Agrégateur de contenus

null Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay

Chi tiết bài viết Bài viết

Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay

ThS. Nguyễn Thanh Tuấn

Khoa Nhà nước & Pháp luật

Tóm tắt

          Trung tâm chính trị (TTCT) cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp huy cấp huyện, có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ cập, bồi dưỡng kiến thức trong quản lý nhà nước, các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, cũng như hệ thống tri thức về lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương… cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của TTCT cấp huyện là vấn đề quan trọng đòi hỏi lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và lãnh đạo Trung tâm cần đặc biệt quan tâm tổ chức thực hiện. Phạm vi bài viết nêu lên những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của TTCT cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện nay.

Nội dung

1. Đặt vấn đề

          Hiện nay, giáo dục lý luận chính trị gắn với phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Trong đó, hệ thống TTCT cấp huyện đóng vai trò là nền tảng, gốc rễ. Trong tình hình mới, cần có hệ thống các giải pháp được nghiên cứu đầy đủ, khoa học và triển khai đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống này. Việc xác định được đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của TTCT cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giúp đóng góp một phần không nhỏ vào việc đánh giá đúng thực trạng hoạt động của các TTCT cấp huyện trên địa bàn Tỉnh thời gian qua, qua đó kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các TTCT cấp huyện trong Tỉnh thời gian tới.

2. Nội dung

Từ lý luận và thực tiễn hoạt hoạt động của các TTCT cấp huyện trên địa bàn Tỉnh Đồng Tháp thời gian qua cho thấy, có nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các TTCT cấp huyện, trong đó quan tâm đến một yếu tố chủ yếu sau:

2.1. Thể chế, quy định, quyết định về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm chính trị cấp huyện

Thể chế được hiểu một cách cô đọng nhất là “những nguyên tắc xác định mối quan hệ giữa xã hội và các thành viên trong xã hội; định hình cách thức ứng xử của các thành viên trong xã hội và điều chỉnh sự vận hành xã hội”. Xét về hình thức, thể chế ở các quốc gia cho đến nay được biểu hiện ở các loại hình cơ bản như sau: thể chế kinh tế, thể chế chính trị và thể chế văn hóa, tức các thể chế trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa. Các loại hình thể chế (tiểu thể chế) này gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo nên một “đại thể chế” quốc gia.

Trong đó, thể chế chính trị là hệ thống các định chế, các giá trị, các chuẩn mực hợp thành nguyên tắc tổ chức và phương thức vận hành của một chế độ chính trị. Nó là hình thức thể hiện các thành tố của hệ thống chính trị thuộc thượng tầng kiến trúc và là cơ sở chính trị, xã hội quy định tính chất, nội dung của chế độ xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp cầm quyền.

“Năng lực thể chế” được hiểu là năng lực của một thể chế để thực hiện các chức năng của mình.

Như vậy, ảnh hưởng của thể chế tới năng lực hoạt động của TTCT huyện là ảnh hưởng của những quy định, quyết định tới chức năng, nhiệm vụ của TTCT huyện. Trên cơ sở quy định và hướng dẫn của Trung ương và Tỉnh, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện ban hành thể chế, quy định, quyết định về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn.

Ba cấp độ năng lực thể chế được thể hiện như sau: Cấp độ khuôn khổ thể chế; Cấp độ tổ chức; Cấp độ cá nhân. Việc nâng cao năng lực thể chế tập trung vào đáp ứng nhu cầu vận hành các chức năng của TTCT huyện. Bên cạnh đó là tăng cường năng lực giải quyết, cải thiện các vấn đề đang tồn tại trong hoạt động của TTCT cấp huyện.

Hiện nay,  hệ thống thể chế tác động trực tiếp đến hoạt động của TTCT cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp gồm: Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm chính trị cấp huyện” và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp và quy định của Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ LLCT, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên cơ sở.

1.3.2. Tổ chức bộ máy

Tổ chức bộ máy của TTCT cấp huyện được thiết lập ra là để tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Trung tâm. Do vậy, kiện toàn tổ chức bộ máy của TTCT cấp huyện là một đòi hỏi tất yếu khách quan, khi kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm “phải” phù hợp với đặc điểm của hệ thống chính trị nước ta vận hành theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” do một Đảng duy nhất lãnh đạo; phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Kiện toàn tổ chức bộ máy phải “nhằm” bảo đảm hoạt động của TTCT có hiệu lực, hiệu quả, tinh gọn, khắc phục tình trạng quan liêu, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ hoặc bộ máy không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Khắc phục tình trạng người được giao nhiệm vụ nhưng lại không có trình độ chuyên môn phù hợp về giảng dạy và trình độ về LLCT…

Nâng cao năng lực tổ chức bộ máy của TTCT cần nhận thức về vai trò, chức năng của TTCT trong điều kiện mới. Do đó, cấp uỷ cấp huyện phải coi trọng công tác tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp cán bộ giảng viên của TTCT đúng chuyên môn và phù hợp với năng lực. Quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đồng thời đỏi hỏi công tác tổ chức cán bộ cũng chú ý đúng mức đến việc bố trí, sử dụng, cân nhắc cán bộ giảng viên “đúng tiêu chuẩn, phù hợp sở trường". Đề bạt cán bộ phải đúng lúc, đúng người, đúng việc”. Đây là điều kiện quyết định để cán bộ có khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ở tỉnh Đồng Tháp, qua nhiều lần sắp xếp kiện toàn, hiện nay, biên chế của mỗi Trung tâm được bố trí từ 3 – 4 biên chế phục vụ cho lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị tại Trung tâm.

1.3.3. Nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục lý luận chính trị của các Trung tâm chính trị cấp huyện

Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại TTCT rất rộng, đối tượng tham gia học tập đa dạng. Vì vậy, việc xây dựng các nội dung chương trình phù hợp với từng đối tượng học viên là nhiệm vụ cần thiết, tránh được sự trùng lặp về nội dung, hạn chế trong việc giảng dạy lý luận nhiều mà không gắn với thực tế địa phương, nhằm tạo tâm lý thoải mái với người học góp phần nâng cao được chất lượng công tác giáo dục LLCT tại TTCT nói riêng và hoạt động của Trung tâm nói chung.

Việc xác định đúng nội dung giáo dục LLCT sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hình thức và phương pháp, phương tiện, biện pháp tổ chức tiến hành giáo dục LLCT và đây là một trong những trọng tâm đổi mới trong điều kiện bùng nổ thông tin và phát triển khoa học công nghệ hiện nay. Hình thức, phương pháp, phương tiện, biện pháp là cách thức tổ chức được sử dụng trong quá trình giáo dục LLCT nói riêng và hoạt động của TTCT nói chung. Những yếu tố này quy định trực tiếp hoạt động của chủ thể và đối tượng giáo dục LLCT cũng như chủ thể và đối tượng hoạt động của TTCT, đồng thời có quan hệ chặc chẽ với mục tiêu, yêu cầu và nội dung giáo dục. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu và nội dung giáo dục LLCT để xác định hình thức, phương pháp, phương tiện và biện pháp tổ chức giáo dục LLCT cũng như hoạt động của Trung tâm cho phù hợp, hiệu quả.

Việc triển khai thực hiện nội dung, chương trình, hình thức và phương pháp tổ chức lớp học trên địa bàn Tỉnh Đồng Tháp hiện nay được thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tuyên giao Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp và theo yêu cầu của cấp ủy địa phương.

1.3.4. Năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trung tâm chính trị cấp huyện

Công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên là một trong những vấn đề quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Theo Quy định số 208-QĐ/TW ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư (khoá XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của TTCT cấp huyện thì TTCT cấp huyện là nơi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ LLCT cho cán bộ, đảng viên cấp cơ sở. Do đó, để việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên cấp cơ sở có hiệu quả thì việc nâng cao năng lực của cán bộ giảng viên tại các TTCT cấp huyện là nhiệm vụ quan trọng cấp thiết trước hết.

Các năng lực được quan tâm bao gồm: Năng lực lãnh đạo; Năng lực sư phạm.

Là nơi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn, nên Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy của các huyện, thành phố trong Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của TTCT, ngoài việc củng cố sắp xếp tổ chức bộ máy TTCT theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả thì việc nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ này luôn được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp như đào tạo, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn, nghiên cứu khoa học và tham gia tổng kết thực tiễn…

1.3.5. Cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động của Trung tâm chính trị cấp huyện

Đây là các yếu tố góp phần quan trọng quyết định đến chất lượng hoạt động của hệ thống các TTCT cấp huyện. Xác định được điều đó, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo thực hiện đủ, kịp thời mọi chế độ chính sách đối với cán bộ giảng viên trung tâm cũng như đối với học viên.

Trên cơ sở cân đối thu, chi ngân sách địa phương, hàng năm, Thường trực cấp ủy, Uỷ ban nhân dân cấp huyện luôn quan tâm cấp kinh phí xây dựng, sửa chữa, tu bổ một số công trình và đầu tư mua sắm trang thiết bị, như: máy tính, âm ly loa đài, bộ máy chiếu, máy điều hòa… phục vụ yêu cầu giảng dạy, hoạt động của trung tâm.

Nguồn ngân sách dành cho hoạt động của TTCT cấp huyện trên địa bàn Tỉnh là nguồn ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động của Trung tâm.

Tại Tỉnh, nguồn ngân sách cấp cho các TTCT cấp huyện hoạt động do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Kinh phí hàng năm của Trung tâm được phân bổ đảm bảo tiền lương, phụ cấp của số biên chế và theo số lớp/học viên được mở/học trong năm (kinh phí được chi cho hoạt động thường xuyên và các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng…). Trung bình một năm hiện nay là 500 triệu đồng – 1 tỷ đồng/đơn vị.

3. Kết luận

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, vì “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và muốn có cán bộ tốt thì “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần quan tâm tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo chăm lo xây dựng TTCT đạt chất lượng và hiệu quả. Để đạt được điều đó, việc xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các TTCT cấp huyện là việc quan trọng hàng đầu trong tổ chức và hoạt động của TTCT. Những yếu tố nêu trên, nếu được nghiên cứu kỹ lưỡng và khai thác vận dụng hợp lý tin chắc sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các TTCT cấp huyện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2019), Quy định số 208/QĐ-TW, ngày 8-11-2019, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm chính trị cấp huyện”.