Xuất bản thông tin

null Nhà nước pháp quyền - Một sáng tạo về mô hình quản trị nhà nước với sự tối thượng thuộc về pháp luật

Chi tiết bài viết Bài viết

Nhà nước pháp quyền - Một sáng tạo về mô hình quản trị nhà nước với sự tối thượng thuộc về pháp luật

Ths. Nguyễn Quang Thành

Khoa Nhà nước và Pháp luật

          Tư tưởng về việc xây dựng một nhà nước pháp quyền không phải là vấn đề mới, bởi từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại đã xuất hiện những quan điểm về công lý, bình đẳng, về sự cai trị xã hội bằng luật của Thượng đế bởi những nhà hiền triết nổi tiếng như Solo, Plato hay Aristotle. Theo Plato, sự thiếu công bằng sẽ làm lạc đường quyền lực và quyền lực sai là quyền lực tự làm mất mình. Ở đâu có pháp luật, cái được xuất phát từ bản chất con người mà định ra, thì ở đó mới có chế độ nhà nước. Chính vì lẽ đó, nhà nước và người giúp việc cho nhà nước tôn trọng pháp luật được xem là điều kiện sống còn của một nhà nước. Bên cạnh đó, còn có Aristotle - cha đẻ của nền khoa học chính trị cổ đại, một người đã cương quyết duy trì vị trí tối thượng của pháp luật trong một chế độ nhà nước và xã hội. Ông cho rằng, khái niệm công bằng phải đi cùng với chế độ nhà nước, bởi pháp luật - chuẩn mực của công bằng, là tiêu chuẩn để điều tiết sự giao tiếp chính trị.

          Trong khi đó, ở các quốc gia phương Đông cổ đại mà tiêu biểu là Trung Quốc đã xuất hiện một tư tưởng nổi tiếng từ thời Xuân Thu: tư tưởng pháp trị. Tư tưởng này được Quản Trọng khởi xướng và được hoàn thiện trở thành tư tưởng “Thế”, “Thuật”, “Pháp” thống nhất và hoàn thiện dưới thời Hàn Phi Tử. Theo Hàn Phi, “phép trị dân không cố định, không chỉ dùng luật pháp để trị mà thôi, mà luật pháp phải biến chuyển theo được với thời đại thì thiên hạ trị. Pháp trị đã được thích nghi với hoàn cảnh xã hội thì nó sẽ công hiệu... thời thế thay đổi mà phép trị dân không đổi thì loạn”.

          Bước sang thời kỳ trung đại và cũng là bước chuyển mình đến thời cận hiện đại, sự hiện diện của các nhà nước phong kiến hàng ngàn năm ở phương Đông và hàng trăm năm ở phương Tây là một trong những nguyên nhân của sự kém phát triển kéo dài do chế độ chuyên chế vương quyền, thần quyền. Tuy nhiên, mặc dù vậy, thời kỳ này ở phương Tây cũng xuất hiện không ít những quan điểm tiến bộ của các nhà tư tưởng, các nhà thần học góp phần bảo tồn cũng như làm phong phú thêm những ý tưởng pháp quyền hình thành từ thời cổ đại. Chẳng hạn, nhà triết học và thần học Cơ Đốc giáo Saint Augustin cho rằng, quyền lực nhà nước phải được thực hiện như một thứ quyền lực phục vụ, đó là công cụ để thực hiện sự công bằng, lẽ phải cho con người. Việc thực thi quyền lực nhà nước đòi hỏi tầm nhìn xa trông rộng, óc phán đoán và tính cương nghị không thể lay chuyển. Hay Thomas d’Aquinas, nhà triết học, thần học và luật học người Ý nêu lên quan điểm dù bất luận trong hoàn cảnh nào thì con người cũng cần được sống và nghĩa vụ của nhà cầm quyền là không được cấm thần dân sống, hôn nhân, sinh đẻ như dưới thời nô lệ.

          Trải qua thời kỳ Phục hưng ở phương Tây, một trật tự mới dần dần được hình thành từ những năm cuối của thế kỷ XVIII. Các yếu tố tư bản chủ nghĩa đã phát triển đến độ “chín” cần thiết đòi hỏi việc xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên cơ sở các quan hệ pháp lý tư sản. Học thuyết pháp quyền tư sản từng bước được hình thành dựa trên nền tảng của những quan điểm, tư tưởng pháp quyền đã phôi thai từ thời cổ đại, trung đại và đưa các giá trị này lên một tầm cao mới dựa trên cơ sở thế giới quan của giai cấp tư sản đang lên.Nổi bật trong thời kỳ cận đại là các học thuyết sau:

          (i) Lý thuyết pháp quyền tự nhiên của các nhà triết học Hà Lan thế kỷ XVI – XVII. Lý thuyết này đưa ra nhận định, nhà nước và pháp luật không phải do Chúa trời tạo ra mà do thỏa thuận giữa con người với nhau, sự thỏa thuận này phù hợp với quyền tự nhiên vốn có và phù hợp với quy luật tự nhiên. Lý thuyết về quyền tự nhiên đã góp phần giải phóng lý luận về nhà nước và pháp luật ra khỏi sự bảo hộ của thần học tồn tại trước đó.

          (ii) Lý thuyết về tự do của các nhà triết học duy vật Anh thế kỷ XVII. Lý thuyết tự do của John Locke cho rằng: Tự do của con người đặt dưới quyền lực của chính phủ thể hiện ở chỗ đó là một quy tắc xử sự chung cho cuộc sống. Quy tắc đó là giống nhau đối với mọi người, do cơ quan lập pháp lập ra. Đó là tự do hành động theo ý muốn của mình trong mọi trường hợp khi điều đó không bị pháp luật cấm và không phụ thuộc vào ý chí bất thường, xa lạ và độc đoán của người khác.

          (iii) Lý thuyết về chủ quyền nhân dân và khế ước xã hội của các nhà triết học khai sáng Pháp thế kỷ XVII. Jean Jacque Rousseau quan niệm: Quyền lực nhà nước là thuộc về toàn thể nhân dân. Nhân dân thực hiện chủ quyền của mình thông qua việc ủy quyền cho các đại biểu của mình trong bộ máy nhà nước. Khế ước xã hội có thể hiểu là pháp luật và bộ máy nhà nước do nhân dân tạo ra. Khi nhà nước vi phạm khế ước xã hội đã thỏa thuận thì nhân dân có quyền thay thế bằng nhà nước mới. Muốn thực hiện được chủ quyền nhân dân thì phải kết thúc tuyệt đối quyền lực quốc vương và chuyển nó cho nhân dân.

          (iv) Lý thuyết về nhà nước pháp quyền của các nhà triết học cổ điển Đức thế kỷ XIX. Cơ sở triết học của lý thuyết pháp quyền tư sản của trào lưu này được thể hiện thông qua các lập luận của Immanuel Kant. Ông cho rằng, nhà nước pháp quyền là cộng đồng của những con người phục tùng pháp luật, đồng thời phải ngăn chặn được sự lạm quyền của một hoặc một số người đối với những người khác. Ngoài ra, ông cũng chỉ rõ công dân chỉ tuân theo những thứ luật lệ mà họ tán thành, chứ không phải bất kỳ thứ luật lệ nào gán ghép cho họ.

          Có thể nhận thấy, nội dung cơ bản nhất của tư tưởng tư sản về nhà nước pháp quyền là mối quan hệ giữa nhà nước – pháp luật – công dân, trong đó, pháp luật giữ vị trí trung tâm chi phối nhà nước và công dân. Khi nào mà pháp luật điều chỉnh được cách thức tổ chức và hoạt động của nhà nước, hoạt động của công dân; đồng thời, nhà nước, công dân còn biết dựa vào pháp luật, sử dụng pháp luật để đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì chừng đó có “nhà nước pháp quyền” và ngược lại.

          Những tư tưởng, quan điểm xuyên suốt quá trình lịch sử trên, tuy có những lúc phải mặc ngoài lớp vỏ bọc khác để tồn tại nhưng đã làm nền tảng vững chắc cho nhiều nghiên cứu khoa học về nhà nước pháp quyền trong xã hội hiện đại sau này. Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chung nhất về nhà nước pháp quyền nhưng tựu chung lại có thể nhận ra nhà nước pháp quyền thông qua một số đặc điểm cơ bản sau: (i) nhà nước quản lý bằng pháp luật và pháp luật là công cụ quan trọng nhất trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong đời sống; (ii) nhà nước phải bị hạn chế bằng pháp luật, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; (iii) nội dung và tính chất của pháp luật phải tiến bộ, phù hợp với quy luật khách quan, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển; (iv) nhà nước pháp quyền phải luôn tăng cường pháp chế; (v) tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Đây chỉ là năm trong nhiều dấu hiệu được nhiều học giả, nhà nghiên cứu nhắc đến, bên cạnh đó vẫn còn một số dấu hiệu khác như nguyên tắc nhân đạo, yếu tố minh bạch và công khai, quá trình dân chủ hóa… để nhận diện nhà nước pháp quyền. Song, có thể thấy được pháp luật và nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật được xem là thành tố quan trọng nhất, cơ bản nhất và là cội nguồn liên quan đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Doãn Chính (chủ biên), Đại cương Triết học Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 342

Đào Trí Úc, Giáo trình Nhà nước pháp quyền, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015, tr. 20

Hoàng Thị Kim Quế, “Nhận diện nhà nước pháp quyền”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5, 2004, tr. 20-22

Nguyễn Thị Kim Bình, “Tư tưởng trị nước của pháp gia và vai trò của nó trong lịch sử”, Tạp chí Khoa học và công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 3(26), 2008, tr. 138