Xuất bản thông tin

null Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng góp phần đẩy mạnh thành phố học tập ở thành phố Sa Đéc

Bài viết Bài viết

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng góp phần đẩy mạnh thành phố học tập ở thành phố Sa Đéc

                  ThS. Mai Quang Khả,

Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

 

I. Mở đầu

Thành phố Sa Đéc là đô thị loại 2, là 01 trong 03 thành phố của tỉnh Đồng Tháp, có diện tích là 5.911 ha, với dân số khoảng 202.000 người (bao gồm dân số quy đổi); có 09 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 06 phường và 03 xã: Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 4, Phường An Hòa, Phường Tân Quy Đông, xã Tân Quy Tây, xã Tân Khánh Đông, xã Tân Phú Đông; địa hình bằng phẳng và thấp, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Về mặt giao thông thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thuỷ (sông Tiền, sông Sa Đéc, Quốc lộ 80, Tỉnh lộ ĐT 848, ĐT 851, ĐT 852, ĐT 853…) có điều kiện để liên kết và hợp tác phát triển với các huyện của tỉnh như: Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành, Cao Lãnh… các trung tâm kinh tế phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long, Trà Vinh, Rạch Giá…) và cả nước bạn Campuchia.

Với địa thế khá đặc biệt, rất thuận lợi về nhiều mặt và là địa bàn chiến lược nên Sa Đéc đã được chúa Nguyễn chọn làm trung tâm của vùng Đông Khẩu Đạo (1757). Từ đó, cộng đồng dân cư Kinh - Khơmer - Hoa càng đoàn kết, gắn bó nhau hơn để khai thác, làm ăn, mua bán…. Bên cạnh những đình, chùa, miếu mạo của người Việt thì cũng xuất hiện những nơi thờ tự của người Hoa; nhiều nghề thủ công truyền thống được phát triển, nhiều mặt hàng có giá trị được định hình; các lớp học chữ Nho đã có nhiều sĩ tử theo học…

II. Nội dung

Hiện nay, nhu cầu về đời sống văn hoá tinh thần, giáo dục của người dân thành phố Sa Đéc nói riêng và người dân tỉnh Đồng Tháp nói chung là rất lớn. Do vậy, để tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu của họ đòi hỏi phải có thiết chế văn hoá tương ứng. Cùng với đó là sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, ngành văn hoá, thông tin và ngành giáo dục trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động.

Tháng 9.2020 thành phố Sa Đéc được UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu. Sa Đéc là thành phố học tập toàn cầu đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó, bằng nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương, tháng 9.2022, tổ chức UNSECO đã công nhận thành phố Cao Lãnh là thành viên của Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, tạo điều kiện cho người dân có thêm điều kiện được học tập, phát triển, đưa Đồng Tháp là tỉnh duy nhất của Việt Nam (năm 2022) có 2 thành phố được tổ chức UNESCO công nhận là thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu.

Thành phố Sa Đéc hiện có 09 Trung tâm Văn hoá - Học tập cộng đồng cấp xã được xây dựng hoàn thiện về cơ sở vật chất, bao gồm: Phường 1, Phường 2, Phường 3, Phường 4, Phường An Hoà, Phường Tân Quy Đông, xã Tân Quy Tây, xã Tân Khánh Đông, xã Tân Phú Đông.

Hệ thống Trung tâm Văn hoá - Học tập cộng đồng của thành phố Sa Đéc được thành trên cơ sở sáp nhập 02 thiết chế, đó là Trung tâm Văn hoá thể thao và Trung tâm học tập cộng đồng theo Quyết định số 347/QĐ-UBND.HC ngày 24/4/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Đề án thành lập Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cấp xã và Quyết định số 350/QĐ-UBND.HC ngày 26/4/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hoá – Học tập cộng đồng cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, sau đó có thêm Quyết định số 164/QĐ-UBND.HC ngày 27 tháng 02 năm 2019 về việc  sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Trung tâm Văn hoá - Học tập cộng đồng trên địa bàn thành phố Sa Đéc là một chỉnh thể văn hoá hội tụ đầy đủ các yếu tố: cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, nhân sự, nội dung hoạt động, nguồn kinh phí. Mỗi yếu tố này tồn tại vừa độc lập lại vừa có mối quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời nhau, có chăng là việc lựa chọn yếu tố nào nổi bật làm nền để thúc đẩy, vực dậy hiệu quả hoạt động.

III. Kết luận

Việc thành phố Sa Đéc được công nhận là thành viên “Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO” là một vinh dự lớn của địa phương và tỉnh nhà. Đồng thời, danh hiệu này còn khẳng định sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với nền giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng khả năng thu hút đầu tư, góp phần vào sự thịnh vượng và phát triển của thành phố Sa Đéc trong thời gian tới. Do đó, trong giai đoạn mới, Ban Chỉ đạo xây dựng thành phố học tập thành phố Sa Đéc, các cấp, ngành, UBND các xã, phường và Nhân dân trong toàn thành phố cần đồng thuận, nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy thành quả đạt được, tiếp tục nỗ lực giữ vững danh hiệu thành phố học tập toàn cầu, phấn đấu xây dựng thành phố Sa Đéc là thành phố học tập phát triển bền vững, trong đó có việc phát huy thế mạnh, vai trò của các trung tâm Văn hóa - Học tập cộng động trên địa bàn thành phố.

Trong tổng thể đời sống văn hoá cộng đồng thì thiết chế văn hoá nói chung, Trung tâm Văn hoá - Học tập cộng đồng nói riêng có vị trí vô cùng quan trọng. Nó là đầu mối tiếp nhận các vấn đề có liên quan và sàng lọc, lựa chọn những chủ trương, chính sách, nội dung phù hợp với thực tế tại địa phương và nhu cầu cấp thiết của người dân để công tác triển khai thực hiện đạt hiệu quả tối đa. Trung tâm đồng hành với đời sống thường ngày của nhân dân và là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng./.

Tài liệu tham khảo:

- Báo Thanh niên điện tử, https://thanhnien.vn/, ngày 09/02/2023.

- Báo Đồng Tháp Online, https://www.baodongthap.vn/, ngày 17/02/2021.

- Cổng Thông tin Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, https://www.hatinh.dcs.vn/ ngày 06/10/2014.

- Trang thông tin điện tử thành phố Sa Đéc, https://sadec.dongthap.gov.vn/gt.