2. Cô giáo Ngài – một biểu tượng tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Tranh thủ điều kiện, mạnh dạn nắm bắt thời cơ xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi ra tù ít lâu thì Nhật đã đảo chính Pháp, Bà cùng với một số đồng chí đã nhanh chóng nắm lấy thời cơ, phát triển rộng rãi các tổ chức quần chúng. Sau đó, Bà Mười Thập là đại diện Đảng cử đến để bắt liên lạc, Bà vui mừng reo hò Đảng đây rồi! Đảng đã đến với chúng tôi rồi, chúng tôi không còn hoạt động lẻ loi nữa[3].

Sau đó, Bà Mười Thập và Bà đã lên Cao Lãnh triệu tập một số đồng chí để phổ biến Nghị quyết của Đảng rồi quyết định thành lập các chi bộ, sau đó thành lập Huyện ủy. Sau khi thành lập được 3 huyện ủy thì thành lập Tỉnh ủy, Bà Trần Thị Nhượng được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời lãnh đạo phong trào cách mạng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Táo bạo, gan gốc, kiên trung, khí phách xông thẳng vào dinh Tỉnh trưởng yêu cầu bàn giao chính quyền cho Mặt trận Việt Minh: Trước khi khởi nghĩa, lực lượng đã được xây dựng vững chắc, ở một số nơi trong, Tỉnh quần chúng nhân dân đã chuẩn bị và sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh.

Ngày 24/8/1945, Tỉnh ủy họp, Cô giáo Ngài được Tỉnh ủy phân công vận động bọn bù nhìn nhường chính quyền cho Việt Minh. Theo Bà: “suốt đêm ấy và nhiều đêm trước nữa, không đêm nào Bà chọp mắt được lấy một tiếng, người mệt lả nhưng tinh thần thì vẫn tỉnh táo”[4]

                  

Hình ảnh Cô giáo Ngài cùng với nhân dân tiến vào dinh Tỉnh trưởng Sa Đéc yêu cầu bàn giao chính quyền - ảnh do Bảo tang tỉnh Đồng Tháp thực hiện

Sáng sớm ngày 25/8/1945, cô giáo Ngài cùng Bác sĩ Kế, thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong ở Sa Đéc đến gõ cửa nhà tỉnh trưởng Lê Tấn Bửu. Với thái độ đường hoàng, cô cho mời Tỉnh trưởng: “Chúng tôi là đại biểu của Mặt trận Việt Minh đến đề nghị ông giao chính quyền cho nhân dân và mời ông tham gia chính quyền mới. Chúng tôi bảo đảm tính mạng cho ông. Nếu không, chúng tôi sẽ bắt buộc phải dùng vũ lực. Ông sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu cuộc đổ máu xảy ra”[5].

Quá ngạc nhiên, viên Tỉnh trưởng hỏi như không biết chuyện gì đang xảy ra:

- Cô giáo nói thiệt hay nói chơi?

- Nói thiệt. Chiều nay sẽ có một đội quân khổng lồ đến đây.

Tỉnh trưởng quay sang Bác sĩ Kế như cầu viện:

- Cô giáo biểu tôi giao chính quyền cho Việt Minh, nhưng nếu bên dưới binh lính không chịu nghe thì làm thế nào?

- Điều đó ông khỏi phải lo. Ông cứ tập hợp binh lính lại đây để chúng tôi nói chuyện, Bác sĩ Kế trả lời.

Thấy vậy cô giáo tiếp lời: “Chính quyền toàn quốc đã về tay chúng tôi. Ông không chịu giao thì nhân dân cũng cướp lấy. Đến lúc ấy chỉ sợ chúng tôi không bảo đảm được tính mạng cho ông thôi”[6].

Viên Tỉnh trưởng kéo dài thời gian, hẹn sẽ gặp Đoàn đại biểu Mặt trận Việt Minh vào lúc 9h. Đúng giờ hẹn, cô giáo Ngài trong bộ áo dài trắng trở lại Tòa hành chính. Lần này, đúng như cô và Tỉnh ủy tiên đoán, chính quyền bù nhìn giở trò, uy hiếp tinh thần. Giữa hai hàng lính bồng súng, lên cò lách cách, cô giáo tay không lại đường hoàng đi vào phòng họp trong Tòa hành chính, nơi đã có mặt đầy đủ các quan lớn, nhỏ của tỉnh. Lúc này, cô giáo khẳng định: “Sở dĩ chúng tôi phải đến thương lượng với các ông là vì không muốn làm đổ máu đồng bào, không muốn thấy cảnh “nồi da nấu thịt”[7]. Các ông không muốn nghe lẽ phải, có muốn làm hại tôi thì chỉ như cây cổ thụ rơi có một lá, còn hằng hà sa số nhân dân ngoài kia, họ sẽ không để cho các ông yên.

Lúc này, một đối tượng vẫn ngoan cố can ngăn giao chính quyền, thấy vậy cô giáo quay lại điềm tĩnh nói: “Muốn chiến đấu thì có khó khăn gì. Thôi được, ông đã nói thế thì các ông cứ bàn tính cho kỹ đi. Từ đây đến trưa sẽ trả lời cho chúng tôi biết. Quá 12h mà không thấy trả lời thì chúng tôi bắt buộc phải dùng quân sự [8].

Cô giáo vừa bỏ đi thì viên Tỉnh trưởng đổi ý: “Khoan đã cô giáo, để tính lại!”. Cô giáo Sáu Ngài quay lại nghiêm mặt: “Không tính toán gì nữa, ông chịu trách nhiệm chính hay người khác?[9]. Trước lời lẽ đầy thuyết phục này, Tỉnh trưởng cùng viên Phó Tỉnh trưởng thân hành sang trụ sở Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Sa Đéc ký các giấy tờ bàn giao chính quyền cho Việt Minh.

Trong cuộc mít tinh mừng thắng lợi của nhân dân tỉnh Sa Đéc, vào 3h chiều ngày 25/8/1945, trên lễ đài một lần nữa cô giáo Ngài vẫn trong bộ áo dài trắng, thay mặt cho Mặt trận Việt Minh buộc Tỉnh trưởng tuyên bố giao chính quyền và hộp con dấu. Cô giáo tiếp nhận con dấu trong tiếng hô vang dội của hàng vạn đồng bào: “Chính quyền về tay Việt Minh, ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Đảng Cộng sản Đông Dương muốn năm!”[10]. Sau đó, một cuộc tuần hành thị uy của quần chúng và các đội võ trang kéo dài qua hết các đường phố thị xã, đánh dấu ngày hội lớn của nhân dân toàn tỉnh Sa Đéc.

3. Cô giáo Ngài – Một tấm gương hy sinh cả đời cho sự nghiệp cách mạng và lợi ích của nhân dân

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Cô giáo Ngài hai lần bị giặc bắt, tra khảo rất dã man, những Bà vẫn kiên trung, nỗi đau da thịt không thể đánh gục Bà, nhưng cuộc đời thật khắc nghiệt, Bà tiếp tục chịu nỗi đau mất chồng, mất con, nhưng vượt lên tất cả, Bà nuốt nước mắt vào tim để tiếp tục phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Giữa năm 1944, Bà nhận được thư chồng từ Côn Đảo, viễn cảnh đoàn tụ gia đình đã hiện ra trước mắt, nhưng thời gian mãn hạn tù của chồng đã quá lâu rồi mà vẫn chưa thấy chống về, viết thư cũng không thấy trả lời. Linh tính như báo cho Bà biết việc không hay đã xẩy ra.

Một hôm, được tin chiếc tàu đi đón các đồng chí ở Côn Đảo về đến đất liền, Bà không sao nén nổi xúc động: “Biết đâu nhà tôi sẽ về chuyến này! Tôi hồi hộp chuẩn bị đi đón, nhưng trong số các đồng chí về Sa Đéc vẫn không có nhà tôi. Hỏi thì ai cũng bảo nhà tôi còn đợi chuyến tàu sau. Nhưng còn chuyến nào nữa đâu. Tôi vặn mãi đồng chí Lầu mới nói thiệt là nhà tôi đã mất rồi”[11]. Bà đã đợi tin này từ rất lâu và đã chuẩn bị tâm lý, nhưng khi nghe tin chồng mất, Bà đã không còn đứng vững được nữa. Khi về đến nhà các con xúm lại hỏi. Ba đâu hả má? Ba đã về chưa? Bà không biết trả lời các con như thế nào, chỉ biết ôm con khóc và rồi những người con của Bà cũng òa khóc theo bà.

Sự mất mát tiếp tục đeo bám bà, để có thời gian lo cho cách mạng, Bà đã gửi con nhờ người chăm sóc, năm 1946, hai con nhỏ của Bà lần lượt bị bệnh qua đời, Bà Sáu Ngài vẫn vượt lên, nén đau thương, tiếp tục cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng.

Từng là Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc lâm thời (5/1945- 9/1945); Bí thư Tỉnh ủy Sa Đéc (1946-1949); phụ trách công tác Tài chính-Kinh tế của Trung ương cục; Phó Giám đốc trại Nhi đồng, Phó Giám đốc Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, dù ở cương vị nào Bà cũng hết lòng, hết sức hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 1966, Bà nghỉ hưu, sau năm 1975, Bà trở về quê hương, khi về lại Sa Đéc, Bà không có nhà cửa, không còn người thân, Bà sống trong cơ quan Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Tháp (tại dinh Tỉnh trưởng Sa Đéc cũ), mặt dù đã tuổi cao, sức yếu, nhưng những ngày tháng này Bà vẫn hướng dẫn, giúp đỡ chị em phụ nữ đan lát, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Vào chiều ngày 15 tháng 11 năm 1988 (nhằm ngày 7/10/1988), tại dinh Tỉnh trưởng Sa Đéc cũ nơi Bà đã hiên ngang, khí phách khiến cho kẻ thù và súng đạn phải khiếp sợ, nhưng Bà đã không thắng được số mệnh, Bà sáu Ngài đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 16 giờ 40 phút, thọ 92 tuổi. Bà được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên bà được đặt cho trường trung học cơ sở ở xã Tân Qui Tây (nay là phường An Hoà, TP Sa Đéc) và con đường trong nội ô TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc. Hiện nay, mặc dù chưa có tượng đài, chưa có nơi để lưu giữ những kỷ vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bà, nhưng Bà Sáu Ngài đã là một tượng đài bất diệt, là một tấm gương tiêu biểu về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về sự hy sinh cao cả trong mỗi người con đất Sen Hồng, đặc biệt là những người phụ nữ đất Sen Hồng./.

----------------------

Tài liệu tham khảo:

  1. Cô giáo Sa Đéc, Nhà xuất bản phụ nữ, Hà Nội 1981, tr 128-136 (Hồi ký của Trần Thị Nhượng – Học Phi ghi)

[1]   Đó là bà Trần Thị Nhượng, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Sa Đéc cũ (nay là tỉnh Đồng Tháp). Bà còn có tên là Trần Thị Ngài, thường gọi là Sáu Ngài hay cô giáo Ngài, sinh ngày 15/3/1896, tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

[2] Trong giáo dục, Certificate, hay Certification là chứng nhận được trao cho người vượt qua một kì thi, giành chiến thắng trong các cuộc thi học thuật, hoặc khi hoàn thành một khóa học

[3] Cô giáo Sa Đéc, Nhà xuất bản phụ nữ, Hà Nội 1981, tr. 128-136  (Hồi ký của Trần Thị Nhượng – Học Phi ghi)

[4] Cô giáo Sa Đéc, Nhà xuất bản phụ nữ, Hà Nội , tr. 128-136 (Hồi ký của Trần Thị Nhượng – Học Phi ghi)

[5] Cô giáo Sa Đéc, Nhà xuất bản phụ nữ, Hà Nội 1981, tr. 128-136 (Hồi ký của Trần Thị Nhượng – Học Phi ghi)

[6] Cô giáo Sa Đéc, Nhà xuất bản phụ nữ, Hà Nội 1981, tr. 128-136 (Hồi ký của Trần Thị Nhượng – Học Phi ghi)

[7] Cô giáo Sa Đéc, Nhà xuất bản phụ nữ, Hà Nội 1981, tr.128-136 (Hồi ký của Trần Thị Nhượng – Học Phi ghi)

[8] Cô giáo Sa Đéc, Nhà xuất bản phụ nữ, Hà Nội 1981, tr 128-136 (Hồi ký của Trần Thị Nhượng – Học Phi ghi)

[9] Cô giáo Sa Đéc, Nhà xuất bản phụ nữ, Hà Nội 1981, tr 128-136 (Hồi ký của Trần Thị Nhượng – Học Phi ghi)

[10] Cô giáo Sa Đéc, Nhà xuất bản phụ nữ, Hà Nội 1981, tr 128-136 (Hồi ký của Trần Thị Nhượng – Học Phi ghi)

[11] Cô giáo Sa Đéc, Nhà xuất bản phụ nữ, Hà Nội 1981, tr 128-136 (Hồi ký của Trần Thị Nhượng – Học Phi ghi)