ناشر الأصول

null Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những chỉ dẫn quý báu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những chỉ dẫn quý báu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

ThS. Nguyễn Văn Hổ

Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

          Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam kiên cường, trong sạch, vững mạnh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và khẳng định vị thế, tiềm lực nước ta sau gần 40 năm đổi mới. Năm 2024, Đảng ta kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc đối với Người. Di chúc của Bác là tài sản tinh thần của toàn thể dân tộc Việt Nam, là kết tinh của tư tưởng, tình cảm, giá trị truyền thống của dân tộc và ý chí, bản lĩnh của Người Cộng sản kiên trung. Đặc biệt, Di chúc của Người còn là chỉ dẫn quý báu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thể hiện tầm vóc vĩ đại, mang đậm giá trị lý luận - thực tiễn và tính thời đại sâu sắc.

Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định 06 phương hướng trong công tác xây dựng Đảng, trong đó nhấn mạnh: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”[1], đây được xem là các mặt công tác trọng yếu về xây dựng Đảng, được kế thừa, hoàn thiện và phát triển trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xác mục tiêu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm: “Tạo bước phát triển mới của Đảng về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, ngày càng được nhân dân tin tưởng; đủ uy tín và năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; đồng thời xác định 05 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình”[2] đứng ở vị trí hàng đầu trong việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” hiện nay.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ quan trọng cơ bản, chiến lược, lâu dài, cấp bách và thường xuyên, đồng thời, thể hiện sự quyết tâm của Đảng ta trong việc thực hiện trọn vẹn Di chúc của Người căn dặn: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Xây dựng Đảng nhằm giữ cho Đảng luôn trong sạch gắn với kiên quyết, kiên trì đưa những cá nhân không còn đủ tư cách, phẩm chất của người đảng viên ra khỏi Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng vừa là tâm nguyện, vừa là chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đảng ta qua Di nguyện của Người. Với những căn dặn ngắn gọn, cô đọng nhưng đầy tâm huyết thực sự trở thành những định hướng quan trọng được Đảng ta cụ thể hóa trong công tác xây dựng Đảng ta hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, là biểu tượng của lòng trung thành không lay chuyển với lý tưởng cộng sản. Từ lúc tập hợp lực lượng, giáo dục, xây dựng nền tảng tư tưởng chính trị cho Đảng, Người khẳng định: “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[3]. Cho đến những giây phút cuối cùng, niềm tin thắng lợi của cách mạng vô sản, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong thời khắc đầy cam go, quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Người vẫn tin tưởng rằng: “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”. Và khi sắp rời khỏi chúng ta, Người tâm nguyện “…Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Nghiên cứu về Di chúc, chúng ta cảm nhận chiều sâu về tâm hồn, về những tình cảm đặc biệt của Người đối với các lãnh tụ cách mạng vô sản, Người viết: “Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác…”, Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực, tuyệt vời trong việc bảo vệ, vận dụng đúng đắn, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Kế tục di huấn của Người, Đảng ta khẳng định: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”[4], giải quyết hài hòa giữa kiên định và vận dụng sáng tạo, đồng thời chú ý bổ sung, phát triển sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Kế tục tư tưởng, tâm nguyện của Người, Đảng ta tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn, tăng cường đoàn kết thống nhất, giữ gìn Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó xác định: “…đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”[5]. Người nhấn mạnh: “….thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, từ đó cho thấy việc tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên và cần phải có kế hoạch cụ thể, phải sơ kết, rút kinh nghiệm. Trong tự phê bình và phê bình phải “nghiêm chỉnh”, không vì kế hoạch mà hình thức, qua loa, cho xong …., vì có thực sự nghiêm thì mới phát huy hết giá trị to lớn và ý nghĩa quan trọng của tự phê bình và phê bình. Đọc và suy ngẫm những từ trong Di chúc của Bác chúng ta sẽ dần nhận thức được chiều sâu về tư tưởng và tâm hồn của một bậc vĩ nhân nhưng bình dị, như lời tâm sự của một người đã suốt đời hiến dâng cho Tổ quốc và Nhân dân.

Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý người đứng đầu các cấp là hết sức quan trọng. Từ Đại hội lần thứ XII của Đảng ta xác định nội dung xây dựng Đảng về đạo đức thành một trong các nội dung trong công tác xây dựng Đảng thể hiện tầm quan trọng, sự cấp thiết ảnh hưởng đến tồn vong của xây dựng Đảng. Qua đó thể hiện tầm nhìn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Đảng về đạo đức. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lưu ý: “Nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ công chức, viên chức rèn luyện…”[6] được xem như giải pháp, nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ góp phần vào xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, là đạo đức, là văn minh. Đặc biệt, Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, là sự kế thừa, bổ sung và phát triển trên nền tảng những phẩm chất đạo đức cách mạng theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cụ thể hóa thành những chuẩn mực, yêu cầu, khuôn khổ để mỗi cán bộ, đảng viên tích cực tu dưỡng và rèn luyện, tạo nên nền tảng vững chắc cho vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta bằng sự cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và kiến thiết xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tình yêu thương bao la, vô bờ bến, là những tình cảm, niềm tin chứa đựng tâm nguyện và ý chí của một người chiến sĩ cách mạng vĩ đại suốt đời vì nước vì dân. Di chúc của Người là một công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền, những chỉ dẫn, định hướng quý báu đến nay vẫn còn mang tính thời sự và nhân văn sâu sắc. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và quyết tâm thực hiện Di chúc của Người mãi là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, soi đường, dẫn dắt sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước đi đến thắng lợi, xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, hiện thực mong muốn của Bác Hồ kính yêu về việc nước ta sẽ sánh ngang vai với các cường quốc năm châu.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, tập II Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2024) Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

4. Ban Tuyên giáo Trung ương (2024) Hướng dẫn số 161-HD/BTGTW ngày 29/7/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về Tuyên truyền kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024) và 55 năm Ngày mất của Người (02/9/1969-02/9/2024).

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15 (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tr.619-tr.624).


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tr.180.

[2] Ban Chấp hành Trung ương (2021), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện, “tự diện biến”, “tự chuyển hóa”.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 2, tr. 267.

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 180.

[5] Ban Chấp hành Trung ương (2021), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện, “tự diện biến”, “tự chuyển hóa”.

[6] Ban Chấp hành Trung ương (2021), Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện, “tự diện biến”, “tự chuyển hóa”..