Xuất bản thông tin

null Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại trong giảng dạy chuyên đề đường lối, chính sách đối ngoại

Tin tức Tin tức - Sự kiện

Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại trong giảng dạy chuyên đề đường lối, chính sách đối ngoại

Tống Hoàng Huân

Khoa Xây dựng Đảng

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Vì vậy, một trong những cơ sở quan trọng hình thành nên đường lối lãnh đạo của Đảng ở tất cả các lĩnh vực chính là Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có Đường lối đối ngoại.

Bên cạnh những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại đã được Đảng ta đúc kết, có thể liệt kê như: (1) mục tiêu đối ngoại là độc lập dân tộc; (2) kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong công tác đối ngoại; (3) ngoại giao tâm công; (4) ngoại giao hòa hiếu với các dân tộc khác; (5) thực hiện “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong hoạt động đối ngoại, … thì sự tích cực trong các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng và thể hiện rất rõ trong Đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước hiện nay.

Để thấy rõ sự tích cực của Hồ Chí Minh trong các hoạt động thì cần điểm qua nhưng dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của Người. Khi nói về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thường chúng ta đề cập từ dấu mốc 5/6/1911, ngày mà Bác đã rời cảng Nhà rồng bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Từ năm 1912 - 1917, dưới cái tên Nguyễn Tất Thành, Hồ Chí Minh đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hoà mình với nhân dân lao động. Thời gian này Người đi tìm hiểu thế giới bên ngoài là chính, chưa có hoạt động chính trị nổi bậc.

Cuối năm 1917, Nguyễn Ái Quốc từ Anh trở lại Pháp, hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp. Từ đây sự tích cực trong các hoạt động, trong đó có các hoạt động chính trị được thể hiện rõ nét, các hoạt động quan trọng có thể chỉ ra, đó là:

Việc tham gia Đảng xã hội Pháp là một dấu mốc quan trọng trong con đường đến với chủ nghĩa Mác-Lênin của Bác: Có nhiều tư liệu của mật thám cho biết: muộn nhất là vào cuối năm 1918, Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Đảng Xã hội Pháp, cũng là ''người Việt Nam đầu tiên vào một chính đảng Pháp'' [1]

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu/congan.com.vn

Một năm sau đó, Ngày 16 và 17/7/1920, báo Nhân đạo (L’Humanite) của Đảng Xã hội Pháp đăng toàn văn “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin và đó chính là con đường giải phóng dân tộc mà người đã tìm thấy. Từ đó các hoạt động chính trị của Bác đều hướng về Lênin, về Quốc tế cộng sản.

Tháng 6/1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Tháng 10/1923, tại Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Hội đồng Quốc tế Nông dân và là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được cử vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng.

Tiếp đó tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V, Đại hội Quốc tế Thanh niên lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Tại các đại hội, Nguyễn Ái Quốc là người rất tích cực, kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản tới phong trào giải phóng dân tộc.

Nhờ vào sự tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nên Quốc tế cộng sản đã giao nhiệm vụ chuẩn bị từng bước cho sự ra đời của Đảng cộng sản ở Đông Dương để lãnh đạo phong trào công sản ở Đông Dương và Người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó bằng sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 02/1930. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách Mạng Việt Nam.

Đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay được thể hiện rõ trong 02 văn bản quan trọng của Đảng, đó là Nghị quyết Số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Hội nhập quốc tế và Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2021. Tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong công tác này là luôn “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Những nội dung của Đường lối thể hiện sự vận dụng sáng tạo từ thực tiễn hoạt động tích cực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mọi công việc.

Những công việc như Việt Nam cử lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, cử lực lượng công binh làm nhiệm vụ ở Cộng hòa Trung Phi, … góp phần vào việc xây dựng nền hòa bình trên thế giới.

Hay những đóng góp của Việt Nam khi được bầu tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, với phương châm là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chúng ta đã có nhiều sáng kiến đóng góp cho Liên hợp quốc và quốc tế như: Việt Nam đã chủ trì thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573 - Nghị quyết riêng đầu tiên của HĐBA về Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang; trong phiên họp toàn thể sáng 7/12/2020, Đại hội đồng LHQ đã đồng thuận thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm (ngày sinh của nhà Bác học Luis Pastuer), đây chính là sáng kiến của Việt Nam. Tổ chức y tế thế giới đã tổ chức kỷ niệm lần đầu tiên vào 27/12/2020.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, từ những hoạt động tích cực và có hiệu quả nêu trên đã giúp cho nước ta có được một vị thế nhất định trên chính trường quốc tế như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”./.

Tài liệu tham khảo:

[1] NGUYỄN PHAN QUANG, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 9-2004, Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Đại hội toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp.

[2] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, giáo trình Trung cấp Chính trị: Đường lối, Chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội 2021.

[3] Tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/tieu-su-cuoc-doi-va-su-nghiep/tieu-su-chu-tich-ho-chi-minh-52.