Tartalom megjelenítő

null Rèn luyện tư duy phản biện trong dạy - học lý luận chính trị để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Rèn luyện tư duy phản biện trong dạy - học lý luận chính trị để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

           Ths. Mai Quang Khả, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

                                                Ths. Phạm Thị Mỹ Nhung, Khoa Lý luận cơ sở

Mở đầu

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học, là chân lý, có giá trị vượt thời đại, có sức sống mãnh liệt. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống tư tưởng ở tầm đỉnh cao lý luận, vì đã không chỉ dừng lại ở việc mô tả hiện tượng của chủ nghĩa tư bản mà còn phát hiện ra những quy luật cơ bản của chủ nghĩa tư bản nói riêng và sự phát triển xã hội loài người nói chung. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam; là ngọn cờ tư tưởng và kim chỉ nam dẫn dắt sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nội dung

Nền tảng tư tưởng của Đảng

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng năm 1991, Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[1]. Đây là bước phát triển lớn trong tư duy, nhận thức và hoạt động thực tiễn về nền tảng tư tưởng của Đảng. Sự khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng trong Cương lĩnh năm 1991, không chỉ bảo đảm sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng mà còn thể hiện rõ ý chí kiên quyết đấu tranh đối với những luận điệu sai trái, thù địch đi ngược lại tư tưởng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[2]. Hơn 94 năm đấu tranh cách mạng, xây dựng và đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định, kiên trì theo đuổi và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, không ngừng thúc đẩy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh lên tầm cao mới. Cách mạng Việt Nam nhờ đó đã giành được thắng lợi vĩ đại trong công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, mở ra con đường đổi mới xã hội chủ nghĩa với những bước đi đột phá và đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử khiến cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”[3]. Những thành tựu đó đã chứng tỏ sự kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vừa phù hợp với xu thế khách quan đúng như Đảng ta nhận định: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”[4].

Tư duy phản biện

Theo Richard Paul-Linda Elder: “tư duy phản biện là nghệ thuật phân tích và đánh giá tư duy với định hướng cải thiện nó”[5]. Nghĩa là mô hình tư duy - về một chủ đề, một vấn đề, một nội dung bất kỳ - trong đó chủ thể tư duy cải tiến chất lượng tư duy của mình bằng việc điều khiển một cách thành thạo các cấu trúc nền tảng có sẵn của tư duy và áp đặt các tiêu chuẩn của hành động trí tuệ lên quá trình tư duy. Theo Michael Michalko: “tư duy phản biện là khả năng, hành động để thấu hiểu và đánh giá được những dữ liệu thu thập được thông qua quan sát, giao tiếp, truyền thông và tranh luận”[6].

Từ trên cho thấy, kỹ năng tư duy phản biện là khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để xác định, phân tích, suy luận và đánh giá một vấn đề nào đó dựa trên các tiêu chuẩn trí tuệ trước khi đưa ra kết luận hay quyết định nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra.

Trên tinh thần kế thừa, tiếp thu các quan điểm trên, có thể hiểu: Kỹ năng tư duy phản biện Triết học Mác - Lênin là một chuỗi các hoạt động được cá nhân (giảng viên, học viên) thực hiện thuần thục nhằm phân tích thông tin, thu thập minh chứng, đưa ra lập luận để chứng minh hoặc bác bỏ một vấn đề, ý kiến, quan điểm, một học thuyết nào đó của các triết gia trong lịch sử triết học đặc biệt là Triết học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Rèn luyện tư suy phản biện trong dạy - học lý luận chính trị để bảo vệ nền tảng tư tường của Đảng

Trước bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến phức tạp khó lường, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng trên mọi phương diện và bằng nhiều biện pháp, đã đặt ra cho Đảng, Nhà nước những yêu cầu, nhiệm vụ bức thiết là cần học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Để việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đạt hiệu quả góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, Học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trong đó đi đầu là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, yêu cầu thiết yếu đặt ra là phải không ngừng củng cố, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, uy tín và trình độ để giáo dục, thuyết phục và định hướng cho quần chúng trong đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch.

Kiên định và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở trung thành với nguyên tắc cách mạng, khoa học và nhân văn, đồng thời vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp lý luận mác xít với thực tiễn cách mạng Việt Nam và xu thế của thời đại. Đây là đòi hỏi khách quan, là yêu cầu có tính nguyên tắc, giữ vai trò nền tảng, then chốt đối với sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

Hai là, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Cần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội, bảo đảm thế hệ trẻ Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng và với chế độ. Việc học tập lý luận chính trị phải được tiến hành thường xuyên, trở thành nhu cầu, nguyện vọng của mỗi cán bộ, đảng viên trong quá trình công tác.

Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong giảng dạy cần nghiên cứu sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ rõ những giá trị cốt lõi, những giá trị lý luận trường tồn, mà trước hết là thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử; học thuyết về giá trị thặng dư; học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội; học thuyết về xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền; lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản; tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tư tưởng về đại đoàn kết toàn dân tộc, về giải phóng và phát triển toàn diện con người. Đồng thời, cần chỉ rõ bản chất phản động, những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - Nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính sáng tạo trong việc học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tiếp tục kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị; có ý thức khắc phục triệt để bệnh “lười” học tập lý luận chính trị. Ngoài ra, cần quán triệt quan điểm biện chứng và nguyên lý phát triển khi học tập, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là vừa không ngừng củng cố, nâng cao kiến thức để tăng “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” trước những âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch song cũng vận dụng sáng tạo, không ngừng bổ sung, phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử - cụ thể; tránh tư duy dập khuôn, máy móc, giáo điều làm xơ cứng, nghèo nàn những quan điểm, tư tưởng của các bậc tiền bối.

Kết luận

Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không thể tách rời kho tàng trí tuệ nhân loại, không quay lưng với thế giới. Chủ nghĩa Mác - Lênin không xa lạ với những giá trị của thế giới phương Tây đương đại, như tôn trọng nhân phẩm, tôn trọng tự do, bình đẳng, dân chủ, bác ái, bao dung, ... vì những giá trị này cũng chính là những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin. Có như vậy, chúng ta mới có thể xuất phát từ cao độ của chủ nghĩa Mác - Lênin để lý giải các học thuyết khác, phê phán và tiếp thu các học thuyết ấy nhằm làm phong phú thêm cho hệ tư tưởng mácxít và giải quyết tốt hơn những vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, hơn lúc nào hết, toàn Đảng, toàn dân ta cần kiên định mục tiêu, nền tảng tư tưởng, đồng thời học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đáp ứng yêu cầu của thời đại./.

Tài liệu tham khảo:

- Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật, http://vanhoanghethuat.vn/, ngày 23/02/2016.

- Trang thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang, http://truongchinhtrikiengiang.edu.vn/, ngày 23.12.2022.

- Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/, ngày 27-02-2022.

- Tạp chí điện tử, THANHNIENVIET.VN, https://thanhnienviet.vn/ ngày 09/01/2023.

- Báo Văn hóa thời đại điện tử, https://www.vanhoathoidai.vn/, ngày 03/05/2024.

- Cổng thông tin điện tử huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, https://hongdan.baclieu.dcs.vn/, ngày 18/08/2023.

- Trang Thông tin điện tử Đảng bộ thành phố Hà Nội, https://thanhuyhanoi.vn/, ngày 13/11/2018.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991): Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự Thật, Hà Nội, tr. 21.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1, tr. 109.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. I., tr.25, 104.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. I., tr.25, 104.

[5] C. Mác - Ph. Ăngghen (1994). Toàn tập (tập 20). NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.

[6] Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình Triết học Mác – Lênin (dành cho bậc đại học không chuyên lý luận chính trị), Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội – 2021.