资产发布器

null Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ

Chi tiết bài viết Bài viết

Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ

I. Mở đầu

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”[1]. Không chỉ nhấn mạnh vai trò của cán bộ, Bác còn khẳng định: “muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”[2]. Do đó, việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nếu được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch thì sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để khơi dậy khát vọng cống hiến cho cán bộ, đảng viên. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã về mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Đảng và Nhà nước luôn cần có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước.

II. Nội dung

Từ thực tiễn phát triển của đất nước trong thời gian qua, theo đánh giá quy mô nền kinh tế của Tổng cục Thống kê cho thấy GDP bình quân đầu người là Năm 2023 đạt 4.284 USD. Thực tế trên khẳng định, 94 năm kể từ khi thành lập Đảng và đặc biệt sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã có những thay đổi và phát triển mạnh mẽ, như khẳng định của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.” Góp phần vào những thành tựu to lớn đó là minh chứng cho sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện lời dạy của Bác gắn với điều kiện thực tế hiện nay, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”: “Dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá, sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”[3] Chủ trương này đã tác động tích cực và tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn cán bộ công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến lên, gặt hái được nhiều thành tựu năm sau to hơn năm trước thì nhất định phải dám nghĩ, dám làm, có gan phụ trách. Bởi vì, “nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng” không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”[4]. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm, không dám tự phê bình.

Đội ngũ cán bộ sẽ phát huy được năng lực của mình khi được Đảng và Nhà nước trao cho cơ hội. Thực tiễn chứng minh, Đảng ta luôn quan tâm tới công tác cán bộ nói chung và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nói riêng. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã xác định nhiệm vụ trọng tâm “... chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Đó là việc cán bộ với tư duy, cách làm mới tạo ra những thay đổi, tiến bộ để giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra bằng các giải pháp sáng tạo, đột phá, từ đó mang lại những giá trị mới, thiết thực, hiệu quả về vật chất và tinh thần, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, chuyển biến tích cực trong toàn xã hội. 

Kịp thời phát huy hơn nữa trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển đất nước. Ngày 29/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Với 5 chương, 24 điều, Nghị định số 73 không chỉ khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, làm, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung mà còn được tạo điều kiện thực hiện đề xuất mới. Ngoài bảo vệ, Nghị định cũng quy định, cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm…

Nhìn nhận một cách khách quan, thời gian qua, có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó là tư tưởng sợ mất lòng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; không dám đối diện với những khó khăn, vướng mắc, không dám đấu tranh phê phán cái sai, cái xấu; ngại đổi mới, sáng tạo.

 Để Nghị định này đi vào thực tiễn và phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trẻ trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn vì lợi ích chung trong giai đoạn hiện nay cần chú trọng một số giải pháp như sau:

Một là, Triển khai có hiệu quả, triển khai một cách thực chất Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần dẫn dắt, định hướng, đồng hành với mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức khi có giải pháp, mô hình hay, cách làm mới cùng đóng góp vào sự phát triển chung.

Hai là, Đánh giá cán bộ thực chất hơn cả về đức, tài, khắc phục triệt để bệnh thành tích. Đánh giá đúng, công tâm, khách quan sẽ ngăn ngừa được tình trạng “tranh công, đổ lỗi” không dám nhận trách nhiệm, không nhìn nhận đúng bản chất của sự việc để có những cải tiến và đổi mới tìm ra phương pháp, cách làm phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và khắc phục tâm lý “trông chờ, ỷ lại”, tâm lý “ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Ba là, Thực tế những người được đào tạo tốt, có năng lực, có tài năng thì thường đạt kết quả tốt. Vì vậy người lãnh đạo, quản lý cần mạnh dạn giao việc cho những cá nhân dám nghĩ, dám làm. Phải tin tưởng phân công giao việc để người cán bộ có cơ hội khẳng định mình, để thử thách và qua đó tìm ra cán bộ giỏi.

Bốn là, Việc cải cách tiền lương sẽ tạo động lực làm việc, động lực cống hiến ở đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Chế độ đãi ngộ được thỏa đáng, kết hợp với cơ chế, chính sách làm việc dân chủ, minh bạch sẽ tạo môi trường thúc đẩy đội ngũ cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, nỗ lực cống hiến, tích cực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung.

Năm là, Xây dựng quy hoạch bồi dưỡng, phát triển cán bộ nhất là cán bộ trẻ, tạo điều kiện để nâng cao trình độ. Chương trình bồi dưỡng cần phù hợp với chuyên môn, nhiệm vụ... qua đó tạo động lực để cán bộ trẻ phát huy phẩm chất, năng lực, sở trường.

Sáu là, Cần quan tâm, cất nhắc những cán bộ có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, năng lực công tác tốt để tạo động lực phấn đấu và cống hiến.

III. Kết luận

Trong thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên, ngày 13-2-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”. Như vậy, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, không “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” vì lợi ích chung là biểu hiện của chuẩn mực đạo đức phẩm chất cao quý, đối với mỗi người cán bộ.

Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn vì lợi ích chung là góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tập 9, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011.

2  Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II.

3. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

T.H


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tr.354.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, Hà Nội 2011, tr.340

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr. 243.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2011, tr.320.