Xuất bản thông tin

null Lời hứa người ở lại

Chi tiết bài viết Bài viết

Lời hứa người ở lại

 

ThS. Nguyễn Thị Duyên

Trường Chính trị Đồng Tháp

Xã Long Hưng (A và B) thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp có lịch sử truyền thống lâu đời, trong tiến trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, địạ bàn Long Hưng luôn là nơi diễn ra những trận chiến đấu ác liệt. Ngay từ khi Đảng mới ra đời, đảng viên và Nhân dân Long Hưng đã phối hợp với các xã tham gia đấu tranh, suốt 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều lúc tình hình hết sức khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua, song đảng viên và Nhân dân vẫn tin vào Đảng, vào cách mạng. Các đảng viên kể cả những người bị địch giam cầm trong nhà tù vẫn tin ở lý tưởng cách mạng, kiên trì đấu tranh. Nhiều gia đình đồng bào đã nuôi chứa, che chở, ủng hộ tiền bạc, lúa gạo cho cách mạng, đưa con em đi bộ đội, vào du kịch, sẵn sàng chấp nhận tù đày, hi sinh. Biết bao thế hệ đã đổ mồ hôi, xương máu để gìn giữ, xây dựng và bảo vệ quê hương ngày một thêm giàu đẹp. Với những thành tích trong 30 năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Đảng bộ và Nhân dân Long Hưng đã được chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghhĩa Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân [1].

Nhiều người con của xã Long Hưng đã tham gia chiến đấu, hi sinh, những người còn sống thì tiếp tục thực hiện lời hứa với đồng chí, đồng đội mình, cụ thể đó là tấm gương của bà Đặng Thị Bảy, hiện nay cư ngụ tại xã Long Hưng A.

Mùa xuân này, người nữ thương binh Đặng Thị Bảy đã bước vào tuổi 81, cái tuổi nên được nghỉ ngơi và vui bên con cháu, nhưng bà vẫn luôn cặm cụi với những tờ vé số trên tay cùng lời hừa đã theo bà từ lúc còn kháng chiến mà bà đã hứa với đồng đội mình “đến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ, làm mả cho người nằm xuống”. Trong suốt quãng thời gian cuộc đời mình bà luôn cố gắng làm tròn lời hứa năm đó, dù vết thương đang mang trên mình vẫn luôn làm bà đau nhức, nhưng với nỗi niềm “Mình đã hứa với đồng đội thì phải làm, nếu không thì day dứt ngủ không yên. Anh em đã hy sinh vì đất nước, mình may mắn được sống và hưởng độc lập thì phải làm gì đó để ghi nhớ công lao, để người nằm xuống cũng yên lòng” [2].

Gặp bà sau những ngày xuân Giáp Thìn, tôi có dịp trò chuyện để nghe bà tâm sự trong dịp đầu năm mới. Vẫn dáng đi khập khiễng đó, vẫn thân hình không lành lặn ở tay, bà cùng chiếc xe đạp điện 3 bánh mà các cháu mua cho, hằng ngày vẫn đi qua các cung đường để bán từng tờ vé số. Xuân về, Tết đến, các gia đình sum họp quây quần để kể nhau nghe những câu chuyện của năm cũ, ôn lại những điều đã qua và mong ước những điều tốt đẹp trong năm mới, còn bà vẫn với việc làm thân quen, không dành cho mình một ngày nghỉ tết nào, chỉ cần khỏe là bà vẫn đi bán. Bà Bảy bảo “nghỉ ở nhà bà cảm thấy mệt hơn đi bán”, do đó, tết bà không nghỉ, bệnh dù 5 ngày, vừa khỏe lại bà vẫn đi bán. Bà bảo “thôi mình còn làm được gì thì mình làm cho đồng đội mình” [3]. Số tiền bán vé số bà vẫn tiếp tục dành dụm để góp phần chăm lo cho các mộ phần của đồng đội bà ở nghĩa trang liệt sĩ xã Long Hưng A, kể từ sau khoản tiền trên 50 triệu đồng mà bà đã xin đóng góp cho Ủy ban nhân dân xã để trùng tu lại nghĩa trang liệt sĩ vào năm 2010.

Thật cao đẹp và đáng trân quý làm sao về những thế hệ cha ông đã ngã xuống để quê hương có hòa bình như ngày hôm nay. Và càng đáng trân quý hơn nữa khi người còn sống vẫn luôn đau đáu, nhớ và cố gắng thực hiện lời đã hứa trong khói lửa chiến tranh năm nào với đồng đội mình. Giá trị lịch sử, nguồn cội quê hương, những hình ảnh và việc làm của bà Đặng Thị Bảy là minh chứng sống để thế hệ trẻ, các em học sinh hôm nay không quên sự hi sinh của các bậc tiền bối, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương, giáo dục những giá trị chân – thiện – mỹ cho thế hệ hôm nay.

Thời gian có thể trôi qua, những giá trị lịch sử có thể phủ mờ bởi thời gian, nhưng những giá trị cốt lõi và những việc làm tốt đẹp của những con người hiện tại vẫn sẽ mãi được ghi nhớ và trường tồn cùng thời gian. Mảnh đất anh hùng Long Hưng (A và B) hôm nay vẫn đang nối tiếp truyền thống cha anh, tiếp tục xây dựng quê hương giàu mạnh, xứng đáng với những hi sinh và cống hiến của người nằm xuống và người còn sống.


[1] Huyện Lấp Vò, Lịch sử truyền thống và cách mạng xã Long Hưng B (thế kỷ XVIII – cuối thế kỷ XX), tháng 12 - 2005

[2]  Lời bà Đặng Thị Bảy chia sẻ

[3] Lời bà Đặng Thị Bảy chia sẻ