Xuất bản thông tin

null Một vài điểm mới của Luật thi đua, khen thưởng năm 2022, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024

Chi tiết bài viết Bài viết

Một vài điểm mới của Luật thi đua, khen thưởng năm 2022, có hiệu lực từ ngày 01/01/2024

 

Nguyễn Thanh Tuấn

Khoa Nhà nước và Pháp luật

 

          Vào ngày 15/6/2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 (gọi tắt là Luật năm 2022). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 và thay thế Luật Thi đua khen thưởng số 15/2003/QH11 (gọi tắt là Luật năm 2003) đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2005/QH11, Luật số 32/2009/QH12 và Luật số 39/2013/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

          Luật này có nhiều điểm mới so với hiện hành, có tác động đến quá trình phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức cũng như việc xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng trong năm. Trong số đó, có một vài điểm mới có thể lưu ý như sau:

          1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

          Về phạm vi điều chỉnh, Luật năm 2022 không có thay đổi so với Luật năm 2003. Về kết cấu của Luật, thì Luật năm 2022 gồm 8 chương, 96 điều, trong khi Luật năm 2003 cũng có 8 chương, nhưng có đến 103 điều. Như vậy so với Luật 2003, thì Luật 2022 đã giảm đi 07 điều. Bên cạnh việc điều chỉnh tên một số chương, còn có chương thay đổi hoàn toàn tên chương, cụ thể như Chương 6 thay đổi từ tên “Quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen  thưởng” thành tên “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về thi đua, khen thưởng”. Với sự thay đổi này cho thấy đã khẳng định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện công tác thi đua, khen thưởng thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình.

          Về đối tượng áp dụng, có bổ sung thêm đối tượng. Nếu ở Luật năm 2003 được áp dụng đối với cá nhân, tập thể người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và cá nhân, tập thể người nước ngoài, thì ở Luật năm 2022, ngoài các đối tượng trên tại Điều 2 còn mở rộng thêm đối tượng là hộ gia đình người Việt Nam và cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

          2. Làm rõ hơn một số khái niệm

          Ngoài việc điều chỉnh 03 khái niệm về thi đua, khen thưởng và danh hiệu thi đua thì Luật năm 2022 còn bổ sung thêm 03 khái niệm mới. Cụ thể tại Điều 3:

          - Sáng kiến là giải pháp có tính mới về kỹ thuật, quản lý, tác nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực đã được áp dụng tại cơ sở, có khả năng nhân rộng và được cấp có thẩm quyền công nhận.

          - Bộ, ban, ngành, tỉnh bao gồm Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Văn phòng Trung ương Đảng, các ban của Đảng và tương đương ở Trung ương; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Kiểm toán nhà nước; Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp có tổ chức đảng đoàn hoặc có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

          - Năm tròn là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”.

          3. Về nguyên tắc khen thưởng đã có bổ sung điểm mới

          Cụ thể, tại điểm c khoản 2 Điều 5 đã bổ sung nguyên tắc khen thưởng dựa trên cơ sở thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được chú trọng khen thưởng, quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 5 cũng quy định là phải bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.

          4. Về hình thức khen thưởng

          Các hình thức khen thưởng, ở Luật năm 2022 cơ bản vẫn giữ nguyên các hình thức khen thưởng giống như theo quy định tại Luật năm 2003. Tuy nhiên, tại Điều 9 không còn hình thức khen thưởng là “Huy hiệu”.

          5. Về căn cứ xét khen thưởng

          Điều 10 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định các căn cứ để xét khen thưởng bao gồm: Thành tích đạt được; Tiêu chuẩn khen thưởng; Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích. Như vậy, so với quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 thì Luật 2022 đã bãi bỏ căn cứ về “Phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích”, đồng thời bổ sung thêm căn cứ mới là “Thành tích đạt được” và điều chỉnh căn cứ về “Trách nhiệm và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích” thành “Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích”.

6. Sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thi đua, khen thưởng

          Bên cạnh giữ nguyên các hành vi bị cấm trong thi đua khen thưởng (Điều 14, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003) như: Tổ chức thi đua, khen thưởng trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước; Lợi dụng thi đua, khen thưởng để vụ lợi; Cản trở, nhũng nhiễu; Kê khai gian dối, làm giả hồ sơ, xác nhận, đề nghị sai trong thi đua, khen thưởng; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị, quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trái pháp luật. Tại Điều 15, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số hành vi cụ thể như:

          + Tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng.

          + Sử dụng hiện vật khen thưởng trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, tác động xấu đến xã hội.

          + Sử dụng quỹ thi đua, khen thưởng trái quy định của pháp luật.

          7, Về hình thức và phạm vi tổ chức thi đua

          Về hình thức, giữ nguyên hình thức “thi đua thường xuyên” và thay hình thức “thi đua theo đợt” thành “thi đua theo chuyên đề”.

          Về phạm vi, bổ sung phạm vi thi đua phù hợp với công tác tổ chức phong trào thi đua hiện nay. Cụ thể: phạm vi thi đua đối với “Cụm, khối thi đua do Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp tổ chức” và phạm vi thi đua trong “Cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

          8. Thay đổi và bổ sung một số đối tượng được xét tặng huân chương Lao động và một số danh hiệu

          8.1. Thay đổi đối tượng được tặng Huân chương Lao động

          Đối tượng được tặng Huân chương Lao động ở các hạng quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 gồm cá nhân và tập thể, tuy nhiên, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã có thay đổi đối tượng, cụ thể tại khoản 1 Điều 42, 43, 44 quy định đối tượng được tặng Huân chương lao động các hạng bao gồm: cá nhân; công nhân, nông dân; Doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; tập thể; Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài.

          8.2. Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”

          Các đối tượng này được quy định tại Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. So với Luật năm 2003, có một đối tượng được bổ sung, đó là: “Người sáng tạo tác phẩm văn hoá nghệ thuật khác (khác với diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, hoạ sĩ, phát thanh viên) do Chính phủ quy định.

          9. Bổ sung nhiều hình thức khen thưởng

          So với Luật năm 2003, chỉ xét tặng cho người nước ngoài về “Huân chương Hữu nghị”, “Huy chương hữu nghị”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, thì ở Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 ngoài các hình thức trên, còn bổ sung thêm nhiều hình thức khác như: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

          Trên đây là 09 điểm mới trong số nhiều điểm mới được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003.

- Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.