Xuất bản thông tin

null Những đổi thay về chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp qua 65 năm hình thành và phát triển

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Những đổi thay về chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp qua 65 năm hình thành và phát triển

Nguyễn Thị Duyên

Ngày 13/11/2018 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 09-QĐi/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố, trực thuộc Trung ương trong đó nêu rõ Trường Chính trị cấp tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận – chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội…

Với chức năng quan trọng mà Đảng giao phó, các Trường Chính trị tỉnh nói chung và Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp nói riêng luôn không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Trường, đảm bảo về trình độ lý luận và kiến thức thực tiễn như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông[1]. Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, trải qua nhiều khó khăn từ những ngày đầu thành lập, đến nay Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng mà Đảng và Nhà nước giao phó, đảm bảo sứ mệnh là “cái nôi” đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tỉnh nhà.

Trên tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 06/01/1995 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương hợp nhất Trường Đảng, Trường Hành chính và các Trường Đoàn thể thành Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban Nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 04/QĐ-UB ngày 16/01/1995 thành lập Trường Chính trị Đồng Tháp, mục đích nhằm tập trung thống nhất và tiếp tục nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn cách mạng mới. 

           Khi được thành lập, Trường Chính trị Đồng Tháp có tổng số 51 cán bộ, giảng viên, trong đó Ban Giám đốc gồm 03 người cộng với 2 phòng và 5 khoa[2]. Đến năm 2009, các đơn vị trực thuộc Trường gồm có 3 phòng, 4 khoa. Đến tháng 9/2019 tổ chức bộ máy Trường được sắp xếp, bố trí theo Quy định 09-QĐi/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng gồm 2 phòng và 3 khoa. So với những năm về trước trình độ đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng lên, mặc dù số lượng giảng viên hiện nay của Trường vẫn có thiếu, tuy nhiên chất lượng luôn được đảm bảo và các giảng viên luôn thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong công tác giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học, đảm bảo nắm lý luận và thực tiễn vận dụng một cách cụ thể, linh hoạt, sáng tạo vào trong bài giảng, tạo sự hứng thú cho học viên trong quá trình tiếp thu bài. Và nếu xét tiêu chí để trở thành Trường Chính trị chuẩn phải có ít nhất 05 tiến sĩ thì hiện nay Trường Chính trị Đồng Tháp đảm bảo đủ tiêu chí đó (hiện tại có 04 tiến sĩ và 01 đồng chí sắp hoàn thành nghiên cứu sinh), còn lại 100% các giảng viên đều là trình độ Thạc sĩ.

65 năm nhìn lại, Trường Chính trị Đồng Tháp từng ngày khoác lên mình những chiếc áo mới, mới về hình ảnh, mới về số lượng lớp học, mới về hình thức đào tạo, mới về đội ngũ giảng viên và mới cả về chất lượng giảng dạy. Nếu như năm 1977 đội ngũ giảng viên của Trường chỉ có 02 giảng viên được đào tạo cơ bản, có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Năm 1995 chưa có giảng viên có trình độ thạc sĩ[3], thì đến nay, đội ngũ giảng viên của Trường có trình độ chuyên môn khá cao, hiện nay Trường có 06 tiến sĩ; 01 nghiên cứu sinh, còn lại tất cả các giảng viên kể cả giảng viên kiêm nhiệm tại Trường đều có trình độ thạc sĩ, 05 giảng viên chính và 01 chuyên viên cao cấp.

Đạt được những kết quả đáng khích lệ trên là do công tác chăm lo đào tạo, bồi dưỡng luôn được quan tâm, Lãnh đạo Trường tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các giảng viên kể cả giảng viên tập sự học tập nâng cao trình độ, bên cạnh nhờ những nỗ lực khắc phục khó khăn từ chính bản thân của mỗi đồng chí, mà thành tích của Trường cũng như của từng cá nhân không ngừng được nâng lên.

Bên cạnh công tác giảng dạy, chuyên môn, công tác nghiên cứu khoa học cũng từng bước thay đổi về chất lượng và tăng về số lượng. Các giảng viên tăng cường viết bài đăng các trang web, các trang thông tin điện tử, hội thảo các Trường, hội thảo cấp Học viện và đặc biệt Trường cũng đang thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh do đồng chí Hiệu trưởng chủ trì. Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa hay việc giảng viên đi nghiên cứu thực tế hằng năm được thực hiện nghiêm túc và chất lượng. 

Với những kết quả đáng phấn khởi nêu trên, chúng ta có thể lạc quan tin tưởng khẳng định rằng chất lượng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Đồng Tháp ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng mà Đảng và Tỉnh nhà giao phó./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996,  tr.497.

[2] Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, Nxb Chính trị Quốc gia, Tr.96

[3] Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, Nxb Chính trị Quốc gia, Tr.99