Xuất bản thông tin

null Tìm hiểu về phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài viết Tin tức - Sự kiện

Tìm hiểu về phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ths. Phạm Thị Mỹ Nhung – Khoa LLCS

Ths. Tống Hoàng Huân – Khoa XDĐ

---------------------

Phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, dân tộc ta; là tấm gương sáng để mỗi người chúng ta học tập và noi theo. Việc học tập theo và làm theo phong cách của Hồ Chí Minh nói chung, phong cách ứng xử nói riêng là một giải pháp quan trọng, thiết thực góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Qua đó, qua đó mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện có hiệu quả lời nói đi đôi với làm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống giản dị trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân... hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là hệ thống ứng xử xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, thể hiện tầm vóc trí tuệ lớn lao cùng tình cảm sâu sắc của Người; đa dạng, phong phú và hấp dẫn, trong đó nổi bật là tính nhất quán về mục tiêu, nguyên tắc ứng xử rất độc đáo, chứa đựng cả giá trị dân tộc. Đó là sự hài hoà giữa văn hoá ứng xử phương Đông, phương Tây – đó là kiểu ứng xử văn hóa, có lý, có tình hài hòa, nhuần nhị; trong đó hạt nhân chủ yếu là mục đích vì nhân dân, vì dân tộc mình nói riêng và nhân loại tiến bộ nói chung. Hồ Chí Minh am tường 5 cái biết trong ứng xử của người phương Đông: tri kỷ (biết mình), tri bỉ (biết người), tri thời (biết thời thế), tri túc (biết chừng mực), tri biến (biết biến đổi – dĩ bất biến, ứng vạn biến). Có thể khẳng định; lịch sử dân tộc đã trải qua bao thăng trầm, mãi cho đến ngày hôm nay phong cách ứng xử của Bác Hồ luôn là chuẩn mực để thế hệ nối tiếp thế hệ học tập và làm theo; định hướng con người có những cách ứng xử phù hợp, tinh tế đạt đến chuẩn mực chân – thiện – mỹ. Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh thể hiện qua một số nội dung sau:

Một là, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp:

Bác  luôn luôn khiêm tốn, nhã nhặn lịch thiệp, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, luôn quan tâm chu đáo đến những người chung quanh. Trong quá trình chỉ đạo kháng chiến Bác sống hòa mình với nhân dân, chiến sĩ; cùng ăn, cùng ở, cùng hoạt động cách mạng với bộ đội. Khi tiếp xúc với quần chúng thì gần gũi, chân tình như người bác, người cha, người ông, không hề có sự phân cách giữa lãnh tụ và nhân dân. Trong sinh hoạt, Bác làm việc trong căn nhà sàn đơn sơ, bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su và những vật dụng sinh hoạt như của một người bình thường. Song, mọi thứ xung quanh Bác tưởng chừng bình thường nhưng lại rất đổi phi thường làm nên phong cách đáng quý của Bác. Bác Hồ dạy chúng ta trong ứng xử cần phải có thái độ khiêm nhường – đó là một phẩm chất văn hóa, càng có văn hóa càng phải khiêm nhường

Hai là, chân tình, nồng hậu, tự nhiên.

Sự chân thành, ân cần, nồng hậu của Bác Hồ đã xóa bỏ mọi nghi thức, mọi khoảng cách, kể cả đó là khoảng cách quốc gia, dân tộc, tôn giáo. Sự chân tình của Bác làm cho bất kỳ ai khi tiếp xúc cũng cảm nhận được bằng trái tim bằng tình cảm chân thực, tự nhiên. Đó là nét nổi bật trong phong cách ứng xử của những nhà văn hóa lớn của mọi thời đại. Khi gặp gỡ mọi người, với lời chào chân tình, nụ cười niềm nở, cử chỉ thân thiện; Người đã xóa bỏ mọi sự cách biệt về chức vụ, địa vị, giữa cấp trên cấp dưới, giữa lãnh tụ với nhân dân, làm cho mọi người cảm nhận được sự bình đẳng hoàn toàn giữa những con người tự do và dân chủ.

Ba là, linh hoạt, chủ động, biến hóa

 Cách ứng xử của Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý trí sáng suốt, linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm chước cái nhỏ. Trong rất nhiều tình huống, kể cả khi đối mặt với kẻ trộm, với quân địch, sự linh hoạt trong cách ứng xử của Bác đã thu phục, cảm hóa biết bao con người. Từ những cá nhân có suy nghĩ, hành động không đúng đắn trở thành người phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Năm 1946, trước khi lên đường thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm tay và dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhà cách mạng lão thành, quyền Chủ tịch nước: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ ở cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. [Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.216]

Bốn là, yêu thương, tôn trọng mọi người

Sinh thời, trong mọi ứng xử của Bác đều xuất phát từ lòng yêu thương con người mà ra. Tình yêu thương, sự tôn trọng mọi người của Bác không giới hạn  bất kỳ một tầng lớp, thành phần nào trong xã hội. Từ các cụ già, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ, các chiến sĩ ngoài mặt trận, các đoàn dân công…kể cả những người cùng khổ, những người bị áp bức bốc lột trên toàn thế giới.

Trong công tác xây dựng Đảng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phong cách ứng xử của Người cũng thấm đẫm tinh thần nhân văn. Đó là khi tự phê bình và phê bình phải góp ý cho nhau một cách thẳng thắn, có tính xây dựng, vì mục đích, lợi ích chung chứ không vì quan điểm cá nhân mà trù dập, công kích, kéo bè, kéo cánh, nói xấu, hạ bệ lẫn nhau. Đặc biệt là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, tuyệt đối không được dùng sức mạnh của  quyền lực trong ứng xử với quần chúng nhân dân. “Thánh nhân cao hơn thiên hạ vì biết đứng sau thiên hạ” là vì vậy. Nó làm cho Người càng được quần chúng tín nhiệm bởi vì đó là phong cách vừa hiếm có vừa rất đáng tin. Bài học lớn của Bác Hồ là đứng ở đỉnh cao của quyền lực 24 năm – nhưng chưa bao giờ Người ứng xử với nhân dân, với cấp dưới, với những người phục vụ như một người có quyền – Người ứng xử như một người bạn, một người lính phục vụ tổ quốc, một người công bộc phục vụ nhân dân.

Và Bác Hồ bao giờ cũng mong muốn và tạo điều kiện cho những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ….sửa chữa lỗi lầm vì theo Người: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đạp cho tơi bời” [Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập. 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, tr.558].

Tóm lại: Phong cách ứng xử của Người Hồ Chí Minh có một đặc trưng mang dấu ấn riêng, với phong cách đó cho chúng ta thấy chân dung của một vị lãnh tụ đồng thời cũng là một công bộc của nhân dân, vừa có uy lực lại vừa có sức cuốn hút kỳ lạ. Người là nhà chính trị xuất sắc, là nhà thơ mẫn cảm; khẩn trương như một chiến sĩ, thanh thản như một triết gia, mềm dẻo mà cương nghị, cao cả mà thiết thực, vô cùng giản dị mà lại rất mực thanh tao, quan tâm cái lớn, không quên cái nhỏ, thấy rừng và thấy cả từng cây, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: Con người giản dị, vĩ đại ấy cũng là người cực kỳ lịch sự, thanh tao, cao quý trong cách ứng xử với bạn bè quốc tế, với cụ già, phụ nữ, thanh niên và nhi đồng.

Đặc biệt, mỗi chúng ta cần phải nghiêm túc quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng; phải nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ… Để đạt được mục tiêu đó, cần kết hợp có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với việc triển khai và thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống chính trị; nhằm mục tiêu đưa Đảng thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, đủ sức lãnh đạo đất nước hội nhập và phát triển./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo Trung ương, tài liệu học tập Các văn kiện hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở), Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, H.2016

2. Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Tập bài giảng – Chương trình cao cấp cấp lý luận chính trị - hành chính cho đối tượng đào tạo ở Trung tâm Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Phần lý luận Chính trị, khối thứ nhất, Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ CHí Minh nền tảng tư tưởng của Đảng ta (lưu hành nội bộ), Nxb Chính trị - Hành chính, H. 2013

3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh- Học viện Chính trị khhu vực II, Kỷ yếu hội thảo Khoa học: 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), thành phố Hồ Chí Minh tháng 5 năm 2019

4. Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình trung cấp Lý luận Chính trị - Hành chính, Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. LLCT, H.2017,

5. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.216

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập. 12, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 2000, tr.558