ناشر الأصول

null Nâng cao nhận thức chính trị cho công đoàn viên tỉnh Đồng Tháp trong tình hình mới

Chi tiết bài viết Bài viết

Nâng cao nhận thức chính trị cho công đoàn viên tỉnh Đồng Tháp trong tình hình mới

ThS.Nguyễn Bích Ngọc

                                                                         Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Trong sự nghiệp cách mạng của nước ta, Công đoàn Việt Nam giữ vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết lực lượng giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và người lao động thực hiện các mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Qua gần 40 năm đổi mới phát triển đất nước, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động tỉnh Đồng Tháp đã trưởng thành rất nhiều về bản lĩnh chính trị và nhận thức cách mạng, ngày đêm ra sức học tập, lao động và có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đến nay, số lượng đội ngũ công chức, viên chức, công nhân, lao động đã tăng nhiều cả trong và ngoài khu vực nhà nước, trong đó công đoàn viên khối doanh nghiệp chiếm khá lớn. Theo thống kê, hiện nay Liên đoàn Lao động Tỉnh  đang quản lý 16 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (Liên đoàn Lao động huyện, thành phố, 03 công đoàn ngành và công đoàn các khu công nghiệp, khu kinh tế) và 21 công đoàn cơ sở trực thuộc, với tổng số 1.374 công đoàn cơ sở và 87.656/90.673[1] đoàn viên công đoàn, trong đó, số Ủy viên Ban chấp hành có trình độ sơ cấp chính trị là 1.953 người, trung cấp là 1.496 người và cao cấp là 789 người, số trong biên chế nhà nước là 69/71 người[2]. Thời gian qua, nhằm nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công nhân, viên chức, lao động, các cấp công đoàn đã thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đoàn viên của tỉnh qua từng năm. Nhìn chung, đa số đoàn viên công đoàn có nhận thức tốt về vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn đối với sự nghiệp đổi mới xây dựng và phát triển đất nước, ý thức tốt về yêu cầu nguồn nhân lực lao động trước bối cảnh hội nhập, ra sức phấn đấu học tập và rèn luyện để tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm cống hiến đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong nhiều năm qua, đưa Đồng Tháp trở thành một trong những tỉnh thành có tốc độ phát triển nhanh trên bình diện cả nước, nhiều năm liền nằm trong tốp đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, vv...Tuy nhiên, trước sự tác động sâu sắc của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập sâu rộng, một bộ phận không nhỏ công đoàn viên dao động về tư tưởng chính trị, phai nhạt dần về lý tưởng, xa rời bản chất tiên phong của giai cấp công nhân, dễ bị sa vào chủ nghĩa thực dụng, xem trọng lợi ích cá nhân, dễ bị lôi kéo theo lối sống hưởng thụ. Những cá nhân bị suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật bị xử lý thời gian qua là hệ quả từ sự tha hóa đó. Đây chính là vấn đề đáng quan tâm liên quan trách nhiệm quản lý, giáo dục công đoàn viên của tổ chức công đoàn các cấp, đặt ra nhiệm vụ cấp bách về công tác bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ công đoàn viên nhất là cán bộ công đoàn trong thời gian tới.

Xuất phát từ thực tiễn trên, việc bồi dưỡng nâng cao nhận thức cách mạng và trình độ lý luận chính trị cho công đoàn viên, nhất là cán bộ công đoàn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hoạt động công đoàn trong giai đoạn hiện nay, bởi điều này sẽ giúp công đoàn viên và cán bộ công đoàn kiên định với lý tưởng cách mạng, giữ vững lập trường giai cấp, hun đúc quyết tâm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo truyền thống Công đoàn Việt Nam. Bên cạnh đó, một khi nhận thức sâu sắc về chính trị, công nhân, viên chức, lao động sẽ luôn ý thức sống và làm việc theo pháp luật, ý thức được trách nhiệm bảo vệ lợi ích quốc gia, không để xảy ra tình trạng bất ổn với các cuộc đình công, bãi công, gây rối hay bị các thế lực thù địch và bọn phản động lôi kéo, xúi giục với âm mưu “diễn biến hòa bình”. Việc bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ công đoàn viên cần phải được thực hiện thường xuyên, dưới nhiều hình thức, tập trung vào các nội dung có ý nghĩa chính trị thiết thực.

          Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục công nhân, viên chức, lao động về ý chí kiên định với lý tưởng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức về truyền thống lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, về truyền thống Công đoàn Việt Nam từ khi có Đảng đến nay. Đây là những bài học cần thiết để đoàn viên công đoàn nhận thức sâu sắc về bản chất giai cấp, về giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò của công đoàn viên đối với sự nghiệp cách mạng. Càng nâng cao nhận thức chính trị, công đoàn viên sẽ càng ra sức cống hiến công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của nhà nước, duy trì ý chí cách mạng để không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, biến mỗi công đoàn viên thành một chiến sĩ xông pha trên mặt trận kinh tế, mặt trận khoa học – công nghệ thời kỳ cách mạng 4.0, đưa sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước sớm đi đến thành công.

Thứ hai, tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho công đoàn viên và cán bộ công đoàn với những kiến thức về các quan điểm, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, giúp họ nâng cao ý thức chấp hành, sống và làm việc theo pháp luật, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đối với cán bộ công đoàn, tập trung bồi dưỡng kỹ năng tập hợp, quản lý và giáo dục đoàn viên; kỹ năng giám sát và phản biện xã hội đối với chính quyền trong việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động, nhận thức rõ mối quan hệ phối hợp với chính quyền hay quản lý doanh nghiệp trong việc thực hiện dân chủ cơ sở, chăm lo đời sống, đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm việc, ngăn ngừa tình trạng mất dân chủ, bất bình đẳng giữa nhà quản lý với người lao động. Thực tiễn cho thấy, chính những hạn chế về lý luận chính trị và kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn thường để phát sinh những hành động bộc phát trong đội ngũ công nhân và người lao động qua các cuộc kích động biểu tình, đình công, bãi công gây bất ổn xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thứ ba, tuyên truyền, giáo dục công đoàn viên ý thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch và bọn phản động, cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “Diễn biến hòa bình” để không bị lợi dụng, lôi kéo gây rối phá hoại an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội bằng các cuộc đình công, biểu tình, các hoạt động bạo loạn lật đổ hoặc tuyên truyền, xuyên tạc bôi nhọ lịch sử cách mạng Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tuyên truyền, giáo dục người lao động tinh thần phát huy những giá trị cao đẹp của tính cách người Việt Nam, truyền thống văn hoá dân tộc, xây dựng văn hóa con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, thúc đẩy tinh thần tiếp thu những thành tựu tiên tiến của văn minh nhân loại vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Thứ tư, công tác bồi dưỡng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động tỉnh Đồng Tháp cần phải được thực hiện cho tất cả công đoàn viên hàng năm. Các cán bộ công đoàn phải được bồi dưỡng tập trung ở Trường Chính trị hay ở các Trung tâm chính trị các địa phương với các chuyên đề về lý luận chính trị, các nghiệp vụ quản lý công đoàn viên, cập nhật các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng phục vụ yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với công đoàn viên, việc bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục cũng phải được thực hiện thường xuyên ngay tại các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức: Tổ chức nói chuyện chuyên đề, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, thông tin về các chính sách, pháp luật của nhà nước, phát động các cuộc thi tìm hiểu kiến thức, tuyên truyền qua các panô, áp phích, các khẩu hiệu v.v...

          Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Đồng Tháp đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với bản lĩnh, trí tuệ và sự đoàn kết chặt chẽ, nhiều thế hệ công đoàn viên đã thực sự là những chiến sĩ cách mạng kiên trung trên mọi mặt trận, trưởng thành và phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Trong bối cảnh hội nhập với nhiều khó khăn, thách thức hiện nay, công đoàn viên Đồng Tháp đang đứng trước yêu cầu cao hơn nữa về bản lĩnh chính trị, nhận thức sâu sắc hơn nữa về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, về giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ công đoàn viên của tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm giải quyết những yêu cầu trên mà trách nhiệm trước hết là ở sự chỉ đạo, định hướng của các cấp ủy đảng, sự quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ công đoàn viên của lãnh đạo công đoàn các cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở, chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng chính trị và cập nhật kiến thức cho cán bộ công đoàn hàng năm nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh khóa XI về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chương trình số 07/CTr-LĐLĐ ngày 16/01/2019 của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn giai đoạn 2018-2023.

2. Kế hoạch số 59/KH-LĐLĐ ngày 05/8/2022 của Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp về việc thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh khóa XI về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khóa XI về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.


[1] Nguồn: Liên đoàn Lao động Tỉnh năm 2024

[2] Nguồn: Liên đoàn Lao động Tỉnh năm 2024