资产发布器

null Đồng Tháp: đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Chi tiết bài viết Bài viết

Đồng Tháp: đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Th.S Nguyễn Thanh Tuấn

Khoa Nhà nước & Pháp luật

Tóm tắt

Trong những năm qua, việc thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân (viết tắt là Kết luận số 94-KL/TW) đã được các cấp ủy Đảng, Chính quyền tỉnh Đồng Tháp quan tâm triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bài viết tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

1. Kết quả đạt được

1.1. Công tác tổ chức triển khai, thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc “Tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”; được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, công tác giáo dục lý luận chính trị đã được triển khai sâu rộng trong Đảng và trong hệ thống chính trị đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Công tác triển khai, quán triệt Kết luận số 94-KL/TW được thực hiện từ rất sớm. Ngay sau khi tiếp nhận Kết luận 94-KL/TW, Trường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Công văn hướng dẫn tổ chức triển khai, quán triệt Kết luận số 94-KL/TW([1]) đến các đơn vị quản lý và cơ sở giáo dục trên địa bàn, đồng thời giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường chính trị Tỉnh và các đơn vị liên quan căn cứ Kết luận số 94-KL/TW tiến hành rà soát lại những nội dung, chương trình giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn Tỉnh([2]) và báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực Tỉnh uỷ([3]). Về hình thức triển khai, được tổ chức bằng nhiều hình thức khác nhau như: Họp lệ chi bộ, thông qua các tổ chức đoàn thể nhà trường, phổ biến thông qua phần mềm quản lý văn bản điện tử cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giảng viên (giáo viên) giảng dạy lý luận chính trị.

1.2. Thành tựu trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân

 

 

        Ảnh: Lễ khai giảng lớp Bồi dưởng phương pháp giảng dạy hiện đại

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Tỉnh được thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên:

+ Các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục đổi mới phương pháp dạy - học môn Đạo đức và Giáo dục công dân theo hướng sử dụng phương pháp dạy học hiện đại với các phương tiện tiên tiến, gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật kiến thức mới, khắc phục sự trùng lắp, thiếu liên thông giữa các chương trình, các cấp học, bậc học. Đồng thời, tăng cường giáo dục, rèn luyện kỹ năng thực hành, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho giáo viên và học sinh theo hướng thiết thực, hiệu quả.

 

 

Ảnh: Học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị hệ không tập trung, khoá 180 (C180)

thực hành thảo luận

+ Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong Tỉnh đã đổi mới phương pháp giảng dạy môn học Giáo dục chính trị, tích hợp nội dung lịch sử Đảng để giảng dạy cho học sinh, sinh viên, bảo đảm theo quy định. Tổ chức tốt các hoạt động quản lý chuyên môn, như: Thông qua bài giảng, kiểm tra giáo án, dự giờ, rút kinh nghiệm cho giảng viên (giáo viên); chỉ đạo đội ngũ giảng viên (giáo viên) giảng dạy lý luận chính trị gắn với thực tiễn, lựa chọn đưa vào bài giảng phù hợp, làm cho bài giảng sinh động, người học dễ hiểu, dễ tiếp thu và vận dụng; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp mạnh dạn vận dụng các phương pháp đổi mới tích cực (thảo luận nhóm, phương pháp nêu vấn đề, phương pháp kể chuyện, phương pháp đóng vai…). Đây là những phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, tổ chức cho sinh viên, học sinh đi thực tế, thăm quan các di tích lịch sử, các cơ sở kinh tế để các em có thể so sánh đối chiếu, kiến thức đã học trong sách vở với thực tiễn.

 

 

Ảnh: Học viên lớp Trung cấp Lý luận chính trị hệ không tập trung, khoá 180 (C180)

 thực hành thảo luận

+ Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh tiếp tục quan tâm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tận dụng các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội trong tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh cho đoàn viên, thanh niên, như: Infographic, các video tuyên truyền ngắn gọn cho đoàn viên, thanh niên về những nội dung cốt lõi trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; những nhận thức mới của Đảng ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp còn một số khó khăn, hạn chế nhất định: Kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy, tinh thần tâm huyết nghề nghiệp giảng viên (giáo viên) giảng dạy môn lý luận chính trị, giáo dục công dân còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học, rèn luyện cho học sinh, sinh viên về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng lý luận trong học tập.

Những khó khăn, hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, trong đó đáng lưu ý một số nguyên nhân sau: Đội ngũ giảng viên giảng dạy môn lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, đại học, giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa được đào tạo, bồi dưỡng lại để đạt chuẩn về trình độ chính trị; Sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và Đào tạo với Ban Tuyên giáo các cấp trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát việc giảng dạy lý luận chính trị, giáo dục công dân, đạo đức trong hệ thống giáo dục quốc dân theo Kết luận số 94-KL/TW chưa thường xuyên; Nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường đôi lúc còn hạn chế, chưa thật sự quan tâm đúng mức việc giảng dạy môn Đạo đức và Giáo dục công dân, lý luận chính trị ở nhà trường.

2. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Để tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân hiệu quả trong thời gian tới, theo tác giả cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp. Đó là:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền thực hiện Kết luận số 94-KL/TW; Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khoá XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và các quy định mới của Trung ương về đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, nâng cao công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống cho giáo viên, học sinh có tư tưởng chính trị vững vàng tin tưởng vào đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước.

Thứ hai, thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy lý luận chính trị để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cán bộ giáo viên giảng dạy bộ môn giáo dục công dân ở các trường học đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; phát huy vai trò phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục nhân cách của học sinh nhằm hướng học sinh đến những giáo trị chân, thiện, mỹ. Khuyến khích đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên (giáo viên) giảng dạy lý luận chính trị đăng ký thực hiện các đề tài, đề án nghiên cứu lý luận chính trị cấp cơ sở, cấp Tỉnh; cấp uỷ các cấp tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động nghiên cứu lý luận.

Thứ ba, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 94-KL/TW và các quy định mới của Trung ương về đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên về đức, trí, thể, mỹ… Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác giảng dạy, học tập lý luận chính trị; phối hợp mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng lý luận chính trị, thông tin thời sự, hội nhập quốc tế... cho cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trong toàn tỉnh.

Kết luận

 Kết luận 94-KL/TW về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân được ban hành xuất phát từ tình hình, yêu cầu cấp thiết của xã hội. Việc thực hiện thành công, có hiệu quả Kết luận 94-KL/TW sẽ là động lực để tạo sự chuyển biến về chất trong công tác dạy và học các môn lý luận chính trị, đạo đức giáo dục công dân hiện nay. Việc dạy và học tốt các môn chính trị, đạo đức, giáo dục công dân sẽ tạo ra “sức đề kháng” cho thế hệ trẻ trong giai đoạn bùng nổ thông tin toàn cầu và sự giao thoa văn hóa như hiện nay nên các cấp, các ngành và trước hết là các trường học trong tỉnh, cơ sở đào tạo cần chú ý, quan tâm thực hiện, trong đó việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập là một nội dung quan trọng cần được quan tâm thực hiện./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Hướng dẫn số 127-HD/BTGTW ngày 30/6/2014 của Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Công văn số 3056/BGDĐT-GDĐH ngày 19/7/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị các cơ sở giáo dục đại học

- Báo cáo số 601-BC/TU ngày 24/6/2024 của Tỉnh ủy Đồng Tháp tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư trung ương Đảng về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Công văn số 1400-CV/BTGTU ngày 04/8/2014 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về việc triển khai, thực hiện Kết luận số 94-KL/TW và Hướng dẫn số 127-HD/BTGTW ngày 30/6/2014 của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện Kết luận số 94-KL/TW.

- Công văn số 3082-CV/VPTU ngày 07/4/2014 của Văn phòng Tỉnh uỷ thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh uỷ về việc thực hiện Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

- Báo cáo số 499-BC/BTGTU ngày 06/6/2014 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về rà soát lại nội dung, chương trình giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân của Tỉnh.

 

([1]) Công văn số 1400-CV/BTGTU ngày 04/8/2014 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về việc triển khai, thực hiện Kết luận số 94-KL/TW và Hướng dẫn số 127-HD/BTGTW ngày 30/6/2014 của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện Kết luận số 94-KL/TW. 

([2]) Công văn số 3082-CV/VPTU ngày 07/4/2014 của Văn phòng Tỉnh uỷ thông báo ý kiến của Thường trực Tỉnh uỷ về việc thực hiện Kết luận số 94-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

([3]) Báo cáo số 499-BC/BTGTU ngày 06/6/2014 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về rà soát lại nội dung, chương trình giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân của Tỉnh.