ناشر الأصول

null Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huyện Tháp Mười vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

Chi tiết bài viết Bài viết

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huyện Tháp Mười vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

                                                   Ths. Tống Hoàng Huân, khoa Xây dựng Đảng

                                                            Ths Mai Quang Khả, Phòng QLĐT và NCKH

Huyện Tháp Mười nằm ở phía đông của tỉnh Đồng Tháp. Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, đến nay huyện có 12 xã: Hưng Thạnh, Trường Xuân, Mỹ Hòa, Tân Kiều, Đốc Binh Kiều, Mỹ An, Phú Điền, Thanh Mỹ, Mỹ Quí, Mỹ Đông, Láng Biển, Thạnh Lợi và thị trấn Mỹ An. Năm 2020, huyện có tổng dân số 131.823 người. Huyện nằm phía Đông của tỉnh Đồng Tháp cách trung tâm tỉnh lỵ (thành phố Cao Lãnh) 32km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 110km. Tổng diện tích tự nhiên là 53.365,03ha, chiếm 15,77% diện tích toàn tỉnh, vị trí tiếp giáp như sau: Phía Bắc giáp tỉnh Long An; Phía Nam giáp huyện Cao Lãnh và tỉnh Tiền Giang; Phía Đông giáp tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang; Phía Tây giáp huyện Tam Nông và huyện Cao Lãnh.

Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tháp Mười luôn chung tay đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển, từ một huyện thiếu đói về lương thực, nay trở thành huyện có lượng lúa lớn nhất cả tỉnh phục vụ cho mục đích xuất khẩu, đồng thời cũng là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tháp Mười khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 đã nhận được sự quan tâm của Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh; sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy; phối hợp chặt chẽ của chính quyền; sự nỗ lực phấn đấu của hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên từ huyện đến cơ sở; sự đồng thuận của Nhân dân, góp phần quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng lên, hệ thống chính trị và khối đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường. MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức thành viên luôn quan tâm đổi mới hình thức, nội dung và chất lượng thông tin tuyên truyền nhằm tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu xây dựng quê hương Tháp Mười đạt và giữ vững nông thôn mới nâng cao bằng một số hoạt động thiết thực.

 “Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân tộc” nhân dịp Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11 hàng năm được tổ chức đều khắp ở 62 ấp, khóm trên địa bàn toàn huyện, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực tạo khí thế vui tươi, thắt chặt tình đoàn kết trong từng cộng đồng dân cư, góp phần tăng cường tập hợp Nhân dân, thắt chặt mối liên hệ giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận với Nhân dân. Nhân Ngày hội, các hoạt động an sinh xã hội, các công trình, phần việc thiết thực được thực hiện như: tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, bàn giao nhà đại đoàn kết, tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, trao khen thưởng cho 116 tập thể, 4.945 cá nhân tiêu biểu, tổng kinh phí xã hội hóa thực hiện các hoạt động “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” trên 5,8 tỷ đồng.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng thiết thực và hiệu quả. Thông qua Cuộc vận động, đã khuyến khích người dân tích cực liên kết sản xuất, tham gia vào hợp tác xã, các tổ hợp tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho gia đình[1], giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua đó, góp phần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu, tỷ lệ bình xét đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”, ấp “Ấp văn hóa nông thôn mới”, “Khóm văn minh đô thị” được giữ vững hàng năm.[2]

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Mặt trận các cấp trong huyện đã chủ trì, tập trung vận động xã hội hóa các nguồn lực trong và ngoài huyện, như: hiến đất để xây dựng cầu, đường, chỉnh trang nông thôn, vệ sinh môi trường… với tổng giá trị trên 38,35 tỷ đồng[3]. Ngoài ra, nhiều mô hình mới, cách làm hay của Mặt trận và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng nông thôn mới được nhân rộng,[4] góp phần giữ vững các tiêu chí xã, huyện nông mới hàng năm[5]

Vận động giúp đỡ người nghèo và các hoạt động an sinh xã hội; các hoạt động cứu trợ, nhân đạo từ thiện

Hưởng ứng phong trào“Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện và các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền, vận động các nguồn lực chăm lo giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, chung sức, chung tay vì người nghèo; đồng thời tìm hiểu hoàn cảnh, nguyện vọng, động viên người nghèo thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại để quyết tâm vươn lên thoát nghèo; các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo như tham gia hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng, mô hình hùn vốn… ngày càng thiết thực, hiệu quả. Trong nhiệm kỳ, tổng kinh phí vận động giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn ổn định cuộc sống trên 77,02 tỷ đồng[6], góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 382 hộ, chiếm 1,09%.

Mặt trận và các tổ chức thành viên còn vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức tôn giáo... ủng hộ phòng chống dịch bệnh Covid - 19, ủng hộ đồng bào Miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai bằng tiền và hàng hóa trên 10,6 tỷ đồng. Các hoạt động cứu trợ được thực hiện một cách công khai, minh bạch, kịp thời, chặt chẽ, đúng địa chỉ, đúng đối tượng.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, duy trì hoạt động các câu lạc bộ, tổ “Phụ nữ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với Ban Chỉ đạo, các ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động[7],từng bước thay đổi nhận thức về sản xuất và tiêu dùng, ưu tiên dùng hàng Việt trong cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Việc triển khai Cuộc vận động cũng đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của huyện quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu Việt gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại các sự kiện do tỉnh và huyện tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu và đưa hàng Việt về nông thôn để phục vụ

Nhân dân thông qua các phiên chợ, hội chợ, điểm bán lẻ… Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tăng cường.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan có liên quan, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân gắn với phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương, để khuyến khích tư duy sáng tạo của mỗi người dân và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Qua triển khai, nhiều mô hình được hình thành và nhân rộng, như: phong trào “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo” của Liên đoàn lao động; phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; phong trào “Khởi nghiệp” của Đoàn Thanh niên; phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ…

Với những thành tựu quan trọng đạt được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tháp Mười được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng 2 lần danh hiệu anh hùng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1978) và Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2001) và năm 2019 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tháp Mười./.

Tài liệu tham khảo: Báo cáo Số: 01/BC-MTTQ-BTT, ngày 25 tháng 6 năm 2024, Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tháp Mười khoá IX trình Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029.


([1]) Toàn Huyện hiện có 22 Hợp tác xã hoạt động theo Luật HTX năm 2012, có 2.654 thành viên; có 130 Tổ hợp tác (116 THT nông nghiệp, 03 THT thủy sản, 08 THT tiểu thủ công nghiệp, 01 THT thương mại - dịch vụ, 02 THT lĩnh vực khác);

([2]) Đến cuối năm 2023, trong huyện đã có 34.183/34.991 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 97,69%; có 61/62 đạt ấp, khóm văn hóa.

([3]) Đã bắc mới 32 cây cầu bê tông trị giá 31,1 tỷ đồng; hiến 97.280 m2 đất; 63.896 ngày công lao động; thắp sáng đường quê được 48,5 km, trị giá trên 2,5 tỷ. Rải đá chống lầy trên 156,5 km đường tổng trị giá trên 2,75 tỷ đồng.

([4]) “Hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới”, mô hình hùn vốn giúp hội viên phát triển kinh tế của Hội CCB; tổ Phụ nữ 5 không 3 sạch; “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” .

([5]) Tính đến cuối năm 2023, có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

([6]) Xây mới 850 căn nhà Đại đoàn kết (43,88 tỷ đồng), sữa chữa 152 căn (915 triệu đồng); vận động tặng 107,7 tấn gạo, 88.879 phần quà hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn (31,54 tỷ đồng); vận động cán bộ, công chức đóng góp mua thiết bị học trực tuyến cho các em học sinh số tiền trên 689 triệu đồng.

([7]Tuyên truyền 615 cuộc có 22.452 lượt người dự, thực hiện Chương trình OCOP, đến nay huyện có 38 sản phẩm được công nhận OCOP hạng 3 sao và 4 sao, tăng 12 sản phẩm so cùng kỳ (gồm 28 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 10 sản phẩm đạt OCOP 4 sao)