アセットパブリッシャー

null Bàn thêm về điều kiện để việc làm bột ở Sa Đéc trở thành nghề làm bột gạo

Chi tiết bài viết Bài viết

Bàn thêm về điều kiện để việc làm bột ở Sa Đéc trở thành nghề làm bột gạo

TS. Nguyễn Quốc Trung

Khoa Xây dựng Đảng

Nghề làm Bột gạo Sa Đéc [1] trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển. Theo các số liệu từ thành phố Sa Đéc, hiện nay có khoảng 176 hộ sản xuất bột với gần 2.000 lao động tham gia hoạt động sản xuất bột và sản phẩm sau bột. Những sản phẩm sản xuất sau bột như hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tằm, ống hút,… làm từ bột gạo và các thực phẩm khác được sản xuất chế biến từ bột. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ bột đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia và vươn tầm quốc tế [2].

Hiện tại, thành phố Sa Đéc đã hình thành và duy trì hoạt động hiệu quả một điểm du lịch cộng đồng tại làng nghề truyền thống sản xuất bột. Tại đây, trưng bày giới thiệu quy trình sản xuất bột Sa Đéc qua các thời kỳ, sản phẩm sau bột và ẩm thực các món ăn chế biến từ bột gạo. Đây là minh chứng cho thấy rõ nhất chất lượng sản phẩm bột gạo Sa Đéc đã trở thành niềm tự hào của người dân, bởi bất kỳ du khách nào khi đến đây đều tỏ ra thích thú và ấn tượng với nét văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú chế biến từ bột, hiểu được sự hình thành và phát triển của nghề làm bột hơn 100 năm.

Nghề làm bột gạo Sa Đéc, qua thời gian đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng với yếu tố tự nhiên thuận lợi, và sự cần mẫn của con người đã tạo nên những sản phẩm bột gạo mang những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp, góp phần lưu giữ và phát huy một làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng. Nhằm tri ân các bậc tiền nhân, thế hệ đi trước đã khai mở, gây dựng và phát triển nghề làm bột gạo Sa Đéc, Ủy ban Nhân dân thành phố Sa Đéc đã quyết định chọn ngày ngày 20 tháng Chạp hằng năm để tổ chức “Lễ tri ân tiền nhân và tôn vinh nghề làm bột Sa Đéc”.

Ngày 21 tháng 2 năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 390/QÐ-BVHTTDL công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề làm bột gạo Sa Đéc và ngày 26 tháng 4 năm 2024, UBND thành phố Sa Đéc đã tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhân danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề làm bột gạo Sa Đéc. Đây là sự ghi nhận, tôn vinh, đồng thời cũng là tạo điều kiện để nghề làm bột gạo tiếp tục được đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng, tạo thêm nhiều sản phẩm sau bột phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao đời sống của người làm bột và tạo nguồn thu cho sự phát triển của thành phố Sa Đéc.

 Theo con rạch Ngã Bát dẫn vào Phường 2 và xã Tân Phú Đông là đến làng nghề làm bột gạo. Nhờ có nguồn nước sông với độ PH trung tính khi kết hợp với hạt gạo của đồng bằng sông Cửu Long, đã tạo nên thương hiệu bột Sa Đéc nức tiếng với chất lượng và hương vị đặc trưng riêng biệt với từng thớ bột trắng, mịn, dẻo, thơm, không nơi nào sánh kịp.

Theo những người làm bột lâu năm ở Sa Đéc, nghề làm bột ở Sa Đéc không biết ra đời từ khi nào và ai là người đã gây dựng để tạo nên thương hiệu như hiện nay. Ông Nguyễn Văn Nương - chủ Cơ sở sản xuất bột Tư Nương (Phường 2, thành phố Sa Đéc), cho biết: Đây là nghề truyền thống của gia đình, từ đời ông nội tôi đến nay, tôi tiếp nối, gìn giữ và phát triển nghề. Nghề làm bột đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống của nhiều gia đình và sự thành đạt của nhiều thế hệ.

Theo ông Nguyễn Nhất Thống [3], Chủ tịch Hội khoa học lịch sử thành phố Sa Đéc thì nghề làm bột gạo ở Sa Đéc gắn liền với văn minh lúa nước và tư duy “tích cốc phòng cơ” của người dân. Nghề trồng lúa nước đã trở thành một “nền văn minh” bởi sự sáng tạo không ngừng của người dân trên cơ sở “hạt gạo” và kỹ thuật trồng lúa, quá trình đó đã tạo ra rất nhiều những sản phẩm để thay thế cho hạt gạo trong các bữa cơm gia đình, từ đó góp phần nâng cao giá trị của hạt gạo và tạo ra giá trị văn hóa từ gạo.

Nghề làm bột gạo ở Sa Đéc bắt đầu từ việc tận dụng một số phụ phẩm từ gạo, kết hợp với các yếu tố tự nhiên và một số kỹ thuật từ dân gian để tạo nên những sản phẩm độc đáo, đặc sắc mang bản sắc riêng, đó cũng là một sự tiếp nối từ tiền nhân và văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, để việc tận dụng các phụ phẩm từ gạo tạo ra sự đa dạng và phong phú cho các bữa cơm gia đình và để phục vụ cho các lễ hội dân gian thì chưa thể tạo ra một nghề và làng nghề. Để việc làm bột thay thế cho gạo và tạo ra sự đa dạng, phong phú thực phẩm cho bữa cơm trở thành nghề làm bột gạo, làng nghề làm bột thì cần một số yếu tố cơ bản:

1. Đó là sự xuất hiện và tập trung nhiều cơ sở thờ tự. Sa Đéc xưa là vùng đất mới, là nơi hội tụ của nhiều cộng đồng dân di cư, theo với họ là những giá trị văn hóa, những ngành nghề truyền thống,…sự đa dạng đó đã góp phần tạo nên những giá trị mới của vùng đất mới. Để đáp ứng nhu cầu về cuộc sống tinh thần của người dân, để ổn định tâm lý của người dân di cơ nơi vùng đất mới, nhiều cơ sở thờ tự xuất hiện cùng với sự xuất hiện và ngày càng tăng của dân cư. Sự xuất hiện, tập trung của nhiều cơ sở thờ tự và nhu cầu về việc cúng bái, lễ hội dẫn đến sự xuất hiện của nhiều sản phẩm được sáng tạo ra từ hạt gạo, để tạo ra sự phong phú, đa dạng cho các lễ vật cúng bái tổ tiên, thờ cúng ông bà, các hoạt động lễ bái các cơ sở thờ tự,…đó là sự sáng tạo độc đáo, đặc sắc để làm giàu đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân. Từ đó, việc làm bột để phục vụ các mục đích trên trở thành một nghề, một làng nghề phục vụ cho nhu cầu cuộc sống vật chất và tinh thần người dân – hình thành nên những giá trị văn hóa mang bản sắc riêng.

2. Sự quy tụ, tập trung ngày càng nhiều dân cư - hình thành đô thị. Việc tạo ra các sản phẩm khác từ gạo để phục vụ nhu cầu cuộc sống, để phục vụ cho việc thờ cúng, lễ bái,… chưa đủ để tạo thành nghề và làng nghề. Yếu tố để việc làm bột trở thành nghề, làng nghề khi và chỉ khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm phải ngày càng nhiều hơn, khi đó việc đầu tư, phát triển, sáng tạo, để tạo ra nhiều sản phẩm hơn mới có điều kiện để tồn tại và phát triển. Đô thị, nơi tập trung nhiều dân cư sẽ là điều kiện thuận lợi để một nghề trở thành một làng nghề, trở thành một sản phẩm văn hóa phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của nó.

3. Thương mai – một hoạt động cần thiết để tiêu thụ các sản phẩm, thúc đẩy làng nghề phát triển. Sa Đéc từ khi hình thành các cộng đồng dân cư - đặc biệt là cộng đồng người Hoa (với đặc trưng là hoạt động thương mại) đã thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển, đồng thời Sa Đéc là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố để là một trung tâm thương mại, một trung tâm trung chuyển giao thương hàng hóa. Sự xuất hiện và phát triển của nghề làm bột gạo trước hết để phục vụ nhu cầu dân cư tại chỗ, đồng thời, những sản phẩm từ làng nghề ngày càng phát triển sẽ trở thành những sản vật quà biếu cho các địa phương khác và với việc phát triển của thương mại sẽ thúc đẩy đưa sản phẩm ra xa phạm vị địa phương, vùng, khu vực – đó là yếu tố thúc đẩy nghề và làng nghề phát triển.

Những yếu tố trên, không chỉ thúc đẩy sự phát triển nghề làm bột gạo mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề khác, ở Sa Đéc trong quá trình lịch sử đã xuất hiện nhiều làng nghề, như: dệt chiếu, kim hoàn,…làng nghề thúc đẩy sự gia tăng của các cơ sở thờ tự, tập trung dân cư, thúc đẩy thương mại và ngược lại các yếu tố trên thúc đẩy làng nghề phát triển và tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu chung của sự phát triển. Sa Đéc xưa hội đủ tất cả các yếu tố trên và điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho một sự sáng tạo trong bữa cơm thuần túy của người dân trở thành một làng nghề và một giá trị văn hóa riêng của Sa Đéc - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề làm bột gạo Sa Đéc. Những điều kiện trên đã là những điều kiện cơ bản để nghề xuất hiền và phát triển và sẽ là điều kiện cơ bản để tiếp tục là hạt nhân đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của nghề làm bột gạo Sa Đéc, nếu các thế hệ mai sau nhận thức được giá trị về vật chất và văn hóa của làng nghề và có chính sách phù hợp cho sự phát triển./.


[1] Nghề làm bột gạo ở Sa Đéc tập trung nhiều nhất ở xã Tân Phú Đông, về sau lan ra ở phường 2, phường 3, Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, An Hòa, Tân Quy Tây...

[2] Thị trường xuất khẩu của các sản phẩm sau bột: thị trường chủ yếu ở các nước Đông Nam Á, ngoài ra, sản phẩm còn có mặt tại một số thị trường khác như: Ba Lan, Hà Lan, Pháp, Đức, Úc, Newzealand, Nhật, Hong Kong… Các sản phẩm bột và sau bột của Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi đã xuất khẩu hơn 40 quốc gia trên thế giới.

[3] Ông Nguyễn Nhất Thống, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Sa Đéc, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy.