Xuất bản thông tin

null Một số cách thức phân loại quyền con người dựa trên pháp luật nhân quyền quốc tế

Chi tiết bài viết Bài viết

Một số cách thức phân loại quyền con người dựa trên pháp luật nhân quyền quốc tế

Ths. Nguyễn Quang Thành

Khoa Nhà nước và Pháp luật

            Quyền con người có phạm vi nghiên cứu rất rộng và trải dài trên nhiều lĩnh vực nên thường được phân loại thành các nhóm theo những tiêu chí khác nhau. Quá trình phân loại này sẽ giúp những người nghiên cứu dễ dàng tiếp cận hơn về đặc điểm, tính chất cũng như những nét đặc trưng cơ bản của từng nhóm quyền mà từ đó đề ra những biện pháp thực thi thích hợp. Tuy nhiên, việc phân chia này chủ yếu có ý nghĩa về mặt lý thuyết chứ không nhằm xác định thứ tự quan trọng trước sau của các quyền, bởi lẽ, việc bảo đảm quyền con người phải được thực hiện đồng bộ, đều nằm trong mối liên hệ mật thiết và phải được coi trọng như nhau. Hiện nay, có nhiều cách phân loại quyền con người nhưng cách phân loại cơ bản và chủ yếu nhất đó là phân loại quyền con người theo lĩnh vực, tiếp đó là phân loại theo chủ thể của quyền và một số tiêu chí khác. Cụ thể như sau:

            1. Phân loại theo lĩnh vực

            Theo các lĩnh vực của đời sống, quyền con người được chia thành hai nhóm chính: các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Đây cũng là cách phân loại được sử dụng khi soạn thảo hai công ước quốc tế cơ bản về quyền con người của Liên hợp quốc năm 1966, đó là Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights – ICESCR).Trong đó, có thể kể đến một số quyền trong từng nhóm như sau:

            - Quyền dân sự: quyền sống (right to life), quyền tự do và an toàn cá nhân (liberty and security of person), quyền tự do đi lại và cư trú (freedom of movement and residence), quyền được bảo vệ sự riêng tư (right to privacy)…

            - Quyền chính trị: quyền tham gia chính trị (right of political participation), quyền tự do hội họp (freedom of assembly), quyền tự do lập hội (freedom of association).

            - Quyền kinh tế: quyền làm việc (right to work), quyền được hưởng mức sống thích đáng (right to an adequate standard of living)…

            - Quyền xã hội: quyền được hưởng an toàn xã hội (right to social security), quyền về gia đình, hôn nhân tự do (rights to family, free marriage)…

            - Quyền văn hóa: quyền được giáo dục (right to education), quyền được tham gia vào đời sống văn hóa (right of cultural life participation)…

            Việc phân loại thành hai nhóm quyền cơ bản là các quyền dân sự, chính trị và các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội được cho là bắt nguồn từ nhận thức có sự khác nhau về đặc điểm và những yêu cầu trong bảo đảm hai nhóm quyền này. Nhận thức chung cho rằng, việc thực hiện hóa các quyền dân sự, chính trị là mang tính tức thời (immediate) bởi việc bảo đảm các quyền này không mất nhiều nguồn lực vật chất đáng kể trên thực tế, chính vì vậy mà bất luận là quốc gia nào, dù giàu hay nghèo cũng có thể tiến hành ngay. Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa thì ngược lại, nếu muốn thực thi các quyền trong nhóm này đòi hỏi sự huy động các nguồn nhân lực, vật lực trong toàn xã hội. Vì thế mà những quốc gia nghèo và đang phát triển thường gặp rất nhiều thách thức trong quá trình đảm bảo các quyền này trên thực tế hiện nay.

            Một vấn đề khác cũng đáng để lưu tâm đó chính là tính chất chủ động và thụ động trong việc bảo đảm cả hai nhóm quyền dân sự, chính trị và kinh tế, xã hội, văn hóa. Để thực hiện hóa các quyền này được tốt, không nên xác định một nhóm quyền hoàn toàn thụ động và nhóm quyền còn lại hoàn toàn chủ động. Chẳng hạn, một quốc gia đang trong tình trạng đói nghèo và lạc hậu, quyền hưởng an sinh xã hội và quyền giáo dục đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà đất nước này chỉ thụ động trong hành động, không có bất cứ chính sách hay quy định pháp luật nào để hỗ trợ vấn đề này thì khi đó việc bảo đảm thực hiện quyền con người, cụ thể ở đây là nhóm quyền kinh tế, xã hội, văn hóa sẽ không thể nào khả thi.

            2. Phân loại theo chủ thể của quyền

      Thông thường, chủ thể chính của quyền con người là cá nhân nên khi nói đến quyền con người về căn bản là đề cập đến quyền cá nhân (individual rights). Song, bên cạnh các cá nhân, chủ thể của quyền con người cũng bao gồm các nhóm xã hội nhất định và vì thế, bên cạnh các quyền cá nhân, chúng ta còn nhắc đến quyền của nhóm (group rights hay collective rights).[1]

      Khái niệm quyền của nhóm đầu tiên được dùng như một thuật ngữ để chỉ quyền của một dân tộc (people’s rights)[2] sau đó được mở rộng để thể hiện cho cả nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật… Nếu như quyền cá nhân được cho là các quyền thuộc về mỗi cá nhân, dù cho họ có là thành viên của bất kỳ nhóm xã hội nào hay không thì ngược lại quyền của nhóm lại chính là quyền đặc thù, dành chung cho một tập thể hay một nhóm xã hội nhất định mà để hưởng thụ được các quyền này nhất thiết phải là thành viên của nhóm và trong một vài trường hợp cần phải cùng chung thực hiện với những thành viên khác.[3] Trong Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động năm 1993 cùng với Tuyên bố Thiên niên kỷ được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết số 55/2 ngày 08/9/2000 đã nêu bật lên tầm quan trọng, đề cao vai trò trong việc bảo đảm quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số với lời kêu gọi: “Hội nghị thế giới về Quyền con người thúc giục các quốc gia và cộng đồng quốc tế thúc đẩy và bảo vệ các quyền của những người thuộc nhóm thiểu số về dân tộc, sắc tộc, tôn giáo và ngôn ngữ”.[4]

      3. Phân loại theo một số tiêu chí khác

      Bên cạnh hai cách phân loại cơ bản trên, quyền con người còn có thể được phân loại theo một số tiêu chí khác như sau:

      Một là, quyền cụ thể (explicit rights) và quyền hàm chứa (unenumerated rights). Cách phân loại này dựa vào khía cạnh pháp điển hóa. Quyền cụ thể được dùng để chỉ những quyền đã được ghi nhận, quy định rõ ràng trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Ngược lại, quyền hàm chứa thể hiện cho những quyền chưa được nêu rõ ràng nhưng có thể suy ra từ nội hàm của các quy định pháp lý đã có hoặc từ lý luận và thực tiễn về quyền. Một điểm khác nhau cơ bản nữa đó chính là quyền hàm chứa còn đang gây tranh luận về nội dung và hình thức, trong khi đó, quyền cụ thể đã được sự biết đến và chấp thuận phổ biến của cộng đồng quốc tế.[5]

      Hai là, quyền thụ động (negative rights) và quyền chủ động (positive rights). Khác với cách phân loại trên, cách phân loại này chủ yếu dựa vào cách thức thực thi, bảo đảm quyền trên thực tế. Cụ thể hơn, quyền thụ động yêu cầu những chủ thể khác phải kiềm chế không can dự vào việc hưởng thụ quyền hoặc thực hiện quyền của chủ thể khác. Trái lại, quyền chủ động lại đòi hỏi những chủ thể khác phải có nghĩa vụ tương ứng trong hành động để bảo đảm quyền được thụ hưởng của chủ thể. Từ đây, có thể nhận thấy, đa số các quyền dân sự, chính trị đã được phân tích chủ yếu thuộc nhóm quyền thụ động; ngược lại, nhóm quyền chủ động bao hàm phần đông các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa.

      Ba là, quyền tuyệt đối (absolute rights) và quyền có điều kiện (conditional rights). Sự khác biệt giữa hai loại quyền này chủ yếu dựa trên tiêu chí mức độ, điều kiện hưởng thụ quyền. Quyền tuyệt đối là những quyền bắt buộc tôn trọng và thực hiện trong đa số hoàn cảnh mà không cần bất cứ điều kiện gì kèm theo. Trong khi đó, quyền có điều kiện là các quyền mà chỉ được áp dụng nếu thỏa mãn những yêu cầu nhất định./.

Tài liệu tham khảo

1. OHCHR: Frequently Asked Questions on a Human Rights – based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, 2006, tr. 4.

2. Viện Thông tin Khoa học xã hội: Quyền con người các văn kiện quan trọng (Human Rights – Fundamental Documents), Hà Nội, 1998, tr. 220.

3. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (Đồng chủ biên): Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011, tr. 67.


[1] OHCHR: Frequently Asked Questions on a Human Rights – based Approach to Development Cooperation, New York and Geneva, 2006, tr. 4.

[2] Ví dụ như quyền tự quyết của dân tộc, quyền được bảo tồn tài nguyên và đất đai truyền thống của các dân tộc bản địa. Tại Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị có quy định: “1. Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. 2. Vì lợi ích của mình, các dân tộc đều có thể tự do định đoạt tài nguyên thiên nhiên và của cải của mình mà không làm phương hại đến các nghĩa vụ phát sinh từ hợp tác kinh tế quốc tế, các nghĩa vụ dựa trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và nguyên tắc của luật pháp quốc tế…”. Xem thêm: Viện Thông tin Khoa học xã hội: Quyền con người các văn kiện quan trọng (Human Rights – Fundamental Documents), Hà Nội, 1998, tr. 220.

[3] Đối với vấn đề này có thể tham khảo thêm quy định tại Điều 27 – ICCPR, “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết số 64/295 ngày 13/9/2007 và “Tuyên ngôn về quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết số 47/135  ngày 18/12/1992.

[4] Tuyên bố Vienna và Chương trình hành động năm 1993.

[5] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (Đồng chủ biên): Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011, tr. 67.