Xuất bản thông tin

null Xuyên tạc lịch sử - Một trò chơi chính trị nguy hiểm

Bài viết Bài viết

Xuyên tạc lịch sử - Một trò chơi chính trị nguy hiểm

TS. Nguyễn Quốc Trung

Khoa Xây dựng Đảng

Tóm tắt, vấn đề xuyên tạc lịch sử từ lâu đã là công cụ hữu hiệu của những toan tính chính trị phức tạp và đôi khi là cực đoan và lẽ đương nhiên, với những toán tính chính trị như thế thì hệ lụy xã hội đôi khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người và đưa đến những hậu quả năng nề, thậm chí có nguy cơ đưa loài người đến diệt vong. Có thể nói, việc xuyên tạc lịch sử để phục vụ cho những mưu toan chính trị là một trò chơi chính trị cực kỳ nguy hiểm.

Từ khóa: xuyên tạc lịch sử; trò chơi chính trị; nguy hiểm

Xuyên tạc lịch sử, vấn đề này đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, trước khi chủ nghĩa duy vật lịch sử xuất hiện, con người chưa có công cụ khoa học để nhận thức lịch sử, do đó, việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử được thực hiện dưới nhiều quan niệm khác nhau và phần lớn trong đó là ý chí chủ quan - có thể khái quát chung lại, lịch sử được tạo ra để phục vụ cho lợi ích của lực lượng thống trị xã hội, như vậy, lịch sử về cơ bản đã không thể đảm bảo được tính khách quan, chân thật của sự kiện lịch sử như những gì nó đã diễn ra. Lịch sử đã bị sai lệch, đã bị xuyên tạc, nhưng đó là lúc mà con người chưa có được công cụ khoa học để nghiên cứu và tái hiện lịch sử.

Từ khi chủ nghĩa duy vật lịch sử ra đời, với bản chất khoa học và cách mạng, chủ nghĩa duy vật lịch sử đã đưa việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử trở nên khoa học và tiệm cận đến chân lý khách quan của sự kiện lịch sử. Lúc bấy giờ, từ trong khoa học lịch sử con người có thể tìm được mọi câu trả lời cho quá khứ, cho hiện tại và dự báo được xu hướng phát triển ở tương lai. Trong bài viết “Xuyên tạc lịch sử chiến tranh thế giới thứ II có lợi cho ai?[1], tác giả Lê Việt Nga đã trích dẫn câu trả lời của nhà văn và là nhà chính luận nổi tiếng người Anh George Orwell: "Ai kiểm soát được quá khứ, người đó sẽ kiểm soát được tương lai", và điều này hoàn toàn đúng với thế giới phương Tây trong những năm qua khi họ mượn lịch sử để phục vụ cho những toan tính chính trị phức tạp, hẹp hòi và đó là trò chơi chính trị nguy hiểm, thực tiễn đã chứng minh việc xuyên tạc lịch sử đã mở đường cho hàng loạt cuộc chiến tranh đẫm máu và đã để lại hậu quả vô cùng lớn cho xã hội loài người.

Xuyên tạc lịch sử, mượn lịch sử để phục vụ mục đích chính trị đối với phương Tây trong quá khứ và hiện tại đã là vấn đề phổ biến. Điển hình là sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên cơ sở Hiệp ước Versailles (tháng 6/1919), đó là dấu mốc lịch sử kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ I, nhưng hiệp ước đó đã không trở thành sự bảo đảm tin cậy để duy trì hoà bình thế giới bởi nó đã tạo ra hệ thống quan hệ quốc tế có định hướng chống Liên Xô, đồng thời phản ánh tham vọng của các nước phương Tây muốn đưa các nước bại trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ I vào thế bị lệ thuộc vào các nước giành chiến thắng, do đó, Hiệp ước Versailles đã không làm dịu bớt mà thậm chí còn làm gia tăng những mâu thuẫn cơ bản và tiềm tàng nguy cơ chiến tranh giữa các nước lớn và giữa các vấn đề ý thức hệ xã hội.

Khi Hitler lên năm quyền ở Đức và với quan điểm rõ ràng và chắc chắn về việc chống Liên Xô, Đức quốc xã đã nhận được sự ủng hộ rõ ràng của các nước lớn (Anh, Pháp, Mỹ,…)[2] để xây dựng bộ máy chiến tranh và các nước lớn  hy vọng mượn tay Đức quốc xã để đánh bại Liên Xô, chia nhỏ Liên Xô, chiếm tài nguyên và không gian sinh tồn của nhân dân Liên Xô. Đứng trước tình thế chiến tranh đã hiện hữu, Liên Xô đã tìm nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh, Liên Xô từng đề nghị các nước Anh, Pháp xây dựng liên minh nhằm tránh nguy cơ chiến tranh, nhưng tất cả những biện pháp đó đều bị phương Tây khước từ, để đến cuối cùng Liên Xô phải lựa chọn giải pháp bất khả kháng là phải ký kết hiệp ước không tiến công lẫn nhau với nước Đức để có thời gian hoãn binh, đây là sự lựa chọn duy nhất của Liên Xô để có thời gian chuẩn bị cho cuộc đối đầu đã được chuẩn bị, đã được sắp đặt và không thể tránh khỏi với Đức quốc xã và liên minh của nước Đức (ban đầu là Đức-Ý-Nhật, sau có sự tham gia của các nước Hunggari, Rumani, Bungari).

Với những toan tính chính trị của mình, Phương Tây đã tạo điều kiện, mở đường cho Đức quốc xã gây ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, đe dọa sự tồn vong của loài người. Năm 1941, Đức quốc xã tấn công Liên Xô, hiện thực hóa mưu đồ của Đức quốc xã và đúng như mong muốn của phương Tây là tiêu diệt Liên Xô. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, Liên Xô buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đồng thời còn góp phần rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong việc đánh bại phát xít Đức, giải phóng các dân tộc châu Âu, bảo vệ hòa bình thế giới [3].

Dù đứng ở gốc độ nào đi nữa, dù quan điểm, lập trường, ý thức hệ thế nào đi nữa cũng không thể phủ nhận được vai trò to lớn của Liên Xô đối với việc đánh bại phát xít Đức, giải phóng và mang lại hòa bình cho các dân tộc Châu Âu, đó là một sự thật lịch sử không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trong thời kỳ “chiến tranh lạnh” để phục vụ mục tiêu đánh bại Liên Xô, phương Tây đã không từ một thủ đoạn nào để xuyên tạc lịch sử chiến đấu oanh liệt và sự hy sinh, tổn thất nặng nề của nhân dân Liên Xô, xuyên tạc vai trò quyết định của Liên Xô trong đánh bại phát xít Đức bảo vệ hòa bình thế giới. Hơn thế nữa, phương Tây còn “đồng nhất” hành động diệt chủng chống dân tộc Do Thái, hành động gây chiến tranh chết chóc, tan thương của Phát xít Đức với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô và công lao vĩ đại của dân tộc Liên Xô trong bảo vệ hòa bình thế giới.

Không những thế, phương Tây còn trắng trợn “đổi trắng thay đen” khi tuyên dương danh hiệu anh hùng cho những người đã từng phục vụ cho phát xít Đức diệt chủng loài người và kết án “tội ác chiến tranh” cho những anh hùng Liên Xô đã có công chống phát xít[4] Những hành động xuyên tạc lịch sử của phương Tây đã “chấp cánh” cho những tư tưởng phản động trỗi dậy và chính điều đó đã gây ra sự tang thương cho người dân của nhiều dân tộc, quốc gia. Phương Tây đã xem hành động chiến tranh của Gruria chống lại nước Nga (trong 5 ngày) là sự phản ứng tất yếu chống lại những kẻ xâm lược [5]. Bằng một chiến dịch tuyên truyền được dàn dựng công phu, các nước phương Tây cho rằng “nước Nga tiến hành xâm lược một nước Gruria nghèo khó”. Tất cả những hành động xuyên tạc lịch sử đó để mở đường cho việc NATO tiến gần hơn đến biên giới nước Nga, mà lẽ ra trên thực tế NATO đã phải giải thể sau năm 1991.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với những chiến lược xuyên tạc lịch sử đã được tính toán kỹ lưỡng, phương Tây đã và đang thúc đẩy một cuộc chiến toàn diện, sâu rộng chống lại nước Nga mà con “chốt thí” là Ukraine và sự tang thương, chết chóc là nhân dân Ukraine, thậm chí đã xuất hiện những tư tưởng vô cùng cực đoan như việc các nước Ban Tích tước quyền và hạn chế quyền công dân của người Nga đang sinh sống nhiều đời ở các quốc gia Ban Tích; Tổng thống Ukraine đã từng kêu gọi dùng vũ khí hạt nhân đánh phủ đầu nước Nga, tiêu diệt toàn bộ người Nga; Bộ ngoại giao Ukraine đã từng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy noi gương Ukraine và giết những người Nga; phương Tây chỉ cần cung cấp vũ khí, hỗ trợ kinh phí,…người Ukraine sẵn sàng hy sinh đến người Ukraine cuối cùng để giúp phương Tây đánh bại Nga,…. Không chỉ riêng ở Ukraine, hiện tại đã có một xu hướng chung của nhiều nước phương Tây về một thất bại tất yếu của nhà nước Nga, một thắng lợi tất yếu của phương Tây.

Trong khi phương Tây đang coi xuyên tạc lịch sử là một công cụ hữu hiệu, một biện pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả và đang rất tích cực tăng cường xây dựng chiến lược xuyên tạc lịch sử để chống lại các nước không có xu hướng theo phương Tây (đúng về cả nghĩa đen và lẫn nghĩa bóng) thì các nước phương Tây đã quên đi rất nhiều những sự thật lịch sử mà dù có dùng bất cứ cách thức gì để che đậy thì cũng không thể che đậy được, cụ thể: thực dân Pháp đã từng xâm lược Việt Nam, đã giết hại hàng trăm ngàn người dân yêu nước Việt Nam và không từ cả phụ nữ và trẻ em, họ đã xây nên “địa ngục trần gian” ở Việt Nam để làm “đẹp thêm” khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái”; để biến Angieri trở thành một mảnh đất thuộc Pháp, thực dân Pháp đã bức tử hàng chục triệu người dân, nhưng cuối cùng cũng không thể khuất phục được nhân dân Angieri; đế quốc Mỹ trước đây và nước Mỹ ngày nay đã và đang gây ra bao cuộc chiến và đã gây ra bao tang thương, mất mát cho bao nhiêu gia đình, kể cả phụ nữ và trẻ em, họ cũng không tha, riêng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, Mỹ đã giết hại hàng triệu người dân thường vô tội, Mỹ đã ném nửa triệu tấn chất độc Dioxin xuống đất nước Việt Nam mà hậu quả để lại là hàng triệu trẻ em dị hình, dị dạng; Nước Mỹ cũng là nước duy nhất cho đến ngày nay đã sử dụng vũ khí hạt nhân, hàng triệu người Nhật vô tội đã chết, đã bị ảnh hưởng và cho đến ngày hôm nay; trong khi tham gia liên minh cùng đế quốc Mỹ, Hàn Quốc đã đưa quân đội xâm lược Việt Nam, quân đội Hàn Quốc đã gây ra những tội ác man rợ, họ đã bắt và hãm hiếp tập thể phụ nữ, giết hại người già, trẻ nhỏ, phụ nữ,…; NaUy một quốc gia Châu Âu trong nhiều năm qua đã là biểu tượng cho sự phát triển và thịnh vượng, nhưng có ai biết được trong quá khứ họ đã làm gì với những bộ tộc ít người định cư trên vùng đất ngày nay, hàng triệu người đã bị bức tử,…đó là một vài trong số rất rất nhiều những sự thật lịch sử mà dù có chủ quan đến đâu, dù có ý muốn che đậy cỡ nào cũng không thể nào che lấp hết được. Nhưng dường như phương Tây đã quên hết những điều đó và tất cả những điều đó là do cha ông của họ, mà đó là một phần tất yếu lịch sử của họ hiện tại đã gây ra. Có một thực tế là sự thật lịch sử vẫn là sự thật lịch sử, không một thế lực, một cá nhân nào có thể làm thay đổi bản chất, che đậy, hay xuyên tạc. Lịch sử là một phần không thể thiếu của hiện tại và của tương lai.

Có thể nói, việc xuyên tạc lịch sử của phương Tây đã là một trong những nguồn cơn chính gây ra những cuộc chiến tranh, gây ra những tang thương mất mát cho hàng triệu con người, mà nặng nề nhất là phụ nữ và trẻ em. Nhưng hiện nay, xuyên tạc lịch sử là công cụ quá tốt để phương Tây toan tính cho những mưu đồ chính trị-thực chất là để thiết lập một trật tự thế giới mà phương Tây là trung tâm lãnh đạo, chi phối và là nơi hội tụ của lợi ích.

Đối với Việt Nam, mặc dù những vấn đề của chiến tranh đã lùi xa, Việt Nam đang trên đường bình thường hóa và đang mở rộng các hoạt động đối ngoại với thế giới, nhưng phương Tây cũng chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống Việt Nam, và với thực tế hiện nay thì xuyên tạc lịch sử là một biện pháp hữu hiệu nhất, dễ khai thác nhất và đem lại hiệu quả cao nhất để chống Việt Nam. Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ và đang nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, tuy nhiên, trong nhận thức của một số sử gia, một số người Mỹ, trong tuyên truyền của Mỹ vẫn cho rằng: năm 1975, nếu không có cuộc di tản của Mỹ thì miền Nam Việt Nam sẽ có một chiến dịch “tắm máu” nhân dân, điển hình như: trong bộ phim tài liệu Last Days in Vietnam [6] của đạo diễn người Mỹ Rory Kennedy [7] làm về cuộc chiến tranh Việt Nam với những câu chuyện bên lề cuộc chiến, lấy bối cảnh Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975, đây là bộ phim tài liệu từng được đề cử giải Oscar, bộ phim có những chi tiết khá chân thực và khách quan, tuy nhiên, kết thúc bộ phim đạo điễn đã đưa ra nhận định: nếu không có cuộc di tản năm 1975 thì miền Nam Việt Nam sẽ có một trận “tắm máu”. Sự thật là, sau khi tiếp quản Sài Gòn, ngay ngày hôm sau, Sài Gòn đã trở lại nhịp sống bình thường và không hề có một cuộc tắm máu nào, đó là một sự xuyên tạc lịch sử trắng trợn của một số người Mỹ và cũng là quan điểm chung của giới tinh hoa phương Tây để phục vụ cho những mục địch chính trị không trong sáng. Đó là toan tính chính trị nguy hiểm, nó mở đường cho một bộ phận người Việt Nam lưu vong, bất mãn, cơ hội chính trị, lực lượng thù địch, lực lượng phản động,…chống Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam có cơ hội và tiếp tục lợi dụng con bài lịch sử để xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng và truyền thống đoàn kết, tinh thần đôc lập,… của nhân dân Việt Nam.

 Xuyên tạc lịch sử là một môi trường mở nên được các thế lực phản động, thù địch,... triệt để khai thác để chống nền tảng tư tưởng của Đảng, chống Đảng, chống Nhà nước Việt Nam hiện nay. Tận dụng triệt để tính mở của thông tin và khai thác tối đa tính phổ thông, nhanh và rộng của công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội đã lợi dụng việc xuyên tạc lịch sử để khoét sâu vào sự thiếu hiểu biết, nhận thức mơ hồ về lịch sử của một bộ phận người dân, bộ phận giới trẻ để lan truyền, tuyên truyền về những thông tin sai sự thật để gây mâu thuẫn, chia rẽ nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc cho những toan tính chính trị hẹp hòi.

Từ kinh nghiệm lịch sử cho thấy, tất cả hành động xuyên tạc lịch sử của cá nhân, hay tổ chức, kể cả cấp độ nhà nước đều nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân, những mục đích chính trị không trong sáng và tất cả những việc làm đó đã từng và có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng to lớn – khoét sâu mâu thuẫn xã hội, gây chiến tranh giữa các quốc gia, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo,…Do đó, đối với việc làm, những hành động, những tư tưởng xuyên tạc lịch sử, mỗi người trong chúng ta cần phải thể hiện quan điểm rõ ràng và quyết liệt về cả nhận thức và hành động.

Trong một không gian và thời gian nhất định, với những điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện vật chất nhất định thì nhận thức và hành động của con người luôn bị giới hạn và đó là quá trình lịch sử tự nhiên. Hiện tại là kết quả của cả quá trình lịch sử, mỗi con người trong chúng ta là kết quả của quá trình đó, nên không ai, không một tổ chức nào có đủ tư cách và quyền hạn để phán xét lịch sử, xét lại lịch sử và đánh giá lịch sử. Nhận thức và sự hiểu biết sâu sắc lịch sử để mỗi người trong chúng ta tiếp tục viết tiếp những trang sử mới của xã hội loài người và mỗi người là một phần tất yếu của nó và đó cũng là quá trình lịch sử tự nhiên.

 

Tài liệu tham khảo

1. Lê Việt Nga, Xuyên tạc lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ II có lợi cho ai?, Tạp chí cộng sản, cập nhật ngày 9/5/2011

2.https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/745/xuyen-tac-lich-su-chien-tranh-the-gioi-lan-thu-ii-co-loi-cho-ai%3F.aspx


[1]Lê Việt Nga, Xuyên tạc lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ II có lợi cho ai?, Tạp chí cộng sản, cập nhật ngày 9/5/2011 https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/thong-tin-ly-luan/-/2018/745/xuyen-tac-lich-su-chien-tranh-the-gioi-lan-thu-ii-co-loi-cho-ai%3F.aspx

[2] Mặc dù các quốc gia Anh, Pháp, Mỹ hoàn toàn nhận thức được việc ủng hộ Đức quốc xã có nguy cơ gây ra cuộc chiến đẫm máu, nhưng họ lại muốn mượn Đức quốc xã để tiêu diệt Liên Xô.

[3] Mặc dù có nhiều nước tham gia mặt trận đồng minh chống phát xít trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II, nhưng Liên Xô phải chịu gánh nặng chủ yếu. Trên mặt trận Xô-Đức diễn ra 37 chiến dịch tiến công quy mô lớn nhằm mục tiêu chiến lược, trong khi đó trên mặt trận phía tây chỉ có 6 chiến dịch, trên mặt trận I-ta-li-a và Bắc Phi-3 chiến dịch. Tổng thiệt hại về nhân lực của quân Đức trong Chiến tranh thế giới lần thứ II và 13,4 triệu người trong đó thiệt hại trên mặt trận Xô-Đức là 10 triệu người. Trong khi đó, thiệt hại về nhân lực của Liên Xô trên mặt trận Xô - Đức là gần 27 triệu người, trong đó có 8,6 triệu quân nhân Xô-Viết hy sinh trên các mặt trận. Đánh giá về vai trò của của Liên Xô trong việc đập tan chủ nghĩa phát xít và giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, Thủ tướng Anh Churchill đánh giá: Quân đội Liên Xô đã đập tan bộ máy quân sự của phát xít Đức; Tổng thống Mỹ Roosevelt khẳng định: Xét về quan điểm chiến lược lớn, thì một thực tế không thể bác bỏ là số lực lượng và vũ khí của quân Đức do người Nga tiêu diệt lớn hơn rất nhiều so với số tương tự của tất cả 25 quốc gia đồng minh chống phát xít khác cộng lại.

[4] Nhiều quốc gia thuộc khu vực Ban Tích đã có quyết định tôn vinh những công dân của họ đã từng phục vụ trong các đội quân phát xít SS khét tiếng tàn bạo đã từng phạm tội sát hại dân thường vô tội, trước hết là những người Do Thái, cũng như những người du kích Xô-Viết hoạt động tại các khu vực giáp với biên giới của các nước cộng hoà này cũng như trên lãnh thổ của họ, điển hình nhất là ông Vassili Kononov, đội trưởng một đội du kích chống phát xít, sau chiến tranh đã từng là đại tá công an Cộng hoà Lat-vi-a, đã bị Toà án tối cao Lat-vi-a quy kết “tội phạm chiến tranh” và tội “diệt chủng”. Ở thành phố Ta-lin, thủ đô Cộng hoà E-xtô-ni-a, chính quyền sở tại đã xây dựng một bức tường có dòng chữ "Ký ức về những kẻ xâm lược" ngay dưới chân tượng đài “Chiến sĩ giải phóng” và hiện tại họ đã phá bỏ tượng đài. Tại thành phố Cu-tai-xi của Cộng hoà Gru-ri-a, chính quyền sở tại đã phá tượng đài kỷ niệm “Vinh quang thuộc về những chiến sỹ hy sinh trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại”,…

[5]“Cuộc chiến tranh 5 ngày” ở Nam Ô-xe-ti-a vào năm 2008

[6] Tạm dịch là: Những ngày cuối cùng ở Việt Nam

[7] Một nhà làm phim tài liệu có tiếng tại Mỹ, Bà chính là con gái của thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy và là cháu gái của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy