资产发布器

null Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn phù hợp với xu thế phát triển tất yếu trong kỷ nguyên mới

Chi tiết bài viết Bài viết

Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn phù hợp với xu thế phát triển tất yếu trong kỷ nguyên mới

ThS. Lê Thị Nhật Sang

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Tóm tắt: Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược được. Tuy vậy, đây là vấn đề khó, nhạy cảm, đụng chạm đến nhiều đối tượng nên nếu không tính toán kỹ lưỡng và có những giải pháp đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, người dân, dễ tạo bức xúc trong dư luận.

1. Chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Ngày 24/12/2018, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, Trung ương nhận định từ sau khi hoàn toàn thống nhất đất nước đến nay, đơn vị hành chính các cấp ở nước ta đã được điều chỉnh, sắp xếp lại phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đã đạt được một số kết quả tích cực góp phần phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải báo đảm tính tổng thể, đồng bộ; thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm, cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả, chắc chắn, nơi đã rõ, có điều kiện thuận lợi thì làm trước; phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, không gây xáo trộn lớn.

 Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng; tuân thủ Hiến pháp. Từ năm 2022 - 2030, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện giai đoạn 2019 - 2021, xác định lộ trình thực hiện để đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính. Từ đó, nhiều văn bản của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến năm 2030 được ban hành: Kết luận 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; Hướng dẫn 26-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Ban Chấp hành Trung ương về việc thực hiện sắp xếp tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở những địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Quyết định số 1268/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Quyết định 31/QĐ-BCĐ của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Công điện 557/CĐ-TTg ngày 18/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, hoàn thiện các quy định về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Sắp xếp đơn vị hành chính tác động rất nhiều mặt, cả về tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn; tác động nhiều chiều, cả kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng. Vì vậy, hiệu quả thực chất của việc sắp xếp không thể là phép cộng cơ học của những con số cắt giảm được bao nhiêu đơn vị, bao nhiêu cán bộ mà cần được đánh giá thực chất từ hiệu quả của bộ máy chính quyền và chất lượng thụ hưởng của người dân cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội ở những địa bàn này. Đó cũng không chỉ là vấn đề về tổ chức bộ máy mà còn liên quan đến an ninh trật tự, đời sống và quyền lợi, nghĩa vụ của người dân. Vì thế, quá trình thực hiện cần được tính toán bài bản, khoa học, khách quan, công khai, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đây là cơ sở vững chắc để việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ở giai đoạn đạt được thành công.

2. Những luận điệu xuyên tạc chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu giúp tinh gọn bộ máy cơ quan nhà nước, thúc đẩy quản lý và phát triển tiềm năng phát triển của từng địa phương. Lợi dụng sự đổi mới trong cơ chế sắp xếp đơn vị hành chính, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị tung ra nhiều quan điểm sai trái thù địch gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, chống phá công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trước vấn đề mang tính khó khăn, phức tạp, việc người dân có ý kiến góp ý, xây dựng, đề xuất những giải pháp là hoàn toàn cần thiết, được Đảng, Nhà nước khuyến khích, trân trọng. Tuy nhiên, lợi dụng vào đó để xuyên tạc, đưa ra những quan điểm sai trái, thậm chí xuyên tạc với động cơ, mục đích xấu, tạo nhận thức lệch lạc hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối, cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước cần phải được vạch trần, đấu tranh phản bác. Lợi dụng điều này, các đối tượng xấu đã tung ra nhiều luận điệu độc hại, sai trái, xuyên tạc như: “Nhiều địa danh lịch sử trên cả nước sắp bị biến mất do các tỉnh nhập tách đơn vị hành chính. Nếu rảnh rỗi quá thì nên đọc lại sách tiểu học để cập nhật kiến thức và khỏi tốn thời gian làm chuyện ruồi bu”, “sắp xếp lại đơn vị hành chính là điều không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, tốn kém ngân sách”, “xét về văn hóa, xóa bỏ tên làng, xã, huyện còn dã man hơn cả giặc phương Bắc ngày xưa đập bia, đốt sách nước Nam”, “việc sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện nóng vội, chủ quan, không phù hợp với thực tiễn”… Bằng những giọng điệu tiêu cực như nêu trên, các đối tượng xấu đang cố tình kích động sự hoang mang, bất đồng trong xã hội.

Có một số trường hợp đưa ra những phê phán tùy tiện khi cho rằng, quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính để tính số lượng công chức cấp xã tăng thêm như sau: Phường thuộc quận cứ tăng thêm đủ 1/3 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức; các đơn vị hành chính cấp xã còn lại cứ tăng thêm đủ 1/2 mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức. Từ đó quy kết, tất cả những thay đổi, tách nhập kiểu này “đều dẫn đến sai lầm, kìm hãm và bế tắc”. Từ đó họ miệt thị rằng, việc tách nhập địa giới hành chính là sự tùy tiện, thể hiện sự “yếu kém, bế tắc” trong quản lý hành chính. Xa hơn nữa, núp bóng dưới danh nghĩa xây dựng “xã hội dân sự”, “phản biện xã hội” và nhiều vấn đề khác, các đối tượng này thể hiện sự chống đối khi cố tình cắt gọt bản chất vấn đề để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; gây hoang mang dư luận, làm giảm niềm tin của nhân dân; kêu gọi, kích động, lôi kéo người dân tham gia biểu tình, hoạt động với mục đích chống đối chính quyền.

 3. Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là cần thiết

Thứ nhất, việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, đơn vị hành chính trong hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn, đặt trong tổng thể nhiều chủ trương, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện, phát triển Nhà nước pháp quyền XHCN, phục vụ giai đoạn phát triển mới. Sắp xếp tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn.

 Thứ hai, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực của địa phương và Trung ương cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Việc tăng số lượng đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở địa phương tăng; ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của bộ máy, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc tăng; đại đa số các đơn vị cấp huyện, cấp xã thu ngân sách tại địa phương không đủ cân đối chi thường xuyên, chủ yếu Trung ương phải hỗ trợ.

Thứ ba, quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII và Nghị quyết số 37-NQ/ TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính. Nghị quyết của Quốc hội chỉ rõ: Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975 đến nay, đơn vị hành chính các cấp ở nước ta đã được điều chỉnh, sắp xếp lại phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và đã đạt được một số kết quả tích cực góp phần phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thứ tư, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được sắp xếp cơ bản phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là vấn đề khó, phần nào ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, đây là việc cần thiết phải tiến hành để các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24 tháng 12 năm 2018 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

2. Kết luận 48-KL/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2030.

3. Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.