ناشر الأصول

null Phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng chi bộ bốn tốt

Chi tiết bài viết Bài viết

Phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng chi bộ bốn tốt

ThS. Nguyễn Văn Hiền

 Khoa Lý luận cơ sở

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Người luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng ta để xứng đáng trở thành nhân tố lãnh đạo. Theo Người, công tác xây dựng Đảng bắt đầu từ chi bộ đảng. Ngày 31 tháng 10 năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “NHỮNG CHI BỘ TỐT VÀ CHI BỘ CHƯA TỐT” đăng trên báo Nhân dân, số 3503, Người xác định: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”[1]

Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn Đảng ta “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[2]. Những di huấn của Người đã trở thành kim chỉ nam có ý nghĩa rất lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đảng ta cũng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến công tác xây dựng Đảng. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp đã lãnh đạo, triển khai thực hiện mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt”. Qua triển khai thực hiện, nhiều chi, đảng bộ đã có những chuyển biến tích cực, nhiều mô hình hoạt động của chi bộ, đảng bộ đã đem lại nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Từ đó, mô hình “Chi bộ bốn tốt” góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Thời gian qua Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp cũng đã lãnh đạo, quán triệt triển khai thực hiện trong toàn đảng bộ thực hiện Nghị quyết của cấp ủy cấp trên với tinh thần đoàn kết, quyết tâm để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, trong đó hướng đến xây dựng chi bộ đạt “Chi bộ bốn tốt”, đảng bộ đạt “Đảng bộ bốn tốt”. Đây cũng là mục tiêu đặt ra đối với các chi bộ hiện nay của Đảng bộ Trường cần phải hướng đến thực hiện đạt “chi bộ bốn tốt”. Do vậy, để đạt được chi bộ bốn tốt cần phải tiếp tục phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong chi bộ, đặc biệt là tinh thần đoàn kết để góp phần xây dựng “chi bộ bốn tốt”

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”[3]. Do đó đoàn kết, thống nhất trong tổ chức chi bộ Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách đối với chi bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

1. Phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trên nguyên tắc tập trung dân chủ.

Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc rường cột trong công tác xây dựng Đảng, là nguyên tắc quan trọng nhất của Đảng mácxít chân chính. Đối với hoạt động của Đảng, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, là nhân tố bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của các đảng viên trong tổ chức đảng. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ chính là vừa phát huy dân chủ, quy tụ được sức mạnh, trí tuệ của tập thể, vừa bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nhưng đồng thời phải giao cho cá nhân phụ trách. Theo Người, “Tập trung trên nền tảng dân chủ”“Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung”[4]. “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”[5]

Để đoàn kết thực sự trong chi bộ, phát huy hết vai trò trách nhiệm của đảng viên cần phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Từ đó, phát huy được trí tuệ tập thể của từng đảng viên và vai trò của mỗi đồng chí trong việc xây dựng “chi bộ bốn tốt”. Các đồng chí trong Chi ủy, Bí thư, Phó Bí thư cần phải đưa ra tập thể bàn bạc các chủ trương quan trọng và sẽ quyết định do ý kiến tập thể. Các đồng chí Bí thư, Phó bí thư cần bình tĩnh, lắng nghe những ý kiến của đảng viên, những ý kiến khác nhau của đảng viên cần phải được đưa ra, đồng thời tiếp thu thẳng thắn những ý kiên nói thẳng và cần trải qua thảo luận dân chủ để đi tới mục tiêu chân lý. Khi chi bộ đã thảo luận dân chủ đi đến biểu quyết thành nghị quyết theo ý kiến đa số thì thiểu số phải phục tùng và chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của chi bộ. Những ý kiến khác có thể được quyền bảo lưu ý kiến của mình. Tuy nhiên, người có ý kiến bảo lưu không được phép tuyên truyền và có những hành động khác với nghị quyết chi bộ thông qua. Các đảng viên khác cũng không được thành kiến với đồng chí của mình có ý kiến bảo lưu và phải xem đó là quy định theo Điều lệ Đảng. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh chỉ như một người”[6] và nhờ vậy ““Cách mạng nhất định thành công” - Ta thành công chính vì ta đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng”[7].

2. Phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trên cơ sở tự phê bình và phê bình trong nhiệm vụ chính trị được phân công

Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh phương châm đoàn kết là lấy cái chung, đề cao cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt. Người còn chú trọng thực hiện đoàn kết gắn với đấu tranh, đấu tranh để tăng cường đoàn kết để làm sao mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thật sự nghĩa là vừa đoàn kết vừa đấu tranh, học những cái tốt của nhau, phê bình những cái sai của nhau. Bác nói: “Tự phê bình rồi lại phê bình người khác nữa: Ví dụ Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ nể “cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán không quan trọng, những nếu có vết nhọ trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người... Thấy cái xấu của người mà không phê bình là khuyết điểm rất to, không phê bình tức là để cái xấu người ta phát triển lên”[8].

Về cách phê bình, Người chỉ rõ: “Mục đích phê bình là cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt để đoàn kết thống nhất nội bộ.

Vì vậy phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt, phải vạch rõ cả ưu điểm, khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người.

Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì phê bình mà nãn chí, hoặc oán ghét”[9].

Do đó, trong nhiệm vụ chính trị được phân công, mỗi đảng viên phải nghiêm túc tiếp thu tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình để góp phần xây dựng chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh. Mỗi đảng viên cần mạnh dạn nhìn nhận những ưu điểm, thành tích về kết quả nhiệm vụ được phân công, nhưng đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót mà bản thân chưa thực hiện tốt. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Những người bị phê bình (cán bộ hoặc cơ quan), thì phải thật thà tự kiểm thảo trước quần chúng (đăng lên báo), phải quyết tâm sửa đổi. Đè nén phê bình, hoặc phớt phê bình, cũng là tội lỗi”[10]. Qua đó, đồng chí minh sẽ chỉ ra những ưu điểm và hạn chế mà bản thân chưa thấy. Từ đó, sẽ có giải pháp để sửa chữa góp phần thực hiện hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Mỗi đồng chí đảng viên trong chi bộ thực hiện tốt sẽ giúp cho bản thân mỗi đồng chí tiến bộ, đồng thời giúp cho cho bộ ngày càng vững mạnh. Đó cũng là nhân tố thúc đẩy việc xây dựng “chi bộ bốn tốt” đạt kết quả.

3. Phát huy đoàn kết thống nhất có tính tự giác có tổ chức trong chi bộ

Hồ Chí Minh chú ý đến các vấn đề đoàn kết mang tính tự giác trong tổ chức, nhất là trong công việc, từng cán bộ, đảng viên trong các cơ quan tổ chức của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể phải nghiêm chỉnh chấp hành với tinh thần tự giác, nhưng phải có tính tổ chức kỷ luật chặt chẽ

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh tự giác không có nghĩa là tự giác vô tổ chức, tự theo ý mình làm, tự giác theo Người là nhằm phát huy trí tuệ của toàn bộ con người Việt Nam, khi đã vào tổ chức thì tinh thần ấy vẫn được phát huy với dân chủ cao độ, nhưng phải có tổ chức, có kỷ cương, kỷ luật. Đối với Người, kỷ luật trong tổ chức là rất quan trọng nhưng không phải bắt buộc mà là mang tính tự nguyện, như trong tổ chức đảng kỷ luật từ tính chất của Đảng là tổ chức tự nguyện nên: “kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng”[11], “Mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật chẳng những kỷ luật của Đảng mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng”[12]. Có như vậy mới đảm bảo “tư tưởng thống nhất, hành động thống nhất”. Nếu không có tư tưởng thống nhất, hành động thống nhất thì ý chí sẽ lung lai, kỷ luật trở nên lỏng lẻo, sự đoàn kết bị buông lỏng dẫn đến sức mạnh tất nhiên sẽ yếu.

Do đó đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác đối với nhiệm vụ chính trị, tích cực chủ động đoàn kết với nhau trong thực hiện nghị quyết của chi bộ. Bản thân đảng viên phải ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đóng góp đối với việc xây dựng chi bộ. Luôn giữ đúng tính kỷ luật của Đảng, nghiêm túc chấp hành sự phân công của chi bộ, chi ủy trên tinh thần tự giác đối với nhiệm vụ chính trị được phân công, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ và phát huy tính nêu gương của người đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chi bộ tốt thì mọi công việc đều tốt”. Xây dựng chi bộ ngày càng trọng sạch, vững mạnh là yêu cầu rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Do đó, cần giữ gìn, củng cố phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong chi bộ, coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, coi trọng rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên sẽ góp phần xây dựng tốt sự đoàn kết, thống nhất để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh và hoàn thành nhiệm vụ đạt “chi bộ bốn tốt”


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr 193

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr 611

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.119

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.286

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.620

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.17

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 14, tr.575

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.260

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.272

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.140

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.290

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.33