Xuất bản thông tin

null Quy định mới về trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

Chi tiết bài viết Bài viết

Quy định mới về trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong luật thực hiện dân chủ ở cơ sở

Nguyễn Thanh Tuấn

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 4 thông qua chính thức có hiệu lực. Điều đó đồng nghĩa với việc Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Nghị quyết số 55/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 30 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hết hiệu lực thi hành.

Luật đã quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định tại Điều 86 của Luật này. Cụ thể:

1. Về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp xã:

Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ trong phạm vi địa bàn cấp xã; Giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn cấp xã trong việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

2. Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn cấp xã; Giữ mối liên hệ chặt chẽ với Nhân dân và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; Xem xét, giải quyết và trả lời kịp thời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội cấp xã; Kịp thời báo cáo cơ quan nhà nước cấp trên về những vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình; Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

3. Đối với nơi không có đơn vị hành chính cấp xã:

Tại nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của Luật này.

4. Đối với nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã:

Tại nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn. Hội đồng nhân dân cấp huyện tại nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp xã và Hội đồng nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 86 Luật số 10/2022/QH15.

Với việc quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân nói chung, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã nói riêng giúp bảo đảm hơn nữa việc thực hiện chủ trương của Đảng ta về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Luật số 10/2022/QH15.