资产发布器

null Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của đảng đối với bộ máy nhà nước

Chi tiết bài viết Bài viết

Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của đảng đối với bộ máy nhà nước

ThS. Lê Thị Nhật Sang

Trường Chính trị Đồng Tháp

Tóm tắt: Quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là mối quan hệ hữu cơ vì mục tiêu chung “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với tính đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam và những điều kiện mới dưới sự tác động của những biến đổi trong nước và thế giới, đòi hỏi phải có những nhận thức mới và hành động mới, quyết liệt hơn để tiếp tục đổi mới về chất của mối quan hệ này, từ đó đưa dân tộc Việt Nam giành nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

1. Đảng lãnh đạo Nhà nước

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền và lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, thực hiện vai trò lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Đây là một tất yếu khách quan, xuất phát từ thực tiễn lịch sử và sự lựa chọn của dân tộc.

Khoản 1, Điều 4, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Theo đó, tại Điều 41, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011 có nêu: “Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội bằng Cương lĩnh chính trị, chiến lược, chính sách, chủ trương; bằng công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kiểm tra, giám sát việc thực hiện”.

Với Nhà nước, Đảng thực hiện sự lãnh đạo chủ yếu trên phương diện chính trị, định hướng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy giữ vai trò lãnh đạo, Đảng không trực tiếp thực thi chức năng của Nhà nước mà chỉ định hướng, đề ra cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối còn Nhà nước có trách nhiệm cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật, kế hoạch và chương trình hành động cụ thể để triển khai trong thực tiễn. Việc xây dựng đường lối của Đảng tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ, trong khi Nhà nước đảm nhiệm việc thể chế hóa và thực hiện các nhiệm vụ được giao.

2. Những luận điệu xuyên tạc về công tác lãnh đạo của Đảng đối với bộ máy nhà nước

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch liên tục tuyên truyền những luận điệu sai lệch nhằm xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng Đảng đang “lấn át” Nhà nước và đứng trên hệ thống pháp luật. Lợi dụng những sự kiện chính trị - xã hội nổi bật, các đối tượng này phát tán thông tin sai sự thật trên không gian mạng dưới nhiều hình thức như bài viết, video, phỏng vấn trực tuyến, tọa đàm… với các nội dung xuyên tạc, tư tưởng thù địch nhằm kích động dư luận. Một trong những luận điệu phổ biến là cáo buộc Việt Nam đang gặp “biến động chính trị” do chế độ “Đảng trị” mang tính “độc tài” và “độc đoán”. Đây là những nhận xét phiến diện, không phản ánh đúng tình hình thực tế, gây hoang mang trong xã hội và làm suy giảm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Cách thức để gây hoang mang, dao động trong tâm lý xã hội của chúng là kiểu “hóng hớt”, cắt xén thông tin, chỉ nhìn vào hiện tượng bề nổi rồi suy diễn, bóp méo bản chất nhằm gây hoang mang, dao động trong tâm lý xã hội. Chúng cố ý xuyên tạc luận điểm, ngụy tạo luận cứ và luận chứng nhằm dẫn dắt dư luận hiểu sai bản chất vấn đề. Đồng thời, chúng kích động thù hận, chia rẽ khối đại đoàn kết, gây mất ổn định nội bộ, cản trở quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực – những nhiệm vụ quan trọng vốn đang được triển khai đúng hướng và nhận được sự đồng thuận cao từ Nhân dân.

Những luận điệu xuyên tạc rằng “Đảng làm thay chức năng của Nhà nước” thực chất là chiêu trò của các thế lực thù địch nhằm bóp méo bản chất hệ thống chính trị ở Việt Nam, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, từ đó gây chia rẽ nội bộ và làm suy yếu đất nước.

3. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế vận hành theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” để đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý và phát triển đất nước

Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” được Đảng ta xác lập từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (năm 1982) và nhấn mạnh tại Đại hội lần thứ VI (năm 1986). Trong quá trình thực hiện, có những giai đoạn, thời điểm lịch sử và tổ chức trong hệ thống chính trị mà việc nhận thức, thực hiện cơ chế vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong nhận thức và triển khai. Đây chính là những điểm mà các thế lực thù địch lợi dụng để bóp méo, xuyên tạc sự thật, kích động dư luận và chống phá đất nước.

Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để đổi mới, Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận diện rõ những bất cập, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục. Theo đó, cần tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa và hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, đồng thời đảm bảo thực hiện hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Mối quan hệ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” là mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát của hệ thống chính trị ở Việt Nam. Cơ chế vận hành của hệ thống chính trị này là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Trong cơ chế vận hành này, bao hàm cả cơ chế thúc đẩy và cơ chế kiểm soát quyền lực giữa ba chủ thể chính trong hệ thống chính trị Việt Nam: Quyền lực chính trị của Đảng, quyền lực nhà nước và quyền lực của Nhân dân, trong đó, quyền lực của Nhân dân là quyền lực gốc. Trong cơ chế đó, mỗi chủ thể có vai trò, vị trí khác nhau, phối hợp với nhau, kiểm soát lẫn nhau, tạo ra động lực của cơ chế, phát huy tính hiệu quả của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và đã được chế định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, nhận thức về vận hành cơ chế này, từ phối hợp thống nhất hành động, cho đến kiểm soát quyền lực trong từng chủ thể và trong toàn bộ mối quan hệ của cơ chế vẫn chưa được nhận thức đầy đủ, chưa được cụ thể hóa. Vì thế, cần được tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa để góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta.

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, khái niệm “Đảng cầm quyền” là để chỉ Đảng khi đã giành được chính quyền, cũng có nghĩa là Đảng lãnh đạo khi đã có chính quyền; Đảng lãnh đạo xã hội bằng chính quyền và thông qua chính quyền để Nhân dân làm chủ Nhà nước, làm chủ xã hội. Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật như Điều 4 Hiến pháp Việt Nam.

Với sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và Hệ thống chính trị Việt Nam, Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách lớn, định hướng cho sự phát triển của đất nước và toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực trong từng thời kỳ nhất định. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua hoạt động của hệ thống tổ chức đảng và đảng viên trong toàn bộ Hệ thống chính trị của Việt Nam. Theo đó, hệ thống pháp luật Việt Nam chính là sự thể chế hoá chủ trương, đường lối, quan điểm được thể hiện trong nghị quyết của Đảng.

Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng không làm thay công việc của Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cách đưa ra những sáng kiến về đường lối, chủ trương, chính sách, bằng tổ chức, vận động, thuyết phục,... Đảng giới thiệu những cán bộ tiêu biểu với Nhà nước và các tổ chức xã hội, Đảng không quyết định thay cho các tổ chức đó. Rõ ràng là luận điệu “Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trên Hiến pháp và pháp luật” của các thế lực thù địch là vô căn cứ, sai trái, không đúng thực tế, nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà nước quản lý là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Để thực hiện chức năng quản lý của mình, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được tổ chức thành các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm bảo đảm quyền lực được phân công và phối hợp thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, theo nguyên tắc: Nhà nước được hình thành với mục tiêu phục vụ Nhân dân. Việc quản lý và thực thi quyền lực của Nhà nước thực chất là thực hiện quyền lực do Nhân dân ủy quyền.Nhà nước sinh ra để phục vụ Nhân dân, từ đó, Nhà nước sẽ hiện thực hóa các quyền, ý chí, nguyện vọng của nhân dân để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân trong công việc quản lý đất nước và xã hội.

Với nhân dân, Đảng thực hiện sự lãnh đạo và tổ chức để nhân dân làm chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhân dân thông qua Nhà nước chứ không phải lãnh đạo với tư cách là một chủ thể độc lập ở ngoài hay ở trên Nhà nước, bằng mệnh lệnh, quyền uy chỉ đạo cụ thể đối với các cơ quan nhà nước. Không có Nhà nước, không thông qua Nhà nước thì Đảng không thể nào lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân làm chủ bằng Nhà nước và bằng các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình và bằng các quyền dân chủ trực tiếp cơ bản của công dân được Hiến pháp và luật quy định; có trách nhiệm xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh.

Thực tế, các quan điểm thù địch xuyên tạc bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm mục tiêu làm suy yếu nền dân chủ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, qua đó làm chệch hướng con đường xã hội chủ nghĩa trong xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển đất nước. Vì vậy, việc nhận thức đúng đắn, đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa mô hình chính trị và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị nước ta. Đồng thời, đây cũng là cơ sở khoa học vững chắc để phản bác những luận điệu sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc mối quan hệ này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam. (1982). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V. NXB Sự thật, tr. 98–100.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam. (1987). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI. NXB Sự thật, tr. 135–137.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022). Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 15–16.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2022). Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

7. Nguyễn Trọng Phú (2024), Đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc xoay quanh vấn đề “sợ trách nhiệm” của cán bộ, đảng viên, Tạp chí điện tử ThanhtraVietNam, đăng ngày 03/10/2024.