Xuất bản thông tin

null Thực trạng vốn hoá đất đai thông qua giao đất, cho thuê đất tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014 – 2023

Bài viết Bài viết

Thực trạng vốn hoá đất đai thông qua giao đất, cho thuê đất tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014 – 2023

ThS. Nguyễn Quang Thành

Khoa Nhà nước và Pháp luật

          Tương tự như nhiều địa phương trên cả nước, trong thời gian qua, các chính sách, pháp luật về đất đai và việc huy động nguồn thu từ đất tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tích cực triển khai thực hiện. Trong đó, vai trò quản lý của Nhà nước đối với việc thực thi chính sách, pháp luật về đất đai có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần đưa các quy định của Luật Đất đai các năm 1993, 2003 và 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) dần đi vào cuộc sống, phục vụ tốt cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.

          Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng của mọi quốc gia, mọi nền sản xuất, vừa vận hành theo các quy luật tự nhiên, kinh tế, xã hội, vừa phải được điều tiết theo ý chí và mong muốn của nhà quản lý. Trong đó, vấn đề khai thác, sử dụng đầy đủ, hợp lý và hiệu quả là một trong những yêu cầu đặt ra trong nền kinh tế thị trường. Đặc biệt, quản lý kinh tế đất là công cụ quản lý quan trọng nhằm hiện thực hoá quyền bình đẳng trong tiếp cận đất đai giữa các chủ thể sử dụng đất, kết hợp hài hoà lợi ích giữa các bên[1]. Đồng thời, thông qua việc phân phối địa tô, chủ thể nào sử dụng đất đai ở vị trí thuận lợi sẽ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính cao hơn so với những chủ thể sử dụng đất có vị trí bất lợi, khuất nẻo, bị vây bọc bởi các bất động sản khác... Dựa trên nguyên tắc đó, các cơ quan quản lý xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất đai, thúc đẩy các đối tượng này sử dụng đất đai hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm.

          Đồng Tháp là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên khoảng 3.283 km2 và dân số trên 1,6 triệu người. Diện tích đất phù sa 191.769 ha, chiếm 59,06% diện tích đất tự nhiên, thuận lợi cho công tác phát triển sản xuất nông nghiệp các loại hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn trái. Ngoài ra, đất phèn có diện tích 84.382 ha, chiếm 25,99% diện tích đất tự nhiên, đa số đã được ngọt hóa, thích hợp trồng được lúa, nuôi trồng thuỷ sản với năng suất và chất lượng cao [2]. Hiện trạng sử dụng đất đến năm 2022 được thể hiện tại bảng 1.

Bảng 1. Hiện trạng sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022

Phân loại

Diện tích (ha)

Cơ cấu (%)

Đất nông nghiệp

276.812

81,84

Đất phi nông nghiệp

61.416

18,16

Đất chưa sử dụng

0

0

Tổng diện tích đất của đơn vị hành chính tỉnh Đồng Tháp

338.228

100

Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp (2023)

          Số liệu cho thấy, diện tích đất nông nghiệp ở tỉnh Đồng Tháp vẫn chiếm tỷ lệ cao (81,84%), đa phần phục vụ cho hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng lúa, hoa màu, cây ăn trái và nuôi trồng thuỷ sản. Mặc dù so với kỳ thống kê đất đai năm 2021, diện tích đất nông nghiệp giảm 227 ha nhưng vẫn không đáng kể. Diện tích đất phi nông nghiệp là 61.416 ha, chiếm 18,16% tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, về cơ cấu sử dụng đất, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp: 1.717 ha, chiếm 0,51%, tập trung chủ yếu tại: huyện Tháp Mười (264 ha); thành phố Sa Đéc (222 ha); huyện Lấp Vò (185 ha); huyện Cao Lãnh (169 ha). Xét theo đối tượng sử dụng đất, tổ chức kinh tế sử dụng 1.052 ha đất nông nghiệp và 1.325 ha đất phi nông nghiệp; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 26 ha đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, tập trung tại thành phố Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh[3]. Qua xem xét, đánh giá số liệu về hiện trạng sử dụng đất năm 2022 và những năm trước đó cho thấy tỉnh Đồng Tháp vẫn còn gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để thúc đẩy phát triển kinh tế - địa phương; nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình, dự án theo kế hoạch còn thấp. Nguồn lực trong triển khai thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất sạch phục vụ triển khai dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, tổ chức tái định cư để từ đó thu hút đầu tư vẫn còn hạn chế, nhất là nguồn lực tài chính.

          Đặc biệt, một trong những quy định mới được đưa vào trong Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) là Nhà nước có quyền thu hồi đất đã giao, cho thuê, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm so với tiến độ[4]. Điều này góp phần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng đất, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất, sử dụng đất đai không hiệu quả. Mặc dù đã có quy định pháp luật, tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều số dự án, công trình không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng; để hoang hoá, gây lãng phí đất đai vẫn còn xuất hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có thể kể đến một vài trường hợp sau [5].

          (i) Trường hợp Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Hùng Vương Cao Lãnh (chế biến xuất khẩu thức ăn chăn nuôi): Diện tích 13.419,5 m2, toạ lạc Khu Công nghiệp Trần Quốc Toản, Phường 11, thành phố Cao Lãnh do chậm triển khai thực hiện dự án nên Ủy ban nhân dân Tỉnh đã thu hồi và giao lại cho Công ty Cổ phần Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp quản lý, khai thác tại Quyết định số 266/QĐ-UBND.NĐ ngày 03/9/2019. Hiện nay, được Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh đã cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

          (ii) Trường hợp Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (trụ sở làm việc): Diện tích 1.740 m2, toạ lạc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười do không triển khai dự án và được Ủy ban nhân dân Tỉnh cho gia hạn sử dụng đất để thực hiện trụ sở làm việc 24 tháng tại Quyết định số 369/QĐ-UBND-NĐ ngày 26/11/2018 (kể từ ngày 28/9/2018 đến ngày 28/9/2020). Đến nay, Ủy ban nhân dân Tỉnh  đã tiến hành thu hồi đất và giao đất cho Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Tháp Mười quản lý, khai thác tại Quyết định số 119/QĐ-UBND-HC ngày 19/5/2021.

          (iii) Trường hợp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (chi nhánh Đồng Tháp): Diện tích 73,5 m2, Phường 2, thành phố Sa Đéc do không triển khai dự án nên Ủy ban nhân dân Tỉnh thu hồi đất và giao Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất thành phố Sa Đéc tổ chức đấu giá tại Quyết định số 32/QĐ-UBND-NĐ ngày 30/01/2019. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Sa Đéc phối hợp các ngành liên quan tổ chức bàn giao đất trên thực địa cho Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất thành phố Sa Đéc quản lý khai thác.

          Bên cạnh những khó khăn, hạn chế như trên, công tác vốn hoá đất đai thông qua phương thức giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn có nhiều tín hiệu khả quan. Thực trạng công tác giao đất, cho thuê đất trong giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được thể hiện tại Bảng 2.

Bảng 2. Thực trạng công tác giao đất,

cho thuê đất tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2020 (ha)

Năm

Diện tích giao đất có thu tiền sử dụng đất

Diện tích cho thuê đất trả tiền một lần

Diện tích cho thuê đất trả tiền hàng năm

2014

11,32

0

4.494.32

2015

15,06

53,52

76,26

2016

15,28

81,51

622,74

2017

16,24

15,07

168,08

2018

27,96

0,67

135,71

2019

14,01

26,22

102,52

2020

3,15

12,16

128,21

Tổng

103,02

189,15

1.233,52

Nguồn: UBND tỉnh Đồng Tháp (2014-2020)

Qua bảng số liệu cho thấy, từ năm 2014 đến năm 2020, diện tích đất được nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có số lượng nhiều nhất, chiếm 80,84% tổng diện tích đất được giao, cho thuê; diện tích đất được cho thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê chiếm 12,39% và ít nhất là diện tích đất được giao có thu tiền sử dụng đất chiếm 6,77%. Nhìn chung, công tác giao đất, cho thuê đất tại tỉnh Đồng Tháp có sự biến động nhưng xu hướng chung là giảm dần qua giai đoạn 07 năm (2014-2020).

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), giao đất hiện nay được thực hiện thông qua hai hình thức: giao đất không thu tiền sử dụng đất và giao đất có thu tiền sử dụng đất. Việc giao đất có thể xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn phụ thuộc vào mục đích sử dụng đất. Đồng thời, Điều 118 Luật Đất đai hiện hành còn quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Uỷ ban nhân dân cấp Tỉnh ban hành quyết định quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, vì vậy, đối tượng và điều kiện tham gia đấu giá trên thực tế có thể khác nhau ở mỗi địa phương. Hình thức tổ chức giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được thể hiện tại Bảng 3.

Bảng số liệu cho thấy, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2014-2020, diện tích đất được giao theo hình thức không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất là 49,36 ha, chiếm tỷ lệ 47,91%; trong khi đó, diện tích giao đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất là 53,66 ha, tỷ lệ 52,09%. Qua đó cho thấy, tỷ lệ giữa hai hình thức này không có sự chênh lệch lớn tuy nhiên xét về mặt lợi ích kinh tế thì hình thức giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất mang lại nhiều giá trị hơn. Thực vậy, đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất một mặt giúp mang lại nguồn thu quan trọng bổ sung vào ngân sách nhà nước để tái đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; mặt khác, có thể lựa chọn được những nhà đầu tư có năng lực, uy tín, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai. Ngoài ra, một ưu điểm nổi bật của hình thức giao đất thông qua đấu giá giúp định giá trị đất đai theo cơ chế thị trường, tránh sự áp đặt về giá và hạn chế rủi ro tham nhũng đất đai.

Bảng 3. Hình thức giao đất tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2020 (ha)

Năm

Giao đất theo hình thức không đấu giá quyền sử dụng đất

Giao đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất

2014

7,43

3,90

2015

8,05

7,01

2016

4,96

10,32

2017

12,67

3,57

2018

4,61

23,35

2019

9,14

4,87

2020

2,50

0,65

Tổng

49,36

53,66

Nguồn: UBND tỉnh Đồng Tháp (2014-2020)

Kết quả thực hiện vốn hoá đất đai từ hình thức giao đất, cho thuê đất được thể hiện thông qua tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà chính quyền địa phương thu được thể hiện ở Bảng 4. Số liệu tại bảng 4 cho thấy, trong giai đoạn 2014-2020, tổng nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất của tỉnh Đồng Tháp là 3.651 tỷ đồng. Trong đó, tiền thu từ giao đất chiếm tỷ trọng khá lớn với hơn 2.992 tỷ đồng, chiếm 81,96%. Có thể thấy, nguồn thu tiền sử dụng đất là một trong những nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Đồng Tháp.

Bảng 4. Kết quả thực hiện vốn hóa đất đai thông qua giao đất, cho thuê đất tại tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2020 (nghìn đồng)

Năm

Tiền thu từ
giao đất

Tiền thuê đất trả tiền một lần

Tiền thuê đất trả tiền hằng năm

Tổng

2014

279.302.888

15.742.408

14.366.907

309.412.203

2015

227.898.668

23.946.457

13.813.169

265.658.294

2016

353.398.119

10.977.489

42.117.859

406.493.467

2017

382.631.762

14.432.014

46.863.926

443.927.702

2018

643.479.789

52.487.849

142.735.954

838.703.592

2019

512.877.972

58.773.004

118.950.828

690.601.804

2020

593.086.106

58.773.004

44.548.855

696.407.965

Tổng

2.992.675.304

235.132.225

423.397.498

3.651.205.027

Nguồn: UBND tỉnh Đồng Tháp (2014-2020)

          Trên cơ sở phân tích các số liệu trên, có thể rút ra một số kết luận về quá trình thực hiện vốn hoá đất đai thông qua phương thức giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp như sau:

          Thứ nhất, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn Tỉnh ngày càng đi vào thực chất, nền nếp, khoa học, góp phần tích cực vào việc sử dụng tài nguyên đất một cách hợp lý và có hiệu quả. Việc quy định giao đất cần phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất nhằm xác định rõ chủ thể có nhu cầu sử dụng đất thực sự và tránh tình trạng lãng phí đất đai. Nhờ đó, vốn hoá đất đai thông qua hình thức giao đất được thực hiện thuận lợi, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong những năm qua.

          Thứ hai, các quy định về giao đất, cho thuê đất theo quy định hiện hành cơ bản bảo đảm sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vận hành theo cơ chế thị trường. Đồng thời, các quy định cụ thể về chế tài đối với dự án đầu tư được giao đất nhưng không sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng[6] đã được UBND tỉnh Đồng Tháp nghiêm túc triển khai thực hiện, nhiều dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất bị thu hồi do vi phạm quy định. Qua đó, công tác quản lý, khai thác và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả hơn, bảo đảm cho quan hệ đất đai vận động phù hợp với quy luật phát triển của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay.

          Thứ ba, mặc dù Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) đã có quy định về cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Tuy nhiên, việc đấu giá đất vẫn chưa được áp dụng phổ biến trên thực tế ở tỉnh Đồng Tháp. Điều này được thể hiện cụ thể thông qua tỷ lệ diện tích đất được giao thông qua hình thức đấu giá và không đấu giá tương đương nhau trong giai đoạn 2014-2020 (Bảng 3). Việc không tranh thủ phương thức giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất có thể làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương và các nhà đầu tư có thể lợi dụng điều này để hưởng lợi phần giá trị tăng thêm từ đất trong quá trình khai thác, sử dụng hoặc chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư khác.


[1] Hoàng Văn Cường (Chủ biên), Quản lý nhà nước về kinh tế đất theo cơ chế thị trường ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 14.

[2] Thông tin, số liệu từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp.

[3] Báo cáo số 136/BC-STNMT ngày 12/4/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp về việc rà soát kết quả Thống kê đất đai năm 2022 tỉnh Đồng Tháp.

[4] Điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).

[5] Báo cáo số 78/BC-STNMT ngày 28/02/2023 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp về tình hình quản lý quản lý đất công, đất nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

[6] Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).