Agrégateur de contenus

null Tinh thần Điện Biên Phủ đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Chi tiết bài viết Bài viết

Tinh thần Điện Biên Phủ đối với công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Ths.Nguyễn Bích Ngọc

                                                         Giảng viên khoa Xây dựng Đảng

Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình. Dân tộc Việt Nam có tính cần cù, chịu thương chịu khó và có truyền thống đoàn kết sẵn sàng đương đầu với mọi thiên tai địch họa trong suốt tiến trình lịch sử mấy ngàn năm. Cuộc đấu tranh chống ngoại xâm hàng nghìn năm qua với những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là hiện thân ngời sáng của truyền thống đó. Thuật ngữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ” từ lâu đã là niềm tự hào vô song của truyền thống chống ngoại xâm của đất nước có hình chữ S nhỏ bé này, đặc biệt có ý nghĩa trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp như hiện nay.

          Năm 1858, thực dân Pháp với quân đội viễn chinh chuyên nghiệp được trang bị các loại tàu chiến và đủ loại vũ khí tối tân, hiện đại đã nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược tàn bạo gần 100 năm đất nước Việt Nam. Với dã tâm chủ nghĩa đế quốc thực dân, Pháp muốn biến Việt Nam thành lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp, muốn đồng hóa dân tộc “Con Rồng cháu Tiên” thành dân tộc Gô – Loa. Tuy nhiên, thực dân Pháp không nhận thức được truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt của Việt Nam từ ngàn xưa với những chiến thắng Bạch Đằng, Như Nguyệt, Chi Lăng, Đống Đa....đã từng khiến bao thế lực hùng mạnh phải cuống cuồng cởi giáp quy hàng hoặc phơi thây như rạ hay chạy trối chết khỏi lãnh thổ nhỏ bé này. Trận Điện Biên Phủ năm 1954 đã cất lên tiếng nói lịch sử của nó. Tại đây, thực dân Pháp tự tin với sức mạnh của đội quân thiện chiến cùng với những khí tài quân sự tối tân, hiện đại sẽ dạy cho Việt Minh một bài học về chiến tranh hiện đại, nhưng chúng đã đánh giá sai chủ nghĩa dân tộc của người Việt Nam. Chỉ 56 ngày đêm với ý chí và sức mạnh của toàn dân, các bộ đội Cụ Hồ đã làm nên chiến công kỳ vĩ làm rúng động cả thế giới và Điện Ê-ly-zê, bắt sống toàn bộ đội quân viễn chinh tinh nhuệ của Pháp, dẫn đến Hiệp định Giơ-ne-vơ kết thúc chiến tranh Đông Dương.

          Mười tám năm sau, năm 1972, cũng với sự ngạo mạn với cái thế của kẻ mạnh, đế quốc Mỹ ồ ạt điều hàng nghìn lượt máy bay tập kích chiến thuật và chiến lược ném bom rải thảm miền Bắc nhằm biến một nửa nước Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá (trong đó huy động khoảng 50% trên tổng số máy bay B52 mà quân đội Mỹ có). Một lần nữa, bọn xâm lược hiếu chiến lại đánh giá sai ý chí của dân tộc Việt Nam – một dân tộc rất yêu chuộng hòa bình, nhưng khi kẻ thù buộc họ phải cầm súng thì họ sẽ quyết chiến và quyết thắng cho dù kẻ thù có mạnh tới cỡ nào, như lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Và lịch sử tiếp tục chứng minh tính tất yếu của nó: Một khi quân và dân Việt Nam quyết tâm đánh giặc thì không kẻ thù nào có thể chống nổi. Chỉ trong 12 ngày đêm chiến đấu, 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 34 chiếc B52 và 5 máy bay F111, buộc chính quyền Nixon phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

        Ngày nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam đang ra sức xây dựng đất nước giàu mạnh, góp sức vun đắp cho hòa bình thế giới. Tuy nhiên, vẫn có những thế lực hùng mạnh với dã tâm chính trị xấu xa đang lăm le đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề chủ quyền biển đảo ở Biển Đông. Trước sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế về luật Biển của những kẻ ngang tàng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế với nhiều hình thức khác nhau. Nhưng nếu kẻ xâm lược buộc người Việt Nam phải cầm súng một lần nữa thì tinh thần “Điện Biên Phủ” bách chiến bách thắng sẽ tiếp tục làm rúng động thế giới. Trước những kẻ thù hùng mạnh ngày nào, Việt Nam đã làm nên những “Điện Biên Phủ” trên bộ, “Điện Biên Phủ” trên không thì chắc chắn sẽ làm nên “Điện Biên Phủ” trên biển. Lịch sử chiến đấu và chiến thắng bọn xâm lược của dân tộc Việt Nam từ hàng nghìn năm nay luôn chứng minh cho điều đó. Đó là tính tất yếu của lịch sử và hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử nhân loại./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Chí Minh toàn tập (1996), Nxb. Chính trị quốc gia
  2. Hồ Chí Minh – Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự (1990), Nxb. Quân đội nhân dân