Xuất bản thông tin

null Những điểm sáng trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá làng dệt chiếu Định Yên

Chi tiết bài viết Bài viết

Những điểm sáng trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá làng dệt chiếu Định Yên

ThS. Nguyễn Thị Duyên

1. Đôi nét về huyện Lấp Vò

Là một trong 12 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh. Tiếp giáp với các đô thị lớn và các huyện là thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh, huyện Lai Vung, Chợ Mới của An Giang và Thốt Nốt của Cần Thơ. Trên mảnh đất này, các thế hệ người dân đã cùng nhau đoàn kết, chung sống, khai cơ lập nghiệp, anh dũng đấu tranh xây dựng và bảo vệ quê hương.

Trải qua nhiều biến động lịch sử, chính trị - xã hội, Lấp Vò có nhiều thay đổi về địa lý hành chính, nhưng luôn gắn bó với Đồng Tháp, với đồng bằng Sông Cửu Long, nên Lấp Vò vừa có những nét riêng, vừa có những nét chung của Đồng Tháp, của Nam Bộ, nhưng rất đậm đà bản sắc riêng có.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước được độc lập thống nhất, huyện Lai Vung và huyện Lấp Vò được sáp nhập lại lấy tên là huyện Lấp Vò. Đến năm 1981, huyện Lấp Vò được đổi tên là Thạnh Hưng. Năm 1989 huyện Thạnh Hưng lại được chia tách ra thành 2 huyện là Lai Vung và Thạnh Hưng. Đến năm 1996 Thạnh Hưng trở lại tên huyện Lấp Vò.

Hiện nay huyện Lấp Vò có 13 xã, thị trấn, không chỉ được biết đến như là quê hương của những cánh đồng lúa mênh mông, những vườn cây trù phú, mà nơi đây còn là “cái nôi” của nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng khắp nơi – làng chiếu Định Yên.

2. Đôi nét về làng chiếu Định Yên

Theo số liệu Báo cáo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có tổng số 39 làng nghề trải đều ở 09 huyện, thành phố, nhiều nhất là ở huyện Lấp Vò với 12 làng nghề (8 truyền thống và 4 làng nghề khác). Trong đó, có làng nghề truyền thống dệt chiếu Định Yên (xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã hình thành từ trên 100 năm và là điểm thu hút khách du lịch tham quan của tỉnh Đồng Tháp. Năm 2013, làng nghề dệt chiếu Định Yên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.

Nghề dệt chiếu ở Định Yên không chỉ là nghề sinh kế mà còn là một trong những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của vùng đất này, là lòng tự hào về làng nghề và sản phẩm chiếu truyền thống nổi tiếng của mình. Người dân Định Yên từ bao đời nay có ý thức rất rõ về tính đặc thù và tay nghề sản phẩm, họ chú trọng, tỷ mẫn trong từng chi tiết. Từ khâu đầu tới khâu cuối, cẩn thận trao truốt từng sợi lác, đến từng chiếc chiếu sao cho thật đẹp thật, hoàn hảo.

Ở Định Yên hiện nay có khoảng 3 ngàn hộ hoạt động ngành nghề có liên quan đến nghề dệt chiếu cộng thêm một số hợp tác xã sản xuất với số lượng lớn. Không chỉ phục vụ khách hàng trong nước, chiếu Định Yên ngày nay còn được bạn hàng ngoại quốc đánh giá cao.

Sản phẩm chiếu Định Yên có rất nhiều chủng loại, kích cỡ, mẫu mã phong phú gồm: chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông hình hoa cúc, chiếu Trà niên, chiếu trắng, chiếu hoa văn, chiếu vảy ốc…

Nhắc về Định Yên, người ta không chỉ nhớ về đôi chiếu, nhớ về những nghệ nhân đã dệt nên những chiếc chiếu đẹp, tỷ mỉ mà người ta còn nhớ đến một ngôi chợ rất đặc biệt, đó là “chợ ma”

“Ai về làng chiếu Định Yên

Chợ ma là nét rất riêng Lấp Vò”

Tối 29/9/2023, show diễn thực cảnh “chợ chiếu ma” tại đình Định Yên, huyện Lấp Vò được tái hiện lần đầu tiên với sự tham gia của hàng trăm người dân trong vùng. Họ là những nghệ nhân dệt chiếu, nhuộm chiếu hoặc những tiểu thương làng nghề, từng chứng kiến sự hưng thịnh và chấm dứt của “chợ chiếu ma”.

3. Những điểm sáng trong việc giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống ở làng chiếu Định Yên thông qua tái hiện “chợ ma”

* Góp phần quảng bá hình ảnh địa phương

Từ lâu Lấp Vò được biết đến là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp xay xát và lau bóng gạo. Nhưng từ tháng 12/2017, Lấp Vò còn được biết đến với một địa điểm du lịch thu hút đông đảo khách tham quan đó là khu Du lịch Văn hóa Phương Nam với diện tích lên đến 17 ha, gồm 5 hạng mục chính: Nam phương Linh từ, Đặng tộc Nam phương Linh từ, nhà bảo tàng họ Đặng, nhà bảo tàng Nam bộ và dãy trường lang bao quanh (tượng trưng cho 5 châu). Khu Du lịch đã níu chân biết bao du khách bởi không gian kiến trúc rộng lớn, đẹp mắt, chốn bình yên để thư giãn tâm hồn.

Hiện nay, dấu ấn đặc sắc của Lấp Vò còn được biết đến với một số điểm tham quan du lịch khác, cụ thể là vào năm 2023, huyện Lấp Vò quyết định đầu tư phục dựng lại hoạt động “chợ ma” ở làng chiếu Định Yên vào ngày thứ 7 đầu tiên trong tháng để bà con và khách tham quan được chiêm ngưỡng và đắm mình trong không gian cách đây gần nửa thế kỷ.

Du khách đến làng chiếu Định Yên để thưởng thức cảnh sinh hoạt “chợ ma” xưa, có thể ngắm nhìn thực cảnh quy trình làm chiếu, sự tỉ mỉ, chịu khó trong từng tấm chiếu được dệt thành. Sự quan sát, trải nghiệm không chỉ giúp du khách hiểu về nghề dệt chiếu mà còn thấu hiểu về cuộc sống cũng như sự cần cù, tần tảo, chịu khó, nghĩa tình của người dân Lấp Vò. Đồng thời, chính họ cũng có thể trải nghiệm cách dệt chiếu tại đây.

*Giữ gìn làng nghề của địa phương

Ở Định Yên hiện nay có khoảng 3 ngàn hộ hoạt động ngành nghề có liên quan đến nghề dệt chiếu cộng thêm một số hợp tác xã sản xuất với số lượng lớn.

Công việc làm chiếu nhìn qua rất dễ nhưng thật sự lại rất kỳ công, vì nó đòi hỏi người thợ phải nắm rõ và ghi nhớ từng công đoạn. Có lẽ vì vậy, mà làm nghề dệt chiếu ở Định Yên chủ yếu là phụ nữ. Chính vì lẽ đó, bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống dệt chiếu tại Định Yên thông qua du lịch là một triển vọng góp phần đưa nghề dệt chiếu không bị lãng quên.

* Tạo sinh kế cho người dân trong vùng từ việc thu hút khách du lịch

Trong không gian tái hiện “chợ chiếu ma”, du khách có thể ghé thưởng thức các loại bánh dân gian được chính người dân địa phương làm và bán. Những quầy hàng góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân nơi đây.

Để phục dựng và tái hiện lại không gian “chợ chiếu ma” xưa, đòi hỏi số lượng lớn người dân tham gia với các hoạt cảnh như cầm đuốc, cầm chiếu đi bán. Đó cũng là một phương thức đem lại thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, khi đến tham quan, du khách còn có thể lựa chọn mua cho mình những chiếc chiếu ưng ý với đủ màu sắc và kích cỡ.

*Giúp thế hệ trẻ được trải nghiệm và hiểu hơn về nét văn hóa xưa từ những hình ảnh được tái hiện

Đến tham quan làng chiếu Định Yên, du khách như được hòa mình vào không gian xưa, quay về ký ức tuổi thơ với các quầy bày bán bánh dân gian, với trò chơi lô tô trúng thưởng, với các tuồng cổ, các trích đoạn cải lương.

Thực cảnh tái hiện chợ ma xưa ở làng chiếu Định Yên không chỉ là cảnh mua bán chiếu của người dân trên bến, dưới thuyền mà trong không gian đó còn là quang cảnh những đứa trẻ nô đùa, những chàng trai cô gái trao duyên, những nụ cười ấm áp nghĩa tình, những cuộc trao đổi thuận mua vừa bán, những câu hò, điệu hát vang trong đêm, những chiếc đèn măng xông, đèn dầu tạo ánh sáng cho người dân mua và bán chiếu. Họ vẫn vui vẻ dù cuộc sống có tất bật, có khó khăn và dù đạn pháo của kẻ thù vẫn đang không ngơi nghỉ dội xuống xóm làng.

Tóm lại, qua sự tái hiện “chợ chiếu ma” ở làng chiếu Định Yên cho chúng ta một cảm nhận sâu sắc trong việc cần lưu giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là các làng nghề.