Xuất bản thông tin

null Học tập “phê bình và sửa chữa” trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Hồ Chí Minh

Chi tiết bài viết Bài viết

Học tập “phê bình và sửa chữa” trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Hồ Chí Minh

ThS. Phan Thị Minh Hiền

                                                   Khoa Xây dựng Đảng

 

Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc là văn kiện quan trọng về xây dựng Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết xong vào tháng 10-1947, ký tên là X.Y.Z, vào lúc cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của nhân dân ta chống thực dân Pháp mới bắt đầu. Tác phẩm cô đọng trong 110 trang, ra đời kịp thời để chỉnh đốn Đảng, phê bình những khuyết điểm, sai lầm, sửa đổi lối làm việc của cán bộ, đảng viên.

Sửa đổi lối làm việc được Người chỉ rõ là bắt đầu từ “phê bình và sửa chữa”. Mục đích của phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, việc tự phê bình cũng như phê bình người khác theo quan điểm của Người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Tự phê bình và phê bình phải chỉ rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét. Thực hiện tự phê bình và phê bình để người có ưu điểm thì phải cố gắng thêm, và người khác phải cố gắng bắt chước. Mọi người phải tích cực sửa chữa khuyết điểm của mình và giúp anh em sửa chữa khuyết điểm của họ. Người nhắc nhở mỗi người phải nhớ rằng: cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm to, sẽ rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành một ưu điểm lớn, rất lợi cho Đảng và cuộc kháng chiến. Do đó, ngay từ bây giờ, Người yêu cầu, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa.

Khuyết điểm có nhiều thứ, có thể chia tất cả các khuyết điểm vào ba hạng, đó là khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan; khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng với ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi; khuyết điểm về cách nói và cách viết tức là ba hoa. Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm, nếu không chữa ngay thì nó sẽ lây lan, có hại vô cùng. Trong ba bệnh nguy hiểm này thì căn bệnh thứ ba, thói ba hoa, được Bác tách riêng và đặt ở phần sau cùng của tác phẩm với “đơn thuốc” chữa thói ba hoa mà mọi người phải hiểu, phải nhớ và phải thực hành. Còn hai căn bệnh chủ quan và hẹp hòi được Bác thẳng thắn chỉ rõ như một yêu cầu cấp bách trong Sửa đổi lối làm việc. Bác khẳng định: “bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ hẹp hòi… mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong phá ra. Chính vì vậy, mỗi cán bộ đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt hàng ngày. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Qua nội dung tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, chúng ta có thể thấy, Bác đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng căn bệnh nguy hiểm mà nhiều đảng viên đang mắc phải. Nội dung “Phê bình và sửa chữa” trong tác phẩm nói riêng và giá trị tác phẩm Sửa đổi lối làm việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, như ánh sáng dẫn đường để từng tổ chức đảng, từng đảng viên nghiêm túc tự phê bình và phê bình để ngày càng tiến bộ.

Nhận thức được ý nghĩa của tự phê bình và phê bình đối với từng tổ chức đảng và đảng viên, Đảng ta đã luôn quan tâm, kịp thời chỉ đạo để công tác tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Có thể thấy thời gian qua, với việc tiếp tục thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII, nội dung Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm”[1]. Đa số các cấp ủy, đảng viên đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình, “Các cấp ủy, tổ chức đảng đã dành thời gian thỏa đáng để kiểm điểm ở cấp mình, trực tiếp dự, chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý, coi trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình”[2]. Nhờ đó, đã góp phần khắc phục các khuyết điểm tồn lại kéo dài, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Bên cạnh những ưu điểm, công tác tự phê bình và phê bình vẫn có lúc, có nơi, có cán bộ chưa thật sự làm tốt, chưa hiệu quả. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình chưa sâu sắc, thiếu tự giác nhận khuyết điểm, trách nhiệm trong công việc của mình; ở một số nơi nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện nghiêm, không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi,…

Để công tác “phê bình và sửa chữa” của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong thời gian tới đạt hiệu quả cần thực hiện một số giải pháp như:

Thứ nhất, cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở cần kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự hiệu quả để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cấp uỷ các cấp và đảng viên thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, khắc phục sửa chữa khuyết điểm để ngày càng tiến bộ.

Thứ hai, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải đẩy mạnh giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình đối với công tác xây dựng Đảng; mỗi tổ chức đảng và đảng viên cần có thái độ đúng đắn, trách nhiệm trước khuyết điểm của mình và của người khác, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình để không dẫn đến vi phạm những khuyết điểm lớn hơn.

Thứ ba, các tổ chức đảng cần duy trì việc thực hiện tự phê bình và phê bình. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hàng năm; cấp ủy đảng cần chủ động gợi ý nội dung để đảng viên kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Các tổ chức đảng, đảng viên cần thực hiện tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, hiệu quả, chủ động xây dựng kế hoạch, duy trì, thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.

Thứ tư, các cấp ủy, tổ chức đảng phải nghiêm túc chỉ đạo, tổ chức thực hiện tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; từng cấp ủy viên phải coi trọng việc kiểm điểm ở cấp mình, thường xuyên chỉ đạo việc kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý; coi trọng theo dõi, giám sát việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau tự phê bình và phê bình.

Thứ năm, cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tự phê bình và phê bình; phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Qua đó, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong làm việc; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, tác giả X.Y.Z đã nhận thấy và trăn trở về nhiều căn bệnh cần chữa trị trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Gần 80 năm trôi qua, giá trị lý luận và thực tiễn của cuốn cẩm nang Sửa đổi lối làm việc vẫn còn nguyên giá trị. Người cán bộ, đảng viên trong bất cứ giai đoạn nào của cách mạng đều phải nêu cao tinh thần phê bình và sửa chữa. Làm tốt nhiệm vụ này, mỗi cán bộ, đảng viên đã góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. X.Y.Z: Sửa đổi lối làm việc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017

2. Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021

3. https://nhandan.vn/phe-binh-va-sua-chua-trong-tac-pham-sua-doi-loi-lam-viec-post305889.html, cập nhật ngày 07/10/2017

4. https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/bai-3-tiep-tuc-kien-dinh-giu-vung-nguyen-tac-tu-phe-binh-va-phe-binh-trong-dang-639658.html, cập nhật ngày 18/6/2023


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tr.175

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2021, tr.175-176