Xuất bản thông tin

null Những hạn chế thường gặp trong thực hiện nguyên tắc Tập trung dân chủ trong các tổ chức đảng ở cơ sở

Bài viết Bài viết

Những hạn chế thường gặp trong thực hiện nguyên tắc Tập trung dân chủ trong các tổ chức đảng ở cơ sở

Tống Hoàng Huân

Khoa Xây dựng Đảng

1. Khái quát về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.

Nguyên tắc Tập trung dân chủ (TTDC) của đảng cộng sản đã được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đề cập rất sớm, những nội dung cơ bản của nguyên tắc TTDC như bầu cử dân chủ; quyền thảo luận thông qua cương lĩnh, đường lối; cấp dưới phục tùng cấp trên; thiểu số phục tùng đa số, … được Mác và Ăngghen đề cập trong một số tác phẩm, tập trung nhất ở Điều lệ Liên đoàn những người cộng sản và Điều lệ Hội liên hiệp công nhân quốc tế.

          Khái niệm TTDC được Lênin sử dụng vào năm 1905 tại Hội nghị Tammecpho, chính thức được đưa vào Điều lệ Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga tại Đại Hội lần IV năm 1906, sau đó trở nên phổ biến trên phạm vi quốc tế bởi TTDC là điều kiện để các đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản: Các đảng gia nhập Quốc tế cộng sản phải được tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin về TTDC, Người khẳng định: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung”[1].

          Nguyên tắc TTDC được Đảng Cộng sản Việt Nam quy định tại điều 9, Điều lệ Đảng Khóa XI: Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định 6 nội dung cơ bản để thực hiện nguyên tắc này.

Tập trung dân chủ được xem là nguyên tắc căn bản chi phối các nguyên tắc khác, là sự kết hợp hài hòa và khoa học giữa hai mặt tập trung và dân chủ tạo thành chỉnh thể thống nhất của một nguyên tắc. Dân chủ là điều kiện là tiền đề của tập trung; tập trung là cơ sở, là cái bảo đảm cho dân chủ được thực hiện.

2. Những hạn chế, khuyết điểm thường gặp trong thực hiện nguyên tắc TTDC ở cơ sở:

          Khi nghiên cứu lý luận và thực tiễn ở nhiều loại hình tổ chức cơ sở đảng, bản thân nhận thấy, trong quá trình thực hiện nguyên tắc TTDC có một số hạn chế thường thấy, có thể chỉ ra sau đây:

Việc cụ thể hóa nguyên tắc này ở cơ sở còn nhiều bất cập, việc xây dựng và ban hành quy chế làm việc của một vài cấp ủy còn chưa cụ thể, chậm trễ, có khi còn chưa thể hiện việc phân công cụ thể nhiệm vụ của từng cấp ủy viên. Điều này dẫn tới sự chậm trễ trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, cấp ủy viên còn lúng túng, chưa thật sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ.

Một số tổ chức đảng, đảng viên chưa thống nhất cao với đường lối, chủ trương của Đảng, đường lối, chủ trương ở cơ sở vẫn được thông qua nhưng tỉ lệ không thực sự cao, có khi chỉ quá 50% một ít, từ đó tổ chức đảng sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức thực hiện.

Việc thực hiện biểu quyết ở một số tổ chức đảng còn một số bất cập nhỏ, như theo quy định thì có những nội dung yêu cầu phải biểu quyết bằng phiếu kín, nhưng lại được tổ chức biểu quyết bằng hình thức giơ tay. Một số đảng viên vì ngại va chạm, hoặc lo sợ bị trù dập sẽ không dám bày tỏ chính kiến trong trường hợp biểu quyết này.

Chế độ thông tin, báo cáo đôi khi còn chưa kịp thời, những đường lối, chủ trương được thảo luận, quyết định trong cấp ủy. Tuy nhiên, những quyết định của cấp ủy đến với các tổ chức đảng trực thuộc, đến đảng viên còn chậm, thậm chí chưa đầy đủ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức triển khai thực hiện những đường lối, chủ trương của cấp ủy cơ sở.

Việc phát huy dân chủ ở một số tổ chức đảng cũng còn hạn chế, dự thảo các văn bản được bộ phận tham mưu chuẩn bị trước như báo cáo định kỳ, báo cáo theo yêu cầu của cấp trên,… đưa ra thảo luận, lấy ý kiến của các tổ chức đảng trực thuộc, của đảng viên, của cấp ủy viên, nhưng nhận được rất ít các ý kiến đóng góp, có khi chỉ góp ý về mặt kỹ thuật, từ đó chất lượng của các văn bản do cấp ủy ban hành còn chưa cao,…

3. Một số biện pháp khắc phục:

          Nâng cao nhận thức của tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên về nguyên tắc tập trung dân chủ, làm cho toàn thể đảng viên, tổ chức đảng hiểu biết một cách đầy đủ về vai trò, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ, về mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ trong nguyên tắc TTDC. Khi đã hiểu đầy đủ về nguyên tắc này thì việc thực hiện sẽ được đảm bảo, đảng viên sẽ phải có trách nhiệm hơn trong thực hiện những nội dung của nguyên tắc TTDC trong Đảng.

          Ngay từ đầu nhiệm kỳ, phải ban hành quy chế làm việc của cấp ủy kịp thời, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cấp ủy, bí thư, phó bí thư và cấp ủy viên để kịp thời lãnh đạo hoạt động của tổ chức đảng. Thường xuyên rà soát quy chế làm việc để kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xây dựng Đảng ở cơ sở.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, lựa chọn, bố trí người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, luôn gương mẫu trong thực hiện các nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên đối với các tổ chức đảng ở cơ sở trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Cấp ủy cấp trên phải thường xuyên quan tâm đến hoạt động của cấp ủy cấp dưới, phải bám sát hoạt động ở cơ sở, từ đó kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót, từ đó hướng dẫn các cấp ủy ở cơ sở thực hiện tốt hoạt động lãnh đạo của mình, trong đó có thực hiện đúng đắn, tốt hơn nguyên tắc TTDC./.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011

2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - Xây dựng Đảng, NXB Lý luận Chính trị, H. 2021.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, Trang 620