Agrégateur de contenus

null Góc nhìn từ học viên – nâng cao ý thức tự học, tự rèn luyện góp phần nâng cao năng lực tư duy phản biện

Chi tiết bài viết Bài viết

Góc nhìn từ học viên – nâng cao ý thức tự học, tự rèn luyện góp phần nâng cao năng lực tư duy phản biện

 

Ths. Phạm Thị Mỹ Nhung, Ths. Lê Nguyễn Tuyết Lộc

Khoa Lý luận cơ sở

Năng lực tư duy phản biện rất cần thiết cho học viên trong quá trình nghiên cứu, khám phá và vươn tới tri thức khoa học; giúp học viên xem xét lại một tình huống, vấn đề để qua đó đưa ra những nhận định, kết luận về chúng theo quan điểm cá nhân trên cơ sở vận dụng chủ động, sáng tạo những tri thức, phương pháp.

Học viên có tư duy phản biện thường có suy luận tốt, giúp phát triển nhanh bản chất vấn đề, tìm kiếm chứng cứ phục vụ cho các lập luận đưa ra một cách thuyết phục. Theo đó, các bạn học viên bảo vệ ý kiến của mình bằng những luận điểm, chứng cứ đúng đắn và thích đáng.

Tư duy phản biện giúp học viên có thể chủ động đặt ra câu hỏi, tự tìm các thông tin liên quan để giải đáp vấn đề bản thân vướng mắc, chứ không ngồi chờ lời giải đáp ở người khác, từ giảng viên. Qua đó, các bạn học viên sẽ mạnh dạn, vượt qua tính rụt rè, e ngại, sợ sai để tôi luyện sự mạnh dạn, tự tin trình bày và bảo vệ quan điểm của mình…

 Học viên cần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị

Do sai lệch trong cách nghĩ, từ thái độ coi thường vai trò của lý luận nên dẫn đến tình trạng một số học viên ngại học tập lý luận, học tập mang tính đối phó, chiếu lệ, cốt chỉ để có bằng cấp, để phù hợp với tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; việc học tập lý luận đối với họ trở nên khiên cưỡng, mất tính tự giác, vốn là yếu tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng đến chất lượng học tập. "Vũ khí" lý luận được trang bị để hoạt động thực tiễn được đúng đắn, thành công, thậm chí bị mất tác dụng, phản tác dụng. Do đó, cần nâng cao nhận thức của học viên về ý nghĩa của việc học tập lý luận chính trị, khi học viên nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập lý luận, họ sẽ tích cực, chủ động hơn trong học tập.

Bản lĩnh chính trị vững vàng được thể hiện ở việc quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của mình, không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm, đường lối, chiến lược, sách lược; ở sự mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược, thái độ và khả năng xử lý các tình huống phức tạp; ý chí và khả năng đấu tranh chống lại sự tấn công của kẻ thù; sự nhạy cảm với cái mới và khả năng tự đổi mới. Nâng cao bản lĩnh chính trị cho học viên nhằm rèn luyện cho học viên có lập trường, bản lĩnh trong phát hiện, phân tích và giải quyết những tình huống, những mâu thuẫn nảy sinh trong học tập; biết lập luận chặt chẽ, logic dựa trên các quy luật của tư duy logic, dũng cảm đấu tranh cho quan điểm mới đúng đắn, khoa học.

 Nâng cao tính tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của học viên

Học viên cần được xây dựng động cơ và thái độ học tập đúng đắn. Động cơ, thái độ biểu hiện ở ý thức về các nhu cầu lợi ích của người học, ở thái độ đối với quá trình nhận thức, với nội dung của vấn đề được học tập, rèn luyện, ở sự hứng thú với môn học của học viên. Chỉ khi học viên tự giác, chủ động lĩnh hội tri thức, vận dụng tri thức ấy vào thực tiễn công tác và đời sống thì họ mới thực sự nâng cao trình độ và năng lực tư duy phản biện. Mỗi học viên cần thường xuyên, tích cực, chủ động, sáng tạo trong tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi đặt ra các tình huống liên quan đến công việc của bản thân.

Ngoài ra tự thân học viên phải tự giác rèn luyện về mọi mặt, trau dồi kiến thức, nâng cao ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức cách mạng thông qua hoạt động thực tiễn. Việc nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ trước hết phải do chính bản thân học viên quyết định, mỗi học viên phải tự nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ thông qua con đường tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng về mọi mặt; Đặc biệt, cần nắm vững phương châm tự giáo dục là chính. Bởi lẽ, phương pháp tự giáo dục bao giờ cũng làm cho người ta tự tin hơn, trách nhiệm phấn đấu rõ rệt hơn; phát huy tốt vai trò của tự giáo dục là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao trình độ trí tuệ của mỗi học viên.

Quá trình giáo dục, tự giáo dục là quá trình mỗi người luôn phải tự đấu tranh với bản thân, với mọi cám dỗ, tiêu cực; tạo dựng ý chí quyết tâm vươn tới cái cao đẹp. Đó cũng chính là con đường tốt nhất để nâng cao tư duy phản biện đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa đất nước trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra cần không ngừng xây dựng và nâng cao phẩm chất đạo đức lối sống cho học viên thông qua các bài giảng, bởi chỉ có phẩm chất đạo đức tốt mới có cơ sở vững chắc để phản biện một cách khoa học, đúng đắn những thông tin được tiếp nhận.

Vậy, học viên cần làm gì để rèn luyện, phát triển kỹ năng tư duy phản biện?

Thứ nhất, học viên cần xác định đúng đắn mục tiêu học tập, mục tiêu phấn đấu của mình trong tương lai; tích cực chủ động trong quá trình học tập, rèn luyện, đặc biệt là trong tự học, tự nghiên cứu

Điều này sẽ trực tiếp góp phần quan trọng nâng cao kỹ năng tư duy độc lập, sáng tạo nói chung, tư duy phản biện nói riêng của mỗi học viên.

Điều quan trọng là học viên phải nhận thức được tầm quan trọng của tư duy phản biện, sự cần thiết phải trang bị kiến thức, kỹ năng về nhận thức để phát triển tư duy phản biện, để học tập, nghiên cứu tốt hơn.

Thứ hai, trong quá trình học tập, nghiên cứu cũng trong các hoạt động ngoại khóa, học viên phải chủ động thể hiện thói quen phản biện và thái độ phản biện tích cực thông qua việc thường xuyên áp dụng các phương pháp tư duy, các kỹ năng tư duy phản biện

Các bạn học viên phải thường xuyên động não, đặt câu hỏi nghi vấn tích cực, tìm kiếm thông tin, dẫn chứng, lý lẽ để lập luận, khẳng định lại vấn đề; phải đưa ra được những nhận định, đánh giá của riêng mình hoặc biến tri thức trong giáo trình, tài liệu thành tri thức của mình, thúc đẩy trí tuệ phát triển.

Trong mỗi tiết học, học viên phải luôn tích cực, chủ động hơn trong đóng góp ý kiến xây dựng bài, đưa ra các câu hỏi mang tính lôgíc để hiểu sâu rộng hơn vấn đề; hăng hái, tích cực tham gia các hoạt động thảo luận, tranh luận khoa học hay thực hành kỹ năng tư duy phản biện.

Học viên luôn nhiệt tình tham gia các phong trào Nhà trường phát động, Đoàn Thanh niên và tổ chức Công đoàn Trường tổ chức. Qua các hoạt động, chương trình như vậy, học viên sẽ rèn luyện và phát triển được kỹ năng tư duy phản biện một cách tự nhiên.

Thứ ba, học viên cần thường xuyên rèn luyện tư duy phản biện bằng cách áp dụng các thao tác kỹ năng tư duy phản biện vào phân tích, đánh giá các vấn đề của bài giảng, thảo luận, thực tiễn đời sống xã hội đặt ra.

Học viên cần có thói quen áp dụng các kỹ năng tư duy phản biện cụ thể vào việc xem xét các vấn đề mới, kiến thức mới mà mình được nghe, được đọc với những thái độ tích cực trong khi thực hiện tư duy phản biện.

Tư duy phản biện, kỹ năng tư duy phản biện rất cần thiết cho học viên để phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và giúp học viên tiếp cận, lĩnh hội những tri thức một cách chủ động hơn, vững chắc hơn.

Vì vậy, ngay từ khi bước vào học Chương trình Trung cấp Lý luận chính trị  học viên cần tự trang bị các kiến thức, kỹ năng về tư duy phản biện, đồng thời phải nhận thức được sâu sắc về vai trò của tư duy phản biện và biết tự đặt mục tiêu, kế hoạch cụ thể để rèn luyện, phát triển kỹ năng tư duy phản biện cho mình trong hoạt động học tập, nghiên cứu, trong thực hiện công tác chuyên môn cũng như trong đời sống./.

Tài liệu tham khảo

[1] Vũ Văn An, Bùi Ngọc Quân (2017), Rèn luyện khả năng tư duy phản biện cho sinh viên trong quá trình dạy học bậc đại học, Tạp chí khoa học: Khoa học Giáo dục, Trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, tập 14, số 7

[2] Nguyễn Thị Giang, Phạm Xuân Quang, Dương Hồng Thắm, Thực trạng kỹ năng tư duy phản biện trong hoạt động học tập của sinh viên khóa 8, khoa giáo dục, học viện quản lý giáo dục, Juornal of Education Management, 2017, Vol, 9, No.9

[3] ThS. Định Ngọc Hạnh (2014), Một số vấn đề lý luận về tư duy phản biện trong giáo dục đào tạo, Tạp chí Khoa học Cảnh sát nhân dân, số 3, quý 1

[4] Viện Doanh trí Văn Hiến - Trường Đại học Văn Hiến, Tài liệu môn học Kỹ năng mềm Kỹ năng tư duy sáng tạo và phản biện (Tài liệu lưu hành nội bộ)

[5] Lê Thanh Thể, Thực trạng và đề xuất biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên Trường Đại học Đồng Nai theo giáo dục học Phật giáo, Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng Nai, số 6-2017