Xuất bản thông tin

null Một số quy định pháp luật quốc tế về đình công

Bài viết Bài viết

Một số quy định pháp luật quốc tế về đình công

Ths. Nguyễn Quang Thành

Khoa Nhà nước và Pháp luật

          Đình công là một trong những quyền cơ bản của người lao động đã được pháp luật quốc tế cũng như nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận. Dưới góc độ pháp lý quốc tế, việc bảo vệ và thực thi các quyền của người lao động nói chung được ghi nhận trong pháp luật quốc tế kể từ thế kỷ XX với sự ra đời của nhiều văn kiện có giá trị như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 (ICESCR) của Đại hội đồng Liên Hợp quốc.

          Bên cạnh đó, những quy định trực tiếp về quyền của người lao động có thể kể đến như: Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động năm 1998 và các công ước có liên quan của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Trong số các quyền được đề cập trong các văn kiện quốc tế, đình công là một trong những quyền mà người lao động được phép sử dụng một khi không còn giải pháp nào khác để giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Có thể nói, hiện tượng đình công và quyền đình công không còn là xa lạ bởi từ những năm đầu của thế kỷ XIX, đình công đã bắt đầu xuất hiện cùng với sự ra đời của giai cấp công nhân và cuộc đấu tranh của họ với giai cấp tư sản. Tuy nhiên, đây không chỉ là một hiện tượng làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, của nội bộ doanh nghiệp mà đôi khi còn lan rộng và gây hại đến nền kinh tế quốc gia, an ninh, chính trị, trật tự và an toàn xã hội. Cho đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn tồn tại những quan điểm khác nhau về quyền đình công của người lao động. Trên cấp độ quốc tế, quyền đình công được đề cập trực tiếp trong một số văn kiện quan trọng sau đây:

          Trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 của Liên Hợp quốc, đình công được khẳng định như là một quyền bất khả xâm phạm. Điểm d, khoản 1, Điều 8 của ICESCR quy định:“Quyền đình công với điều kiện là quyền này phải được thực hiện phù hợp với pháp luật của mỗi nước”. Theo đó, đình công được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật cho phép và phải tuân theo những trình tự, thủ tục nhất định do pháp luật quy định. Vì là một loại quyền của người lao động nên đình công phải được thực hiện thông qua hành vi ngừng việc từ chính những người lao động, nhằm hướng đến các lợi ích nghề nghiệp và xuất phát từ quan hệ lao động. Công ước này không phải là văn bản quy định đầu tiên về quyền đình công của người lao động trên thế giới nhưng lại là văn kiện pháp lý mang tầm quốc tế đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Đồng thời, từ quy định này mà nhiều quốc gia trên thế giới đã đương nhiên chấp nhận quyền đình công như Pháp, Phần Lan, Thụy Điển...[1]

          Bên cạnh ICESCR, quyền đình công còn được quy định trực tiếp hoặc gián tiếp trong nhiều công ước khác nhau của ILO. Trong số đó, Công ước số 87 về quyền tự do công đoàn và bảo vệ quyền công đoàn năm 1948 (Freedom of Association and Protection of the Right to Organise Convention) và Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể năm 1949 (Right to Organise and Collective Bargaining Convention) dù không đề cập trực tiếp đến vấn đề đình công nhưng thông qua việc thừa nhận vai trò của tổ chức công đoàn, quyền đàm phán với người sử dụng lao động và bày tỏ quan điểm của họ về các vấn đề kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến quyền lợi nghề nghiệp đã tạo cơ sở quan trọng bảo vệ quyền đình công của người lao động[2]. Nói cách khác, ILO xem đình công là một hình thức biểu hiện của quyền tự do liên kết, hội họp và thương lượng tập thể của người lao động.

          Ngoài hai văn kiện này, ILO còn đề cập đến vấn đề đình công trong Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức năm 1957 (Abolition of Forced Labour Convention). Qua các văn kiện trên cho thấy, quan điểm của ILO là không đặt nặng vấn đề trong việc nêu lên khái niệm hay biểu hiện của đình công, tổ chức quốc tế này dành sự lưu tâm nhiều hơn đến mục tiêu, phạm vi trong việc bảo vệ quyền đình công của người lao động. Điều này là hoàn toàn phù hợp với vị thế và vai trò của một tổ chức quốc tế, ILO chỉ đưa ra định hướng, quan điểm chung nhất về quyền đình công và để lại việc cụ thể hóa cho pháp luật của mỗi quốc gia.

          Ở cấp độ khu vực, quyền đình công được thừa nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quan trọng về quyền con người. Tại châu Âu, đây được xem là một trong những nơi hình thành đầu tiên cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở cấp độ khu vực với các cơ quan quan trọng như: Hội đồng châu Âu (EC), Ủy ban quyền con người trực thuộc Hội đồng châu Âu, Tòa án quyền con người. Ở đây, nhiều văn bản có ý nghĩa thiết thực liên quan đến quyền con người nói chung và quyền đình công của người lao động nói riêng đã ra đời. Trong đó, Công ước châu Âu về bảo vệ quyền con người và tự do cơ bản (Convention for the Protection of Human Rights and Fundamental Freedoms) năm 1950 và Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu (Charter of Fundamental Rights of the European Union) năm 2000 đã đề cập đến quyền đình công như một quyền cơ bản của con người.

          Ở các khu vực khác, quyền đình công cũng đã được đề cập trong nhiều văn kiện quan trọng như: Điều 29 Hiến chương của Liên minh các quốc gia Ả Rập về quyền con người (Arab Charter on Human Rights) năm 1994, Điều 45 Hiến chương của tổ chức các quốc gia châu Mỹ (Charter of the Organization of American States) năm 1948, Điều 8 Nghị định thư San Salvador bổ sung Hiến chương châu Mỹ về quyền con người về kinh tế, xã hội và văn hoá (Additional Protocol to the American Convention on Human Rights in the Area of Economic, Social, and Cultural Rights) năm 1988… Các văn kiện pháp lý này đều thừa nhận quyền đình công như là một quyền tự vệ của người lao động nếu như có sự xung đột về lợi ích xảy ra đối với người sử dụng lao động; đồng thời, yêu cầu các quốc gia phải đảm bảo quyền đình công và chỉ có thể hạn chế quyền này theo quy định của pháp luật quốc gia nhằm đảm bảo trật tự công cộng, tình hình sức khỏe cộng đồng…

          Từ việc tham gia phê chuẩn, ký kết các văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực, nhiều quốc gia trên thế giới đã nội luật hóa quyền đình công. Quyền đình công có thể được ghi nhận trong Hiến pháp như Mexico, Pháp, Ý… hoặc được điều chỉnh trực tiếp trong pháp luật về lao động như Philipines, Thái Lan, Việt Nam… Chẳng hạn, Điều 40 Hiến pháp Ý năm 1947 ghi nhận: “Quyền đình công được thực hiện trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật”. Như vậy, có thể thấy được rằng, quyền đình công không còn là một vấn đề xa lạ đối với pháp luật các quốc gia trên thế giới. Đình công chịu sự điều chỉnh từ văn kiện pháp lý ở cấp độ quốc tế, khu vực cho đến mỗi quốc gia, cho thấy đây là một tập quán quốc tế được sự công nhận và thi hành bởi các nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Liên hợp quốc, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966
  2. Liên hợp quốc, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966
  3. Tổ chức Lao động quốc tế, Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động năm 1998
  4. Tổ chức Lao động quốc tế, Công ước số 87 về quyền tự do công đoàn và bảo vệ quyền công đoàn năm 1948
  5. Tổ chức Lao động quốc tế, Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể năm 1949
  6. Tổ chức Lao động quốc tế, Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức năm 1957
  7. Liên minh châu Âu, Công ước châu Âu về bảo vệ quyền con người và tự do cơ bản năm 1950
  8. Liên minh châu Âu, Hiến chương về các quyền cơ bản năm 2000
  9. Liên minh các quốc gia Ả Rập, Hiến chương về quyền con người năm 1994

[1] Lê Thị Hoài Thu, 2005. Một số vấn đề pháp lý về đình công ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế - Luật, T.XXI, Số 1

[2] Sevais, J., 1984. ILO standards on freedom of association and their implementation. International Labour Review, Vol. 123(6)