Xuất bản thông tin

null Tăng cường công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng ở Đồng Tháp hiện nay

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Tăng cường công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng ở Đồng Tháp hiện nay

Ths. Lê Minh Sơn

Khoa Xây dựng Đảng

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Rất nhiều Nghị quyết của Đảng ta đã đề cập, đưa ra nhiều quan điểm và nhiệm vụ về công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của tổ chức cơ sở Đảng. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm dân là gốc, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân được củng cố, tăng cường. Nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng và hệ thống chính trị được nâng cao; coi trọng việc lắng nghe, nắm tinh hình và giải quyết những nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân; góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng”. [1]

Nhận thức sâu sắc giá trị to lớn của công tác dân vận, thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về công tác dân vận, tập trung lãnh đạo đổi mới công tác dân vận, khơi gợi và định hướng mạnh mẽ tinh thần chăm chỉ - tự lực - hợp tác trong nhân dân, nhất là các mô hình tự quản của người dân ở cộng đồng dân cư; tạo sự đồng thuận trong xã hội, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa “ý Đảng” với “lòng dân”.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục được quan tâm củng cố, kiện toàn, chuẩn hóa. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động có nhiều đổi mới, thiết thực; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân được chăm lo, bảo vệ; hoạt động giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền có nhiều chuyển biến tích cực.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 100% cấp ủy đã xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận; trọng tâm là tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh; chú trọng cải tiến chất lượng, đổi mới phương thức tập hợp nhân dân, phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Cùng với đó, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, các thành ủy, huyện ủy thường xuyên gặp gỡ từng đơn vị để đề xuất chủ trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, kinh phí và công tác cán bộ. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tiêu biểu như: Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Tân Hồng dự sinh hoạt chi đoàn, chi hội 2 lần/năm để nắm bắt tình hình và trực tiếp chỉ đạo vướng mắc cho cơ sở; Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh phân công cán bộ tham dự sinh hoạt chi hội,...

Ngoài ra, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh chủ động đổi mới về phương thức nắm tình hình đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các nhóm zalo nội bộ, thực hiện đa dạng hóa, chuyển đổi phương thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhằm thích ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19. Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động được xác định rõ hơn về nội dung, nhiệm vụ và trách nhiệm, khắc phục dần biểu hiện hành chính trong hoạt động. Các mô hình, phong trào thi đua được phát huy, nhân rộng, xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích của đoàn viên, hội viên; qua đó, vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và nhân dân tạo sự đồng thuận cao, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đề án lớn của tỉnh và địa phương. Tỉnh ủy Đồng Tháp định hướng chủ trương, liên kết trách nhiệm trong hệ thống chính trị, nhằm tập hợp nhân dân tham gia các mô hình tự quản, liên kết ở cộng đồng dân cư, như mô hình hội quán, tổ nhân dân tự quản,... Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 100 hội quán, với gần 5.500 thành viên, 22 hợp tác xã được thành lập từ hội quán; 12.587 tổ nhân dân tự quản, với hơn 428.000 hộ thành viên. Công tác rà soát, quản lý, phát triển đoàn viên, hội viên được chú trọng; việc nắm bắt và phản ánh tình hình của nhân dân được kịp thời; hoạt động giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền có chuyển biến tích cực.

Dân chủ ở cơ sở được phát huy; đồng thời, các cấp ủy đều xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận trên địa bàn, chú trọng cải tiến chất lượng, đổi mới phương thức tập hợp nhân dân, phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Có nhiều cấp ủy hướng tới việc thay đổi phương thức đánh giá chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bằng những công việc, sản phẩm cụ thể, thông qua cơ chế giao việc.

Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận sát với yêu cầu, nhiệm vụ từ thực tiễn địa phương; đổi mới rõ nét và khắc phục những hạn chế về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh; mạnh dạn sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. [2]

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận của các tổ chức cơ sở đảng ở tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua còn những hạn chế, yếu kém nhất định. Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, của một bộ phận cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận chưa thật sự đầy đủ và toàn diện, chưa gắn nhận thức với hành động, còn xem nhẹ công tác dân vận. Công tác triển khai, quán triệt, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận ở một số nơi còn chậm, chưa cụ thể; việc bố trí cán bộ một số nơi còn chắp vá; vai trò tham mưu, đề xuất của ban dân vận cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh chưa kịp thời. Một số cấp ủy chậm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh; chỉ đạo nắm bắt tình hình của nhân dân có nhiều việc chưa thật sự đầy đủ và kịp thời. Lãnh đạo thực hiện công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở hiệu quả chưa cao. Đổi mới nội dung, phương thức phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân còn chậm; công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền còn hạn chế so với yêu cầu; hoạt động của một số tổ chức chính trị - xã hội và đoàn viên, hội viên ở cơ sở hiệu quả còn thấp; hoạt động của chi đoàn, chi hội chậm đổi mới,... đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của công tác dân vận.

Để tăng cường công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng, thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động, của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị cấp cơ sở về công tác dân vận

Công tác dân vận của tổ chức cơ sở đảng là một mặt hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở. Vì vậy, từng đảng bộ, chi bộ, đảng viên phải trực tiếp làm công tác dân vận, thực hiện chế độ phân công từng đảng viên làm công tác dân vận. Mỗi đảng viên được phân công phụ trách một địa bàn dân cư, một số đối tượng cụ thể, tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể.

Tổ chức quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận một cách hiệu quả. Cần có những quy định cụ thể đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, lấy chi bộ làm địa bàn trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện, làm chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Cấp uỷ cơ sở đưa nội dung công tác dân vận vào sinh hoạt đảng hằng tháng và vào chương trình, kế hoạch công tác hằng tháng, quý, năm. Chú ý sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác dân vận.

Tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan thông tin đại chúng; mở rộng các kênh thông tin truyền thông, đối thoại trực tiếp với nhân dân, góp phần giải tỏa bức xúc, hoài nghi trong xã hội. Chú trọng việc định hướng và quản lý các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các mạng xã hội, chủ động đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ giữa tổ chức đảng, chính quyền cơ sở với nhân dân.

 Hai là, chú trọng xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới

Phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát và phản biện xã hội, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới.

Thường xuyên quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy trình lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý vào các đề án, chương trình kinh tế, xã hội trước khi cơ quan có thẩm quyền ký ban hành.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ. Tích cực đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác dân vận.

Tăng cường phối hợp, thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; hoàn thiện cơ chế và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận đáp ứng yêu cầu mới

Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”; thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Việc tuyển chọn cán bộ đảm trách công tác dân vận phải có phẩm chất, năng lực, đạo đức tốt, tâm huyết với nhiệm vụ được giao, có khả năng tập hợp, động viên mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Đội ngũ cán bộ phải tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống đúng đắn, hòa nhập với cộng đồng, giữ mối liên hệ chặt chẽ với nơi cư trú; không ngừng cố gắng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tích lũy kinh nghiệm trong công việc; có trách nhiệm, tâm huyết với công tác dân vận; tận tụy phục vụ nhân dân; là những cán bộ, đảng viên gương mẫu trong công việc và cuộc sống.

Bốn là, kịp thời thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận

Thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” [3]. Lãnh đạo thể chế hoá Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Rà soát xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về công tác dân vận; chương trình, kế hoạch vận động từng đối tượng nhân dân trên cơ sở nắm chắc tình hình thực tế của địa bàn, các mặt của nhân dân thuộc phạm vi phụ trách.

Chỉ đạo cơ quan chính quyền cơ sở coi trọng việc thể chế hóa thành chương trình hành động; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản, các chính sách sát với thực tế địa phương và xuất phát từ lợi ích thiết thực của nhân dân.

Cấp ủy phải xây dựng được hệ thống quy chế làm việc, quy định chế độ thông tin, báo cáo đầy đủ, đồng bộ; trong đó có quy định rõ chế độ thông tin, báo cáo và giao ban công tác dân vận giữa ban thường vụ, thường trực cấp ủy với chính quyền, thủ trưởng các đơn vị lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp cơ sở.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.201-202.

2. Tài liệu Hội thảo khoa học về vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận trong tình hình hiện nay, tỉnh Đồng Tháp, ngày 6-5-2021

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.249.

4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị: Xây dựng Đảng, Nxb.Lý luận chính trị, H.2021.