Xuất bản thông tin

null Một số giải pháp nâng cao hiệu quả vốn hoá đất đai ở tỉnh Đồng Tháp

Bài viết Bài viết

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả vốn hoá đất đai ở tỉnh Đồng Tháp

ThS. Nguyễn Quang Thành

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Trong thời gian qua, công tác thực hiện vốn hoá đất đai thông qua giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nhận được sự quan tâm nghiêm túc của chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện các quy định pháp luật đất đai, tạo nguồn tài chính đóng góp vào ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, Chương trình hành động số 55-CTr/TU ngày 20/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra nhiệm vụ là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn lực trên địa bàn tỉnh, trong đó có nguồn lực đất đai; tăng cường công tác quản lý, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, công khai, minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 31/3/2023 của Hội đồng nhân dân Tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: “Nguồn lực đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hóa đầy đủ trong nền kinh tế, được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bền vững với tầm nhìn dài hạn; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo động lực cho sự phát triển của Tỉnh”. Đồng thời, Hội đồng nhân dân Tỉnh đề ra một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch là phải chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính kinh tế đất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

Vì vậy, để góp phần triển khai định hướng của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Đồng Tháp, nâng cao hiệu quả vốn hoá đất đai thông qua phương thức giao đất, cho thuê đất, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật đất đai và nhu cầu vốn hoá đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Tiếp tục kiểm tra, rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai do Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành để chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Đặc biệt, trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, các cơ quan chuyên môn cần chủ động, kịp thời tham mưu đối với Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể các quy định được giao, sớm đưa nội dung của Luật Đất đai mới đi vào cuộc sống.

Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai và sự cần thiết của công tác vốn hoá đất đai trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho phù hợp với từng chủ thể. Các cơ quan thông tin đại chúng tập trung phổ biến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, quy trình thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi sai trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi tham nhũng trong quản lý đất đai...

Hai là, đẩy mạnh công tác vốn hoá đất đai thông qua hoạt động giao đất, cho thuê đất trên cơ sở hành lang pháp lý được ban hành

Tiếp tục áp dụng phương thức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất. Đồng thời, cơ chế đấu giá đất nên được áp dụng đối với các dự án có sử dụng đất vì mục tiêu lợi nhuận. Việc sử dụng hình thức đấu thầu, đấu giá không chỉ tạo điều kiện cho giá của bất động sản do thị trường quyết định mà còn góp phần hạn chế tình trạng “xin - cho”, nhũng nhiễu, tham nhũng từ các quyết định hành chính.

Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện có hiệu quả theo cơ chế “một cửa” không gây phiền hà, sách nhiễu khi lập hồ sơ thủ tục giao đất, thuê đất. Đồng thời, xử lý nghiêm những cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình tiếp nhận hồ sơ giao đất, thuê đất.

Để có được quỹ đất tiến hành giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu hồi đất, trong đó phải sử dụng cơ chế thị trường xác định giá đất sao cho đảm bảo cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trong khu vực có đất bị thu hồi. Ngoài ra, cần quan tâm đến các yếu tố về điều kiện sống, cơ sở hạ tầng, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như tập quán và tâm lý người dân khi xây dựng các khu tái định cư[1]. Nếu công tác giải phóng mặt bằng thuận lợi, đời sống người dân ổn định thì đất đai được thu hồi có thể nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư đúng tiến độ, đạt lợi nhuận cao, hiệu quả vốn hoá đất đai từ đó được nâng cao.

Ba là, đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản gắn với các loại thị trường khác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đô thị hóa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay, việc thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế đối với nước ta. Do vậy, hành lang pháp lý đất đai an toàn nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư [2] là vô cùng cần thiết. Song song đó, đẩy mạnh việc phát triển thị trường bất động sản nói chung và thị trường đất đai nói riêng phải gắn liền với khắc phục những yếu kém, tham nhũng trong quản lý đất đai, thúc đẩy việc tiền tệ hóa, tài chính hóa bất động sản. Đồng thời, phải xây dựng một thị trường bất động sản minh bạch, tăng cường việc đấu giá quyền sử dụng đất để nhà đầu tư có thực lực có thể tiếp cận tài nguyên này.

Tiếp tục nghiên cứu những thành công trong quá trình quản lý đất đai trên thế giới để vận dụng phù hợp vào thực tiễn Việt Nam và tỉnh Đồng Tháp. Phải gắn “chế độ dự trữ đất đai”, “tái quy hoạch đất đai” [3] với phát triển lợi ích công cộng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế, vấn đề nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp…

Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện giao đất, cho thuê đất

Kiểm soát chặt chẽ công tác giao đất, cho thuê đất theo hướng quy định và tổ chức thực hiện nghiêm túc các điều kiện, tiêu chí để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng đất lấn chiếm; sử dụng đất không đúng mục đích; giao đất, cho thuê đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được Nhà nước giao đất, giao cho thuê đất, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.

Tăng cường kiểm tra tình hình sử dụng đất của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư trên địa bàn quản lý, phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất với diện tích đất giao hoặc cho thuê không đúng đối tượng; đất đã được nhà nước giao, cho thuê nhưng không sử dụng hoặc chậm sử dụng so với tiến độ dự án, sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích.


[1] Xem thêm: Phan Trung Hiền, Dương Văn Học, Ảnh hưởng của yếu tố tập quán truyền thống đến tâm lý người dân trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Tạp chí Khoa học Cần Thơ, số 04 (46), 2013.

[2] Xem thêm: Phan Trung Hiền và Phạm Duy Thanh, Cơ chế tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư – Kinh nghiệm tại thành phố Cần Thơ (Sách chuyên khảo), Nxb Chính trị quốc gia, 2015, Hà Nội.

[3] Đây là một số chính sách quản lý đất đai hiệu quả ở các nước Thụy Điển, Singapore, Hồng Kong, Đức, Nhật Bản. Xem thêm: Đào Nhiên, Đô thị hóa và những cải cách liên hoàn về chế độ đất đai – tài chính – hộ khẩu, Tài liệu dịch của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế -  Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr.4.