Sisältöjulkaisija

null Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào: Cơ sở hình thành

Chi tiết bài viết Bài viết

Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào: Cơ sở hình thành

Nguyễn Thanh Tuấn

Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Tóm tắt

Trong những ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa đậm nét thông tin chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong năm 2025; diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Lào tiếp tục được củng cố, phát triển tích cực. Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy, hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm. Vậy mối quan hệ đoàn kết đặc biệt ấy bắt đầu hình thành từ khi nào? Cơ sở hình thành mối quan hệ ấy là gì? Trong khuôn khổ bài viết tác giả xin được khái quát cơ sở hình thành quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.

Cơ sở hình  thành quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào

Việt Nam – Lào là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành từ trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của hai quốc gia – hai dân tộc và được nâng lên tầm cao mới khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Đây là mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa Nhân dân hai nước Việt Nam – Lào dày công vun đắp, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có. Tình cảm của Nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và chính Người cùng đồng chí Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Chủ tịch Xuphanuvông cùng các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, Nhân dân hai nước kế tiếp dày công vun đắp.

Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào không phải do ý muốn chủ quan từ bất kỳ của bên nào, mà mối quan hệ này bắt nguồn từ vị trí địa chiến lược của hai nước, từ bản chất nhân văn, nương tựa lẫn nhau của hai dân tộc có cùng lợi ích cơ bản về độc lập, tự chủ và nguyện vọng chính đáng thiết tha về hòa hòa bình và phát triển.

- Thứ nhất, cùng chung hệ tư tưởng.

Từ trước năm 1930, đã xuất hiện tinh thần đoàn kết Việt – Lào cùng chiến đấu chống kẻ thù chung, song lúc bấy giờ chỉ dừng lại ở tính chất tự phát. Tình đoàn kết ấy đã được phát triển mạnh mẽ và liên tục từ khi có chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, đặc biệt là kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng của hai dân tộc Việt Nam – Lào. Sự nghiệp cách mạng của hai nước Việt Nam – Lào có mối quan hệ và ảnh hưởng lẫn nhau một cách đặc biệt khi cả hai nước cùng phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Thứ hai, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Việt Nam và Lào là hai quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng trong vùng Đông Nam Á do nằm kề tuyến đường giao thương hàng hải nhộn nhịp hàng đầu thế giới, nối liền Đông Bắc Á, Nam Á qua Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hai nước cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn, phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau trong chiến tranh bảo vệ an ninh tổ quốc của mỗi quốc gia. Trong điều kiện xây dựng và phát triển đất nước ở mỗi quốc gia, với điều kiện đặc biệt về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực của mỗi nước hai nước hoàn toàn có thể bổ sung, hỗ trợ, hợp tác để cùng nhau phát triển.

- Thứ ba, Nhân dân hai nước giàu lòng nhân ái, bao dung và văn hóa của hai dân tộc có nhiều nét tương đồng.

Việt Nam và Lào là hai quốc gia đa dân tộc, có nhiều tộc người cùng sinh sống hòa hợp, hỗ trợ nhau cùng phát triển từ lâu đời trên bán đảo Đông Dương. Sự hài hòa giữa lòng nhân ái và tinh thần cộng đồng là một nét đặc sắc trong triết lý nhân sinh của người Việt và người Lào. Mặc dù Việt Nam và Lào là hai quốc gia có tiếng nói và văn tự riêng, việc lựa chọn các nền văn hóa cũng như hình thức tổ chức chính trị - xã hội cũng khác nhau. Song, trong văn hóa nghệ thuật truyền thống giữa hai quốc gia vẫn có điểm tương đồng, đó là sự đồng cảm lẫn nhau, chia sẻ tâm hồn chung về các giá trị cộng đồng, coi trọng luật tục, tôn trọng người già… Sự tương đồng đó bắt nguồn từ chính nền tảng chung của văn minh nông nghiệp lúa nước ở cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á. Trong đối nhân xử thế của mình, nhân dân hai nước bao giờ cũng nêu cao những phẩm chất yêu thương và hướng thiện.

- Thứ tư, Nhân dân hai nước có truyền thống bang giao hòa hiếu, cưu mang đùm bọc lẫn nhau từ lâu đời, cuối thế kỷ XIX cùng bị thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị tàn bạo.

Truyền thống bang giao hòa hiếu, cưu mang đùm bọc lẫn nhau của hai nước được hình thành từ lâu đời. Ngay từ thời phong kiến, nhân dân hai nước đã có mối quan hệ thân thiện, hữu hảo, đoàn kết, giúp đỡ nhau. Đến cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp tiến hành xâm lược và đặt ách đô hộ tàn bạo. Lúc bấy giờ cả ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đều chung cảnh ngộ bị xâm lược, áp bức và có chung một kẻ thù. Phát huy truyền thống hữu nghị sẵn có, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã dễ dàng đồng cảm, liên kết tự nhiên lại với nhau và tự nguyện phối hợp cùng nhau đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho đất nước. Tuy mỗi quốc gia có đặc điểm và vị trí địa lý khác nhau, song qua thực tiễn cho thấy việc xây dựng khối đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc giữa hai quốc gia Việt Nam – Lào là một tất yếu khác quan, là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các nhà lãnh đạo phong trào cách mạng lúc bấy giờ.

- Thứ năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định con đường giải phóng dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào.

Khi nói về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, chúng ta không thể quên công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã đặt nền móng và dày công vun đắp cho quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Ngay từ rất sớm, hai dân tộc Việt Nam – Lào đã gắn bó bền chặt bên nhau chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản chính là những người đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào. Trong thời kỳ hai nước chịu sự xâm lăng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hai nước đã đồng cam cộng khổ, hỗ trợ lẫn nhau, nhờ sự đoàn kết này, hai nước đã liên tiếp giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong quá trình nghiên cứu lý luận và kiểm nghiệm thực tiễn về bản chất và mô hình các cuộc cách mạng trên thế giới nhằm phát hiện chân lý cứu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến tình hình tại Lào. Người không chỉ lên án chế độ thực dân Pháp nói chung mà Người còn tố cáo cụ thể sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Lào. Trên thực tế, từ sau những năm 20 của thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng cứu nước mới của Người vào Đông Dương; đồng thời Lào còn là địa bàn để Người nắm tình hình và tìm kiếm con đường trở về Việt Nam. Ngay sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được gây dựng cơ sở tại Lào (vào tháng 02 năm 1927), đích thân Người đã bí mật tiến hành khảo sát thực địa tại Lào (năm 1928). Điều đó càng cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

Ngày nay, hai Đảng và nhân dân hai nước không ngừng phấn đấu đưa quan hệ đặc biệt Việt – Lào phát triển lên tầm cao mới, vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước thân yêu của mình, vì hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Nhìn lại lịch sử gần trăm năm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời cho đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Chúng ta vô cùng tự hào về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào không ngừng phát triển và đơm hoa kết trái. Mối quan hệ này đã trở thành quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc mà thế hệ hôm nay cần giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho muôn đời con cháu mai sau”. Vì vậy, “chúng tôi nguyện sẽ làm hết sức mình cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào bảo vệ, giữ gìn và vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng phát triển mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, vì sự phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”[1].

Kết luận

Mối quan hệ đặc biệt hiếm có Việt Nam - Lào đã được khẳng định qua tiến trình lịch sử vẫn đang được tiếp tục vun đắp trên cơ sở vì mục tiêu chung của hai quốc gia, với tinh thần quốc tế trong sáng, đưa cách mạng hai nước từng bước vượt qua những thử thách, chông gai. Sự kết nối của nhân dân hai nước sẽ là một phần trong hành trang quý giá, nền móng vững chắc để các thế hệ Việt Nam - Lào hiện nay và mai sau tiếp tục phát huy tình đoàn kết, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

          - Ban Tuyên giáo Trung ương (2017), Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1962- 2017) và 40 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị hợp tác việt nam – lào (1977- 2017).


[1] Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lễ đón tiếp Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thonglong Síolith và Đoàn đại biểu câps cao Đảng, Nhà nước Lào sang thăm chính thức Việt Nam, Hà Nội (ngày 28/6/2021), Báo Nhân dân, ngày 29-6-2021.