Xuất bản thông tin

null Nhìn lại chặng đường 66 năm hình thành và phát triển của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Nhìn lại chặng đường 66 năm hình thành và phát triển của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

ThS. Trần Thị Thu Trang

Cách đây tròn 66 năm (năm 1955), giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân tỉnh Đồng Tháp đang ở giai đoạn quyết liệt, với tầm nhìn xa rộng, chuẩn bị cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước sau hoà bình, Tỉnh ủy Đồng Tháp lúc đó đã quyết định thành lập Trường Đảng (tiền thân của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp ngày nay), đặt nền móng cho sự hình thành, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ cho tỉnh nhà.

Trong suốt 66 năm phát triển và trưởng thành, vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, bằng trí tuệ, niềm say mê giảng dạy và nghiên khoa học cũng như ý thức trách nhiệm cao đối với nhân dân tỉnh nhà, với đất nước, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đã đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực và phát huy cao độ tinh thần lao động sáng tạo, đưa đội ngũ cán bộ, viên chức tỉnh nhà từng bước phát triển, bắt kịp những vấn đề của thời đại, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Trường đã luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên và nghiên cứu khoa học, tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng của đất nước nói chung, của tỉnh Đồng Tháp nói riêng, ngày càng có chiều sâu và chất lượng tốt hơn, như: Những nhân tố ảnh hưởng đến hệ thống chính trị cấp xã; tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Kết quả về đào tạo đội ngũ cán bộ. Trường đã có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực đào tạo bồi bưỡng trình độ lý luận chính trị, nguồn nhân lực có trình độ cao, có bản lĩnh chính trị sắc bén, vừa có tâm, vừa có tầm, vừa hồng, vừa chuyên (nhiều cán bộ trưởng thành từ nơi đây) đặc biệt là từ sau khi Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp được thành lập.

Về công tác đào tạo: Là cơ quan đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Tỉnh, có đội ngũ các nhà giáo và nhà khoa học nhiều năm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp chặt chẽ với Học viện chính trị khu vực 2,  Học viện chính trị khu vực 4. Đã chú trọng đào tạo cả về phẩm chất, đạo đức (tâm và tầm) và trình độ, năng lực; xây dựng, phát triển một đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo cán bộ vừa hồng, vừa chuyên; vừa có hiểu biết rộng, sâu, vừa có tính nhân văn, óc thực tiễn, đủ sức giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra.

Thực tiễn hiện nay đang đặt ra yêu cầu bức thiết trong nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có đội ngũ cán bộ trực tiếp lãnh đạo, triển khai, tổ chức thực hiện ở cơ sở, xã, phường, thị trấn. Để đáp ứng yêu cầu đó, vai trò của trường chính trị là đặc biệt quan trọng. Đòi hỏi người thầy trường Đảng vững vàng về bản lĩnh chính trị, sâu về chuyên môn, rộng về thực tiễn, tinh thông về phương pháp giảng dạy, chuẩn mực về phong cách, gương mẫu về đạo đức, góp phần quan trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa hồng, vừa chuyên. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”(1). Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định "Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được đổi mới cả về nội dung và phương pháp; tăng cường quản lý, kỷ luật trong giảng dạy, học tập; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên; từng bước khắc phục tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị, dạy và học hình thức”(2). Điều này đặt ra những yêu cầu lớn và cũng là một nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Trách nhiệm của người thầy Trường Đảng là vô cùng lớn lao, đòi hỏi phải tỏ rõ tài năng, trí tuệ và nhân cách, là tấm gương về đạo đức cách mạng. Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh “Tập trung xây dựng, củng cố, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên; kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường chính trị”( 3). Đòi hỏi phải đào tạo đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, thành thạo về phương pháp và mẫu mực trong tác phong sẽ tạo được nhiều thiện cảm với học viên, làm cho người học cảm phục, tin tưởng, cảm nhận được hơi thở cuộc sống và nâng cao trách nhiệm công dân của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là thực hiện tinh thần Đại hội XIII của Đảng ta “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận và thực tiễn”(4). Nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp không chỉ truyền thụ kiến thức mà là khơi dậy nguồn cảm hứng, truyền lửa cho học viên, học viên không phải là một chiếc bình cần phải đổ đầy, mà là một bó đuốc cần được thắp sáng.

Về công tác nghiên cứu khoa học: Một mặt, cần tiếp tục đi sâu nghiên các lĩnh vực cụ thể, kết hợp nghiên cứu hàn lâm với nghiên cứu triển khai, ứng dụng. Từ kinh tế, chính trị, triết học, lịch sử, văn hoá đến con người Đất Sen hồng, dân tộc, tôn giáo,... làm sáng tỏ những vấn đề chưa rõ hoặc do thực tiễn mới đặt ra, làm cơ sở cho việc giáo dục, nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng, bồi dưỡng tình cảm đúng đắn cho toàn dân. Mặt khác, cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ các vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nói chung, của tỉnh nhà nói riêng, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng đường lối, chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn mới, “đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tổng kết thực tiễn 40 năm đổi mới để bổ sung, phát triển lý luận của Đảng. Tiếp tục bổ sung, phát triển các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(5). Đây không chỉ là nhiệm vụ khoa học mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra đối với Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp.

Điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp là phải tạo ra một môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương; thật sự phát huy tự do sáng tạo trên cơ sở phương pháp luận biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm cơ bản của Đảng, đồng thời phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước.

Có thể nói 66 năm qua, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, bằng trí tuệ và niềm say mê dạy học, nghiên cứu khoa học cũng như trách nhiệm cao đối với nhân dân, đối với đất nước, các thế hệ lãnh đạo, giảng viên, viên chức của Trường Đảng đã đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta hiện nay nói chung, của tỉnh Đồng Tháp nói riêng./.

Tài liệu tham khảo

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.400.

(2), (3), (4), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.170, 236, 235, 324-325.