Agrégateur de contenus

null Vùng an toàn khu Vĩnh Thuận - dấu ấn lịch sử và biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Chi tiết bài viết Bài viết

Vùng an toàn khu Vĩnh Thuận - dấu ấn lịch sử và biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Lưu Thúy Hiền

Khoa Xây dựng Đảng

Ngày 11 tháng 4 năm 2025, Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Vùng An toàn khu huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang”. Đây là hoạt động mang ý nghĩa chính trị, giáo dục sâu sắc, góp phần bồi đắp lý tưởng, củng cố niềm tin cách mạng cho cán bộ, đảng viên thông qua hành trình về nguồn tại Khu di tích lịch sử Rừng Tràm Bang Biện Phú – một trong những địa chỉ đỏ tiêu biểu của khu vực Tây Nam Bộ.

Vùng An toàn khu Vĩnh Thuận gắn liền với những trang sử hào hùng, bi tráng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nơi đây từng được xem là "cái nôi" cách mạng của tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang). Một dấu mốc lịch sử quan trọng là vào mùa khô năm 1932, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang được thành lập tại làng Vĩnh Thuận, quận Phước Long – sự kiện đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong tổ chức và phong trào cách mạng ở vùng U Minh Thượng.

Đảng viên chi bộ tại tượng đài Bác Hồ trong Khu di tích lịch sử Rừng Tràm Bang Biện Phú

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào đấu tranh yêu nước ở U Minh Thượng liên tục phát triển mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang địa phương đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân khu tổ chức nhiều trận đánh lớn, làm thất bại nhiều chiến lược chiến tranh của kẻ thù, giữ vững vùng căn cứ địa cách mạng, bảo vệ an toàn cho các cơ quan Đảng và Nhà nước, góp phần tạo thế và lực cho đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ kháng chiến, rừng tràm Bang Biện Phú không chỉ là căn cứ địa vững chắc mà còn là nơi ghi dấu biết bao đau thương, mất mát. Rừng tràm Bang Biện Phú là nơi địch đã bắt bớ, giam cầm và giết hại dã man nhiều chiến sĩ cách mạng.

Tháng 2/1955, Ngô Đình Diệm thành lập đặc khu An Phước và quận An Phước, đích thân Ngô Đình Diệm và các thuộc hạ đã dự và cắt băng khánh thành đặc khu An Phước. Để đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân, Tại đây, địch đã thiết lập trại giam An Phước – nơi từng giam cầm, tra tấn và sát hại dã man hơn 1.500 chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trong giai đoạn từ năm 1955 đến 1957. Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú vì thế trở thành biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân vùng U Minh Thượng.

Nơi đây còn từng là địa điểm hoạt động cách mạng quan trọng của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như: Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh,... Ghi nhận những cống hiến, hy sinh, những chiến công, thành tích của Đảng bộ, quân và dân vùng U Minh Thượng, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho các huyện An Biên, Vĩnh Thuận –đơn vị tiêu biểu của vùng đất kiên trung này.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông, thế hệ hôm nay luôn trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử quý báu. Việc khánh thành Khu chứng tích chiến tranh rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ anh hùng liệt sĩ, người có công vào ngày 06/01/2024 là minh chứng rõ nét cho sự tri ân sâu sắc và quyết tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Công trình với kiến trúc trang nghiêm, nổi bật trong khuôn viên khu chứng tích có tượng đồng Bác Hồ mang biểu tượng “Miền Nam trong trái tim tôi”, cùng hệ thống phù điêu sinh động, tái hiện rõ nét về lịch sử hình thành dân cư; lịch sử về tinh thần chiến đấu của quân và dân huyện Vĩnh Thuận.

Đảng viên chi bộ thăm khu di tích Ranh Hạt nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kiên Giang

Trong hành trình về nguồn, các đảng viên Chi bộ đã có dịp thăm lại khu di tích Ranh Hạt, thuộc xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận – nơi ghi dấu sự ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang. Vào mùa khô năm 1932, tại vùng đất Ranh Hạt lịch sử, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập, do đồng chí Quảng Trọng Linh, quê ở Bến Tre, đảm nhiệm vai trò Bí thư. Sự kiện thành lập Chi bộ Ranh Hạt không chỉ là cột mốc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong phong trào cách mạng của tỉnh Kiên Giang, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc tại vùng đất U Minh Thượng. Nhằm tri ân và tưởng nhớ công lao của các thế hệ chiến sĩ cộng sản đi trước, khu di tích Ranh Hạt đã được xây dựng vào năm 2009 và chính thức khánh thành vào ngày 17 tháng 2 năm 2010.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong dịp đến thăm di tích đã viết lưu bút: “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ người trồng cây. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ và biết ơn những chiến sĩ Cộng sản tiền bối.” Câu nói giản dị mà sâu sắc ấy chính là sự nhắc nhớ về đạo lý truyền thống của dân tộc, đồng thời thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã cống hiến và hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Thông qua chuyến sinh hoạt chuyên đề, các đảng viên của Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp có dịp nhìn lại sự chiến đấu anh dũng, sống lại những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom khốc liệt, sự kiên cường của các thế hệ đi trước và những mất mát, hy sinh, sự đóng góp to lớn của nhân dân trong công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc. Mỗi đảng viên không chỉ được tiếp thêm niềm tự hào dân tộc, mà còn được khơi dậy ý chí vươn lên, khát vọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Vùng An toàn khu Vĩnh Thuận; Khu di tích Ranh Hạt, ngày nay không chỉ là biểu tượng của ý chí quật cường, tinh thần bất khuất của những người cộng sản, mà còn là "địa chỉ đỏ" thiêng liêng, giáo dục tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.