Bài viết

null Bài học từ tư tưởng Hồ Chính Minh về “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”

Trang chủ Bài viết

Bài học từ tư tưởng Hồ Chính Minh về “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”

 

Lưu Thúy Hiền

Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy những cống hiến vĩ đại của Người trên nhiều lĩnh vực. Nói về Bác, nhà báo Liên Xô Ô.Manđenxtam đã nhận định “Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”[1]. Đúng vậy, Bác là biểu tượng đẹp của sự kết tinh giữa truyền thống văn hóa phương Đông và phương Tây mà đến nay những tư tưởng về văn hóa của người vẫn còn nguyên giá trị. Nói về văn hóa, UNESCO đã nhấn mạnh rằng “Trước kia người ta coi văn hóa là thứ yếu, ngày nay người ta cần có một cách tiếp cận mới và phát triển, cách tiếp cận cuối cùng ấy sẽ thừa nhận vai trò quyết định của văn hóa”. Thấy được vai trò to lớn đó của văn hóa, Bác đã nhấn mạnh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

Đề cập đến văn hóa, năm 1943 Hồ Chí Minh đã đưa ra một quan niệm về văn hóa, trong đó xác định con người là chủ thể sáng tạo ra văn hóa đồng thời cũng chính là đối tượng thụ hưởng những giá trị văn hóa đó. Sức mạnh trường tồn của văn hóa Việt Nam đó là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nước trên thế giới để không ngừng hoàn thiện mình.

 Nhìn lại chiều dài lịch sử Việt Nam đã chứng kiến biết bao cuộc đấu tranh của cha ông đề giành lấy quyền độc lập. Một ngàn năm đô hộ của giặc Tàu, một trăm năm đô hộ của giặc Tây, bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nhưng văn hóa và dân tộc Việt Nam vẫn không bị đồng hóa. Sức mạnh làm nên chiến thắng đó là truyền thống yêu nước vẻ vang, ý chí đấu tranh của bao nhiêu lớp người đã ngã xuống vì sự tồn vong của dân tộc.

Tinh thần độc lập, tự cường, biết hy sinh, con đường mà chúng ta đi, con đường mà Bác và Đảng đã lựa chọn được nối tiếp từ xương máu của hàng triệu thế hệ người Việt Nam ưu tú. Từ sức mạnh kiên cường đó Bác đã khẳng định: “Có lẽ phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa...Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”[2]. Sức mạnh “soi đường” của văn hóa chính là lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở “Phải làm thế nào cho văn hóa thấm sâu trong tâm lí quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng”[3].

Suy cho cùng văn hóa là do con người tạo ra vậy để văn hóa “soi đường” thì cần phải thực hành từ những điều đơn giản nhất. Bác chỉ ra rằng “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”.

Ngay khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, Người nhấn mạnh Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Coi giáo dục chính là nhiệm vụ của cách mạng bởi lẽ “Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa”[4]. Một trong bốn trụ cột của phát triển bền vững là Văn hóa. Nếu kinh tế là nền tàng vật chất của xã hội, đáp ứng nhu cầu vật chất của con người và xã hội, thì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Tăng trưởng kinh tế là cơ sở và điều kiện quan trọng hàng đầu cho sự phát triển văn hóa. Phát triển văn hóa chính là mục tiêu và là động lực của tăng trưởng kinh tế, đồng thời phát triển văn hóa còn góp phần quan trọng nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Khi xã hội ngày một phát triển, khoa học công nghệ phát triển làm cho cuộc sống của con người ngày càng hiện đại hơn, internet kết nối và mở rộng các mối quan hệ giữa con người với con người. Nhưng cũng chính trong quá trình phát triển ấy tình trạng thiếu chọn lọc, tiếp thu dễ dãi, sự am hiểu chưa thấu đáo, lối sống thực dụng xa rời những giá trị đạo đức, sản phẩm đồi trụy cũng làm ảnh hưởng con người. Chiến tranh về mặt văn hóa hay tư tưởng so với những mặt trận khác cũng không kém phần quan trọng.

Để văn hóa phát huy khả năng “soi đường” thì Đảng phải chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, về văn hóa trong Đảng, cần phải ra sức thực hiện để chấn hưng đạo đức dân tộc để làm sạch trong Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Để văn hóa soi đường cho quốc dân đi thì cần phải để cho văn hóa soi đường cho chính mình. Việc làm ấy đòi hỏi mỗi cán bộ Đảng viên, mỗi cá nhân phải gương mẫu. Cần lan truyền những giá trị chân – thiện – mỹ, những tấm gương văn hóa điển hình cần được nhân rộng và phổ biến. Công tác văn hóa nói chung, cán bộ làm công tác văn hóa nói riêng phải gương mẫu bởi “văn hóa phải gắn liền với lao động, sản xuất. Văn hóa xa rời đời sống, xa lao động là văn hóa suông”[5].

Văn hóa chính là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước, là lĩnh vực tinh thần làm giàu đẹp cuộc sống. Văn hóa hôm nay phải làm cho con người có lý tưởng, tự chủ, tự do. Văn hóa làm cho đất nước có tinh thần vì nhân dân, vì lợi ích chung, văn hóa làm cho con người biết hưởng hạnh phúc. Văn hóa sức mạnh mềm của đất nước cần được đầu tư xứng đáng để nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Với bài học từ tư tưởng của Bác, văn hóa trở thành chìa khóa của sự phát triển, Đảng ta luôn nhận thức đúng và nhất quán khẳng định: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người là nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm, xuyên suốt mọi hoạt động văn hóa./.

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.1, tr.462.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.13, tr.190-191.

[3] Báo văn nghệ, số 22 ra ngày 28/5/2005.

[4]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.7, tr.451

[5]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr.558

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin