Xuất bản thông tin

null Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với “nâng cao chất lượng đánh giá, bố trí cán bộ, đảng viên”

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với “nâng cao chất lượng đánh giá, bố trí cán bộ, đảng viên”

 

Võ Thị Mỹ Vân

Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Đánh giá cán bộ, đảng viên có nghĩa là nhận xét, xem xét, cân nhắc, bày tỏ thái độ và quan điểm của tổ chức hoặc cá nhân được tổ chức phân công đối với cá nhân người khác trên những khía cạnh như: phẩm chất đạo đức, lối sống; bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; năng lực công tác, trình độ nhận thức; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật,... Mục đích của đánh giá cán bộ, đảng viên là để phân loại cán bộ, đảng viên tìm và sử dụng cán bộ một cách hợp lý, phát huy được hiệu quả của người cán bộ, đảng viên.

Việc đánh giá cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của họ; không thể chỉ dựa vào một việc làm mà phải tìm hiểu tất cả các công việc mà họ thực hiện; không thể chỉ xem xét cán bộ trong một thời điểm mà phải thấy rõ lịch sử của họ. Tức là phải có cái nhìn toàn diện mới có thể đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan.

Bác Hồ đã từng khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, nếu nói xây dựng Đảng là “then chốt” thì công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Chúng ta thường nói: Cán bộ nào thì đường lối ấy, nhưng sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nói đến công tác cán bộ là nói đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ, chế độ, chính sách đối với cán bộ,... Trong đó, thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ là yếu tố rất quan trọng để lựa chọn, sử dụng cán bộ đúng đắn, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ.

* Đối với người cán bộ, đảng viên

- Về  phẩm chất đạo đức: Hồ Chí Minh luôn coi phẩm chất đạo đức là tiêu chí hàng đầu, là "gốc" của người cán bộ, nâng cao đạo đức là cơ sở  cho sự phát triển tài năng của người cán bộ, vì lợi ích chung của Đảng, của giai cấp và của dân tộc. Đạo đức của người cán bộ, đảng viên được nâng cao càng tăng thêm động lực tinh thần, thôi thúc người cán bộ vượt lên mọi khó khăn thử thách để nâng cao trình độ trí tuệ của mình.

Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Người coi đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đức của người cán bộ cách mạng thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, là lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với quần chúng, gương mẫu gắn bó với nhân dân, khiêm tốn học hỏi, thực sự cầu thị. Có tinh thần đoàn kết, thương yêu, tương thân, tương ái lẫn nhau. Đức là cái gốc giúp người cán bộ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người nói: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Đạo đức phẩm chất sẽ tạo nên uy tín của cán bộ, đảng viên để thuyết phục và lãnh đạo quần chúng noi theo. 

Về năng lực: Năng lực là cái vốn có của mỗi con người. Năng lực được kế thừa từ gia đình, di truyền cộng với khả năng tư duy, nắm tình hình, biết vận dụng sáng tạo vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để phát huy. Người có năng lực nếu được đào tạo tốt sẽ phát huy được khả năng. Bởi năng lực như là cái vốn có, còn trình độ là cái được bổ sung.

Về trình độ: Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đòi hỏi đầu tiên của người cán bộ là phải có trình độ. Muốn có trình độ tất yếu người cán bộ phải được đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp và tự đào tạo, rèn luyện qua thực tế công tác, cả về chuyên môn và trình độ chính trị. Bên cạnh trình độ chuyên môn, đòi hỏi phải có trình độ lý luận chính trị, nắm chắc các quy luật vận động của cuộc sống, biết vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị. Một cán bộ có chuyên môn giỏi, có trình độ lý luận vững vàng sẽ có lợi thế lớn trong công tác lãnh đạo quản lý.

* Đối với công tác đánh giá, bố trí cán bộ, đảng viên

Thứ nhất, xem xét, đánh giá cán bộ một cách toàn diện.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, việc đánh giá cán bộ phải dựa trên quan điểm toàn diện, tức là yêu cầu phải xem xét đầy đủ các mối liên hệ của sự vật, hiện tượng để có đánh giá đúng. Khi xem xét các mối liên hệ của cán bộ, cần làm rõ bản chất của người cán bộ thông qua ba mối quan hệ cơ bản: quan hệ với chính mình; quan hệ với nhân dân; quan hệ với Đảng, Nhà nước thông qua cơ quan, đơn vị.

Hai là, xem xét, đánh giá cán bộ trong cả quá trình vận động và phát triển

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, xem xét, đánh giá cán bộ phải linh hoạt, không được bảo thủ, định kiến vì bản thân cán bộ cũng thay đổi suy nghĩ, cách làm việc do nhiều mối quan hệ tác động chủ quan lẫn khách quan, cùng chiều hoặc ngược chiều. Do đó, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, những người làm công tác cán bộ, trong cách xem xét cán bộ cần chú trọng:

- Xem xét, đánh giá cán bộ phải trong toàn bộ quá trình công tác, cả lúc khó khăn và khi thuận lợi.

- Cần thấy được xu hướng chuyển hóa của cán bộ để “cải tạo, giúp đỡ” khi họ gặp khó khăn, mắc sai lầm, khuyết điểm; “chỉ đạo, nâng cao” khi cán bộ có năng lực làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”. Do đó, người lãnh đạo cần giúp đỡ cán bộ nhận ra sai lầm và khắc phục, sữa chữa sai lầm đó. Như vậy, xem xét cán bộ phải thấy được xu hướng phát triển của họ, từ đó làm cơ sở cho công tác bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo, luân chuyển cán bộ một cách hợp lý.

Ba là, xem xét, đánh giá cán bộ một cách khách quan.

Đánh giá cán bộ, đảng viên đòi hỏi phải có thái độ tôn trọng khách quan, phải xuất phát từ bản thân của người cán bộ, không được xuất phát từ ý chí chủ quan của người xem xét. Phải xem xét cán bộ trong cả quá trình làm việc, thấy được thế mạnh cũng như hạn chế của cán bộ để phát huy mặt mạnh, đẩy lùi mặt yếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt và chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”. Xem xét, đánh giá cán bộ khách quan, công tâm sẽ khiến cho họ đem hết tài năng và nhiệt huyết của mình phục vụ cho công việc.

Bốn là, xem xét, đánh giá cán bộ phải gắn với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, việc xem xét, đánh giá cán bộ phải xuất phát từ thực tiễn hoạt động của cán bộ. Nếu xa rời thực tiễn, sẽ mắc phải bệnh quan liêu trong xem xét, đánh giá cán bộ. Muốn đánh giá đúng cán bộ, người làm công tác cán bộ phải thực sự bám sát thực tiễn hoạt động của cán bộ, theo dõi, nhắc nhở, động viên kịp thời.

* Một số giải pháp để nâng cao chất lượng đánh giá, bố trí cán bộ, đảng viên

+ Nâng cao nhận thức của đảng viên về vai trò, tầm quan trọng của việc đánh giá, bố trí cán bộ, đảng viên. Từ đó, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến nhận thức cho cán bộ, đảng viên, trên cơ sở thực hiện tốt tự phê bình và phê bình để đánh giá đúng chất lượng hoạt động của chi bộ và kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng đảng viên.

+ Khi đánh giá, bố trí cán bộ, đảng viên phải xem xét cả một quá trình, không chỉ xem xét một thời điểm, một thời gian ngắn hoặc chỉ thấy hiện tại; không chỉ xét đến quá khứ mà còn dự đoán khả năng trong tương lai, nghĩa là phải đánh giá cán bộ cả một quá trình. Bởi lẽ, mọi việc đều có sự chuyển biến, con người cũng có thể thay đổi về mọi mặt. Cho nên, nhận xét về một con người không thế cố định bất biến mà phải trong quá trình vận động, biến đổi.

+ Chi ủy, chi bộ, đảng viên nắm vững, bám chặt quy định, hướng dẫn của cấp trên; xây dựng kế hoạch, nghị quyết để phân công nhiệm vụ, đánh giá, viên chức, đảng viên; cụ thể hóa từng tiêu chí để làm cơ sở đánh giá, xếp loại. Thực hiện đánh giá đa chiều, chặt chẽ, công khai, theo tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, đúng quy trình, nguyên tắc, quy định; gắn đánh giá, xếp loại chất lượng cá nhân với tập thể và với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

+ Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, lấy kết quả đánh giá rèn luyện hàng tháng là cơ sở quan trọng để đánh giá, phân loại chất lượng viên chức, đảng viên cuối năm. Trong kiểm điểm phải gắn với chức trách nhiệm vụ được giao và gắn với kết quả hoạt động của phòng, của chi bộ.

Trong sử dụng, đánh giá, bố trí cán bộ, đảng viên phải kết hợp trên tinh thần đoàn kết cùng hướng tới mục đích chung là hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất; không cục bộ, hẹp hòi; phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Phải kết hợp giữa cán bộ lớn tuổi và cán bộ trẻ, lớp cán bộ cũ và cán bộ mới, tạo nguồn cán bộ kế cận để bảo đảm sự chuyển giao công việc, phải bồi dưỡng cán bộ cách mạng cho đời sau./.

Tài liệu tham khảo

[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 9, 2002, tr.492.

[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 5, 2002, tr.684.

[3]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 2, 2002, tr.684.

[4]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 12, 2002, tr.185.

[5]. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đề cao nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.