ناشر الأصول

null Bài học rút ra sau 25 năm đứng trên bục giảng

Chi tiết bài viết Bài viết

Bài học rút ra sau 25 năm đứng trên bục giảng

 

Ảnh: Học viên Trường Trung cấp nghề Hồng Ngự

ThS. Nguyễn Quốc Bình

Phó trưởng Khoa NNPL

Cán bộ, công chức có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định, triển khai và tổ chức thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quyết định sự thành công hay thất bại của đường lối, chính sách do cơ quan, tổ chức vạch ra. Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực thi các chính sách, kế hoạch của cơ quan, tổ chức; các mục tiêu quốc gia; thực hiện các giao tiếp giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với doanh nghiệp, với người dân. Vì vậy, phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, bên cạnh các khía cạnh khác nhau của công tác tổ chức cán bộ, công chức, viên chức thì việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị, trong đó có đội ngũ giảng viên là cần thiết, là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách.

Từ thực tiễn hoạt động chuyên môn – gắn chặt với công tác giảng dạy, bản thân đã không ngừng tìm tòi nghiên cứu, học hỏi các đồng nghiệp ngoài nội dung phải chuẩn, chính xác thì còn để bổ sung, chỉn chu từng lời nói, cử chỉ, điệu bộ, dáng đứng …khi tác nghiệp trên lớp. Qua thời gian 25 năm công tác, bản thân rút ra được một số bài học trong nghề “Giảng viên” – xin chia sẻ cùng các đồng nghiệp. 

Thứ nhất, “phải có” và không ngừng rèn luyện năng lực sư phạm.

Có ý kiến cho rằng năng lực sư phạm là cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là kiến thức, hoặc cho rằng chỉ cần đọc nguyên văn các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước là đủ, không cần diễn giải hay phân tích. Đây là một quan niệm sai lầm nghiêm trọng. Nếu chỉ đơn thuần đọc và truyền đạt lại nội dung có sẵn, thì bất kỳ ai cũng có thể làm được, và việc đến lớp học trở nên vô nghĩa. Nghề dạy học khác biệt so với nhiều nghề khác ở chỗ: giỏi chuyên môn chưa đủ để trở thành một nhà giáo giỏi, mà còn phải có kỹ năng sư phạm. Những kỹ năng này bao gồm khả năng thuyết trình mạch lạc, phát âm chuẩn xác, và biết cách truyền đạt nội dung sao cho sinh động, dễ hiểu, giúp người học tiếp thu hiệu quả.

- Khả năng thuyết trình: Nghĩa là người giảng viên có kỹ năng nắm bắt vấn đề và dung lượng kiến thức cần thiết, biết sắp xếp vấn đề đó một cách logic, chặt chẽ khi trình bày lồng ghép vào phần, nội dung bài giảng của mình.

- Phát âm chuẩn: Đặc thù các bài giảng trong chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị mang tính lý luận rất cao. Do đó, để truyền tải thông tin đến với học viên, người giảng viên chủ yếu sử dụng phương pháp thuyết trình - đó chính là việc nói rất nhiều trong giờ lên lớp. “Nói” có một vai trò rất quan trọng, vì vậy việc phát âm sai, nói sai của người giảng viên dẫn đến người học viên nghe sai, ghi chép sai, hiểu sai và nguy hại hơn là khi về công tác tại cơ quan, đơn vị họ hành động hoặc truyền đạt thông tin sai lệch, không đúng tinh thần lý luận mang tính khoa học đã được học.

Thứ hai, phải có kỹ năng chuyển hóa kiến thức thành tri thức của mình và truyền cảm hứng cho người nghe.

Ngoài việc tích cực tham gia học tập, nghiên cứu, dự các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên đề khoa học liên quan nội dung đảm nhiệm, nắm hiểu sâu sắc, chính xác ý nghĩa của từng từ, từng câu trong các văn bản của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Đòi hỏi người giảng viên phải biến thành sản phẩm trí tuệ mang tính khoa học của riêng mình và phải tâm huyết với sản phẩm đó.

Nghĩa là, tránh trường hợp thuyết trình qua loa, hình thức, bê nguyên xi hoặc áp đặt tính chủ quan của người giảng viên chứ không phải là quan điểm, tư tưởng của Đảng “linh hồn của Văn kiện” hay “tinh” của pháp luật. Bên cạnh đó, tâm lý của người đi học luôn hướng tới tìm hiểu những gì mà mình chưa biết hoặc hiểu còn mơ hồ, chưa vững chắc và học bằng nhiều cách, nhưng cách thông qua người dạy vẫn được xem là hình thức chủ yếu. Vì vậy, người giảng viên phải nắm vững kiến thức, sâu và rộng hơn người học viên về nội dung mình đang truyền đạt. Đồng thời phải có khả năng “truyền lửa” tính thẩm thấu cho người học.

Thứ ba, phải nắm vững và biết vận dụng linh hoạt, khoa học các phương pháp giảng dạy.

 Nắm chắc các phương pháp giảng dạy và vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với tâm lý của học viên trong buổi học. Có như vậy, buổi học trở nên sinh động, thu hút sự lắng nghe và tiếp thu nội dung giảng viên muốn truyền tải đạt hiệu quả cao. Hiện nay, thông thường là một chiều, người giảng viên đặt câu hỏi – học viên trả lời, nội dung câu hỏi luôn nằm trong kiến thức chuẩn bị của giảng viên, học viên không biết và không cần đào sâu vấn đề đó hoặc không hưng phấn phát biểu. Cho nên cần phải tạo cho người học tự tin tham gia cùng “nghiên cứu” nội dung trong buổi học, mạnh dạn nêu vấn đề, câu hỏi, tranh luận, chứng minh … nghĩa là biến người học thành người ra câu hỏi, người giảng viên là người trả lời và điều khiển buổi học trong vòng quỹ đạo chương trình, đưa ra kết luận cuối cùng về nội dung đó.

Thứ tư, phải có kỹ năng giao tiếp, năng lực tự chủ, chủ động trong quá trình đối thoại với người học.

Hiện nay, phương châm trong giáo dục là lấy người học làm trung tâm và giảm bớt “đọc giảng” của người giảng viên, tăng cường đối thoại với học viên để tìm và cung cấp những điều học viên chưa biết, chưa hiểu, đây là hướng đi đúng. Tuy nhiên, đối với nội dung mà người giảng viên Trường Chính trị đảm nhận mang tính lý luận khoa học xã hội và các tình huống người học đặt ra xuất phát từ thực tiễn cuộc sống hằng ngày nên rất đa dạng, phong phú. Do đó, nếu người giảng viên không có bản lĩnh, năng lực sẽ dẫn đến hai tình huống không được có xảy ra:

- Bị cuốn hút theo những nội dung mà học viên đặt ra, nên đi lệch nội dung bài giảng muốn truyền tải trong buổi học.

- Trả lời không chính xác hoặc có phản ứng thái quá với học viên. Làm mất niềm tin hoặc ức chế tâm lý học viên trong buổi học.

Tóm lại, thông qua trao đổi, học hỏi từ các đồng nghiệp và thực tiễn tham gia công tác giảng dạy đối với các lớp từ đào tạo đến bồi dưỡng mở tại Trường cũng như xuống cơ sở, bản thân có vài ý kiến mang tính trao đổi, rất mong nhận được nhiều ý kiến từ đồng nghiệp, các bạn để mở rộng tầm hiểu biết, nâng cao kiến thức về mặt chuyên môn lẫn thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nội dung bài giảng theo chương trình quy định./.