资产发布器

null Tự hào lịch sử Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp – 70 năm Hình thành và Phát triển

Chi tiết bài viết Bài viết

Tự hào lịch sử Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp – 70 năm Hình thành và Phát triển

TS. Võ Thị Tuyết Hoa

Phó Hiệu Trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Lịch sử Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp luôn gắn bó mật thiết với tiến trình cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Từ trong khói lửa kháng chiến, giữa muôn vàn gian khó của những năm tháng chống ngoại xâm và kiến thiết đất nước, Trường đã hình thành, đứng vững và trưởng thành, trở thành “cái nôi” đào tạo đội ngũ cán bộ trung kiên, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng và năng lực công tác thực tiễn. Trường không chỉ là nơi truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, mà còn là điểm tựa vững chắc cho sự trưởng thành của các thế hệ cán bộ từ cơ sở đến cấp tỉnh.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Tỉnh ủy Sa Đéc chủ động ứng phó trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp bằng cách đổi tên tổ chức và xây dựng kế hoạch bảo toàn lực lượng. Trong điều kiện chiến tranh, nhiều lớp huấn luyện chính trị được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng. Cuối năm 1945, Tỉnh ủy Sa Đéc quán triệt chủ trương tự giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương, chuyển thành “Hội Nghiên cứu Mác-xít Sa Đéc” để duy trì hoạt động trong điều kiện mới. Các lớp huấn luyện chính trị bắt đầu được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và củng cố lực lượng. Năm 1946 đến năm 1947, hàng loạt lớp học được mở tại các xã Mỹ Thọ, Tân Thuận Tây, Đập Đá và Kinh Thầy Lâm, với nội dung tập trung vào công tác vận động quần chúng, xây dựng Đảng và lãnh đạo kháng chiến. Phong trào học tập chính trị phát triển mạnh mẽ. Tháng 7 năm1947, Tỉnh ủy Sa Đéc kiện toàn theo nghị quyết Xứ ủy, chuyển sang mô hình lãnh đạo tập trung dân chủ, phù hợp với yêu cầu kháng chiến toàn quốc. Năm 1949 đến năm 1951, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Mặt trận Việt Minh tỉnh mở nhiều lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo. Chính quyền cách mạng tổ chức học tập chính trị sâu rộng ở cấp cơ sở. Tháng 6 năm 1951, Tỉnh Sa Đéc sáp nhập vào tỉnh Long Châu Sa, đánh dấu sự thay đổi lớn trong tổ chức hành chính và quân sự. Phong trào “rèn cán, chỉnh quân” được đẩy mạnh, giúp tăng cường chất lượng lãnh đạo. Năm 1952, công tác chỉnh huấn mở rộng, đối phó với tư tưởng chủ quan trong một bộ phận cán bộ. Các lớp huấn luyện tiếp tục được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, củng cố đội ngũ, chuẩn bị cho những giai đoạn kháng chiến tiếp theo. Những sự kiện trên không chỉ góp phần xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh mà còn đặt nền tảng cho sự ra đời Trường Đảng tỉnh Đồng Tháp sau này.

Cuối năm 1955, trong bối cảnh kẻ thù ráo riết thực hiện các chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” và chiến tranh ngày càng ác liệt, Tỉnh ủy Sa Đéc đã chủ trương thành lập Khung Trường Đảng tỉnh – một quyết định có ý nghĩa chiến lược trong công tác xây dựng lực lượng cách mạng. Từ đó đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), giữa bom đạn và gian khổ, Trường Đảng vẫn vững vàng tồn tại và phát triển, nhờ sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự đùm bọc của nhân dân, sự hỗ trợ của các ngành, địa phương và tinh thần vượt khó của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Từ năm 1955 đến 1975, Trường đã mở 65 lớp tại gần 30 địa điểm, đào tạo hơn 2.400 học viên là cán bộ chủ chốt từ cơ sở đến tỉnh, huyện, các đơn vị vũ trang. Đây chính là lực lượng nòng cốt, trung kiên – những đảng viên cộng sản tuyệt đối trung thành, giàu lý tưởng, kiên định lập trường, bám đất, bám dân, dấn thân vào phong trào, trực tiếp góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng thấm sâu vào đời sống quần chúng. Họ là nguồn nhân lực quý báu, góp phần quyết định vào việc giữ vững phong trào cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

          Giai đoạn 1976–1985, trong bối cảnh đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài, đời sống kinh tế - xã hội còn muôn vàn khó khăn, với tên gọi “Trường Đảng Phạm Hữu Lầu”, Trường vẫn kiên định thực hiện sứ mệnh đào tạo cán bộ phục vụ sự nghiệp xây dựng chính quyền cách mạng ở cơ sở. Với tinh thần vượt khó, tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường đã đoàn kết, chủ động khắc phục thiếu thốn về cơ sở vật chất, từng bước ổn định tổ chức bộ máy, gây dựng đội ngũ, mở rộng quy mô đào tạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết về cán bộ cho các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Nét nổi bật của thời kỳ này là chủ trương mạnh dạn cử hàng loạt cán bộ đi đào tạo trình độ đại học – một quyết sách mang tầm chiến lược, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Trường trong những giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 1986–1994 đánh dấu bước chuyển mình khởi sắc của Trường Đảng Phạm Hữu Lầu trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với nhiều thách thức. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy và sự nỗ lực bền bỉ của tập thể cán bộ, giảng viên, Trường từng bước vươn lên, củng cố tổ chức, kiện toàn đội ngũ cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo cán bộ. Quy mô đào tạo được mở rộng, hình thức tổ chức lớp học ngày càng đa dạng, chương trình giảng dạy được đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn. Trường đã đào tạo gần 5.000 học viên thuộc nhiều nhóm đối tượng – một thành tựu nổi bật, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ cho công cuộc đổi mới và phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Song song với quá trình hình thành và phát triển của Trường Đảng Phạm Hữu Lầu là chặng đường xây dựng và trưởng thành đầy nỗ lực của Trường Hành chính tỉnh Đồng Tháp. Trong hai thập niên từ 1975 đến 1995, giữa muôn vàn khó khăn của thời kỳ đất nước vừa thống nhất, Trường vẫn kiên trì bám sát nhiệm vụ chính trị được UBND tỉnh giao phó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt, bằng việc tranh thủ sự hỗ trợ chuyên môn từ nhiều trường trong cả nước, Trường Hành chính tỉnh đã đào tạo hơn 10.000 lượt cán bộ, công chức địa phương về chuyên môn và nghiệp vụ quản lý nhà nước. Đây là lực lượng quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy chính quyền cơ sở, tạo nền tảng vững chắc để ổn định tình hình kinh tế - xã hội sau giải phóng, đồng thời từng bước đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới mà đất nước đang bước vào.

 

         Ngày 06/01/1995 Tỉnh ủy Đồng Tháp ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về việc thành lập Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở họp nhất trường Đảng và trường Hành chính. Ngày 24/3/1995 UBND Tỉnh ban hành quyết định số 06/QĐ-UB về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Chính trị tỉnh

 

Từ năm 1995 đến nay, trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới, phải đối diện với nhiều thách thức to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đã tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó, tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên Nhà trường đã không ngừng kế thừa và phát huy truyền thống, chủ động đổi mới tư duy, xác định rõ các giải pháp mang tầm chiến lược để nâng tầm phát triển Nhà trường cả về chất lượng đào tạo, năng lực đội ngũ và hiệu quả hoạt động. Kết quả nổi bật là Trường đã đạt chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về tiêu chuẩn Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương — một dấu mốc khẳng định vị thế, uy tín và sự trưởng thành toàn diện của Nhà trường. Thành tựu này không chỉ là minh chứng cho nỗ lực không ngừng của tập thể Nhà trường, mà còn là nền tảng quan trọng để Trường tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.


Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trao Bằng công nhận và tặng biểu trưng Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn mức 1 cho lãnh đạo trường.

 

Đại biểu, khách dự chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, viên chức của Trường trong Lễ đón nhận Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn mức 1

Trong mọi thời kỳ lịch sử, dù hoàn cảnh có muôn phần khó khăn, hiểm nguy, Trường vẫn luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử mà Đảng và Nhà nước giao phó: góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Truyền thống đó tiếp tục được kế thừa, vun đắp và phát huy trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, trở thành hành trang quý báu để Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp vững bước tiến lên, xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của quê hương Đồng Tháp và đất nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nghị quyết số 01-NQ/TU Ngày 06/01/1995 của Tỉnh ủy Đồng Tháp về việc thành lập Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở họp nhất trường Đảng và trường Hành chính.

2. Quyết định số 06/QĐ-UB Ngày 24/3/1995 của UBND Tỉnh về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Chính trị tỉnh

3. Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn

4. Quyết định số 2910-QĐ/HVCTQG ngày 20 tháng 9 năm 2024 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh công nhận Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn mức 1

5. Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp (1997), Biên niên sử Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp.

6. Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp (2015), Lịch sử trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp (1955 – 2015)