Xuất bản thông tin

null Phát huy vai trò của Phật giáo trong công tác bảo vệ môi trường ở xã Tân Phú Đông, Thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Phát huy vai trò của Phật giáo trong công tác bảo vệ môi trường ở xã Tân Phú Đông, Thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp

Nguyễn Phước Tài, Khoa Lý luận cơ sở

Lê Văn Giàu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Đông, Tp Sa Đéc

Vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) được xem là một trong những thách thức lớn đối với Thế giới nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, trong đó có tỉnh Đồng Tháp. Thời gian qua, UBND xã Tân Phú Đông đã căn cứ vào các văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác bảo vệ môi trường của Ban thường trực UB.MTTQVN tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, phòng Tài Nguyên Môi trường đã ban hành các văn bản hỗ trợ Phật tử nói riêng và các tín đồ tôn giáo nói chung phát huy vai trò của tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường.

1. Đặc điểm tình hình xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp

Xã Tân Phú Đông có diện tích 12,39 km², với dân số tính đến cuối năm 2020 là hơn 22.000 người, mật độ dân số đạt 1.101 người/km². Xã nằm ở phía Nam thành phố Sa Đéc, có vị trí địa lý là phía Đông giáp Phường 2, phía Tây giáp huyện Lai Vung, phía Nam giáp huyện Châu Thành, Phía bắc giáp Phường 2 và phường An Hòa.

Trình độ chuyên môn của cán bộ, viên chức hiện đang công tác tại xã là: 13 đ/c có trình độ đại học, 05 đ/c có trình độ trung cấp. Trong đó, 01 Đ/c có trình độ Cao cấp lý luận chính trị; 13 đ/c có trình độ Trung cấp lý luận chính trị; 02 đ/c có trình độ sơ cấp.

Thành phố Sa Đéc không chỉ là vựa hoa lớn ở Miền Tây Nam Bộ, mà thành phố này còn nổi tiếng với làng bột xã Tân Phú Đông truyền thống, sau này nghề làm bột được lan ra các xã, phường lân cận như xã Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, Phường 2... Có những gia đình đã trải qua 3-4 đời làm nghề bột. Hiện làng nghề có gần 350 hộ sản xuất bột với hơn 2.000 lao động, mỗi năm cung ứng cho thị trường 30.000 tấn bột gạo. Người dân làm bột ở xã Tân Phú Đông thường kết hợp làm bột và dùng bột cặn (bột ba) để chăn nuôi heo. Tuy nhiên, từ sau đợt dịch tả heo Châu Phi “càn quét” vừa qua, số lượng đàn heo trên toàn địa bàn chỉ còn hơn 10%. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người chăn nuôi khi phải xử lý phân heo, mà còn gây khó khăn trong khâu xử lý lượng bột cặn của người dân.

2. Công tác bảo vệ môi trường của các Phật tử ở xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp

Số lượng các cơ sở thờ tự/ tôn giáo đóng trên địa bàn xã: Hiện tại trên địa bàn xã có 04 tôn giáo chính là: Phật giáo; Phật giáo Hòa Hảo; Cao Đài và Thiên Chúa giáo. Trong đó có 07 cơ sở thờ tự: Phật giáo 04; Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo là 01; Tổ hương lễ thuộc Họ đạo Cao Đài 01; và 01 Nhà thờ Thiên chúa giáo. Tôn giáo có số lượng tin đồ nhiều nhất trên địa bàn xã là Phật giáo, hơn 9.500 tín đồ.

Xã Tân Phú Đông đã vận dụng các văn bản pháp lý liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như sau: Chương trình số 05-CTPH/MTTQ-STNMT ngày 24/6/2016 của Ban thường trực UB.MTTQVN tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh; Kế hoạch liên tịch số 26-KH.LT/MTTQ-PNNMT ngày 16/9/2016 của UBMTTQ, phòng Tài Nguyên Môi trường với các Tôn giáo; Kế hoạch số: 121-KH.UB ngày 10/8/2017 của UBND Tp Sa Đéc; Kế hoạch số 26-KH.MT, ngày 11/9/2017 của  Ban thường trực UBMTTQVN. Với những luận cứ nêu trên, UBND xã Tân Phú Đông đã ban hành Quyết định số 100/QĐ.UBND-HC, ngày 14/9/2017 về việc ban hành Quy chế hoạt động CLB  “Bảo vệ môi trường số 01”.

Mỗi một tôn giáo đều có giáo lý riêng, tuy nhiên vấn đề bảo vệ môi trường sống nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân sinh sống trên địa bàn xã Tân Phú Đông hoàn toàn phù hợp với đời sống hiện thực. Đó cũng chính là tư tưởng nhập thế mà các tôn giáo đang hướng đến, hành động này không chỉ góp phần làm cho môi trường ở xã Tân Phú Đông được trong lành hơn mà còn làm đẹp cho xã hội.

Phát huy vai trò của Phật Giáo trong công tác bảo vệ môi trường ở xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, qua khảo cứu tại hai ngôi Chùa trên địa bàn xã (chùa Liên Hoa và chùa Vạn Hiếu) đã cho chúng ta thấy rằng: Mặc dù địa bàn nghiên cứu, là một xã nhỏ nằm ở khu vực ngoại ô TP Sa Đéc, có truyền thống làm bột lâu năm, và trên địa bàn xã thì Phật giáo trở thành một tôn giáo chính, có tác động to lớn đối với đời sống tinh thần của người dân. Phật Giáo tại xã Tân Phú Đông đang đồng hành và hoà mình cùng sự phát triển mọi mặt của xã, từ việc duy trì bản sắc truyền thống đến việc tiếp cận các xu thế hiện đại để hoà nhập và lan toả.

Các vấn đề về môi trường hiện nay tại xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc được tôi trình bày cụ thể qua mấy vấn đề sau: thứ nhất môi trường tự nhiên đang chịu ảnh hưởng do nghề làm bột và chất thải từ chăn nuôi heo, từ đó làm cho môi trường đất, nước, không khí đều có dấu hiệu bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một số hộ dân chưa cao; thứ hai: vấn đề xã hội đang đứng trước những diễn biến khó khăn như thừa lực lượng lao động bởi sau tình hình dịch bệnh Covid - 19, nhiều lao động từ các vùng dịch trở về hiện chưa có việc làm, hoặc đang trong quá trình tìm kiếm việc làm.

Trong thời gian qua, các Chùa trên địa bàn xã có đóng góp tích cực trong việc vận động người dân thay đổi thói quen và hành động, giúp bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, với tinh thần “hoằng dương Phật Pháp, lợi lạc quần sinh” các Chùa trên địa bàn xã (dưới sự đồng ý và phối hợp với các cấp chính quyền) luôn là tấm gương tiêu biểu, tiên phong trong việc vận động người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa đạo và đời.

Để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường ở xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, Phật giáo nói riêng và các tôn giáo trên địa bàn xã nói chung cần tập trung thực hiện một số nội dung:

- Đối với các cấp chính quyền địa phương ở xã Tân Phú Đông: Cần hướng dẫn, đôn đốc việc bảo vệ, giữ gìn tốt cảnh quan, môi trường trên địa bàn xã; Bên cạnh đó, hàng tháng cần kết hợp với các tổ chức tôn giáo và các trường học đóng trên địa bàn xã tổ chức ngày “Chung tay bảo vệ môi trường”.

Phối hợp vận động, kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp các nguồn lực vật chất và tinh thần của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp hỗ trợ cho chương trình BVMT và ứng phó với BĐKH.

- Đối với các cơ sở thờ tự trên địa bàn xã Tân Phú Đông: Cần tiếp tục vận động Tăng Ni, Phật tử thay đổi những tập quán, thói quen sinh hoạt làm ô nhiễm môi trường, làm tăng BĐKH; tạo dựng cơ sở tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng theo mô hình không gian xanh - sạch - đẹp; vận động Phật tử hay người dân phối hợp, tham gia các lớp tập huấn do các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tổ chức nhằm nâng cao năng lực BVMT và ứng phó với BĐKH của các cấp.

- Đối với bản thân người dân trên địa bàn xã: Cần nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường bởi việc bảo vệ môi trường không chỉ riêng của các cơ quan chức năng, của tín đồ tôn giáo, mà bản thân mình phải tự rèn luyện ý thức, trách nhiệm đối với môi trường xung quan và với xã hội.

Qua bài viết này, ngoài việc giúp cho độc giả hiểu hơn “tinh thần nhập thế” của tôn giáo mà đặc biệt là của Phật giáo đối với xã hội. Đồng thời giới thiệu đến độc giả một mô hình rất thiết thực mà Phật giáo tại xã Tân Phú Đông đã và đang thực hiện đó chính là chung tay phát huy vai trò Phật tử trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.

Với mô hình bảo vệ môi trường của Phật giáo tại xã Tân Phú Đông đã thực hiện và mang lại hiệu quả tốt trong công tác bảo vệ môi trường như thế, sẽ là cơ sở, mô hình rất đang để học tập cho các tín đồ theo đạo nói chung và các Phật tử trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng học tập và thực hành theo nhằm chung tay góp phần vào công tác bảo vệ môi trường sống của chúng ta.