ناشر الأصول

null Những điểm mới của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2025

Chi tiết bài viết Bài viết

Những điểm mới của Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2025

ThS. Nguyễn Quốc Bình

Phó Trưởng Khoa NNPL

  

 

 

Với 458/459 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, chiếm 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Sưu tầm từ cổng TTĐT Quốc hội ngày 01/03/2025).

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (TCCQĐP) năm 2025 được ban hành trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách hành chính sâu rộng, nhằm xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Việc sửa đổi luật này nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý của địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, đồng thời bảo đảm trách nhiệm giải trình và cơ chế kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính quyền địa phương. Luật TCCQĐP năm 2025 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 02 năm 2025 với 458/459 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, chiếm 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2025.

Luật TCCQĐP năm 2025 đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bộ máy hành chính và quản lý nhà nước tại địa phương. Sau 10 năm thực hiện, Luật TCCQĐP năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Bài viết xin phân tích một số điểm mới cơ bản quan trọng giữa Luật TCCQĐP năm 2025 với Luật TCCQĐP 2015.

Thứ nhất, cấu trúc và phạm vi điều chỉnh.

Luật TCCQĐP năm 2025 có cấu trúc gồm 7 chương và 50 điều, giảm 1 chương và 93 điều so với Luật TCCQĐP năm 2015. Việc tinh gọn này nhằm đơn giản hóa hệ thống pháp luật, bảo đảm tính chặt chẽ, rõ ràng và hiệu quả trong quy định về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương. Đồng thời, những nội dung không còn phù hợp hoặc chồng chéo đã được loại bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực tiễn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Một trong những thay đổi đáng chú ý là Luật TCCQĐP năm 2025 đã luật hoá việc có thể không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã đối với các đơn vị hành chính cấp huyện ở các hải đảo, quần đảo tuỳ thuộc vào điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. Đây là điểm mới so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019

Thứ hai, về nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương quy định tại Điều 5 Luật TCCQĐP năm 2015 và tại Điều 4 Luật TCCQĐP năm 2025 cho thấy một số điểm mới quan trọng. Luật TCCQĐP năm 2015 nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ, quản lý xã hội bằng pháp luật, đảm bảo tính minh bạch và phục vụ Nhân dân. Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số, trong khi Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân​. Trong khi đó, Luật TCCQĐP năm 2025 bổ sung các yêu cầu về hoạt động quản lý của địa phương theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đặc biệt, luật mới đề cao nguyên tắc tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, đảm bảo cơ chế kiểm soát quyền lực, nhấn mạnh việc chính quyền địa phương phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân​.

Thứ ba, về Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân.

Một điểm đổi mới quan trọng trong Luật TCCQĐP năm 2025 là quy định về điều kiện đối với đại biểu Hội đồng Nhân dân, theo đó, ứng cử viên phải có duy nhất một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Quy định này nhằm đảm bảo sự trung thành tuyệt đối với lợi ích quốc gia, tránh xung đột về nghĩa vụ và trách nhiệm của đại biểu đối với đất nước. Đồng thời, điều kiện này cũng góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai trong công tác bầu cử, lựa chọn những người đại diện thực sự gắn bó và cống hiến cho đất nước, địa phương. Việc quy định rõ ràng về quốc tịch của đại biểu Hội đồng Nhân dân phù hợp với xu hướng tăng cường quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật [điểm b khoản 3 Điều 5 Luật TCCQĐP năm 2025]. Ngoài ra, Luật TCCQĐP năm 2025 còn tăng cường trách nhiệm giám sát và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng Nhân dân các cấp, giúp nâng cao vai trò giám sát và định hướng hoạt động của cơ quan này [khoản 5 Điều 5 Luật TCCQĐP năm 2025].

Thứ tư, về tổ chức đơn vị hành chính và thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính; điều chỉnh địa giới hành chính.

 Luật TCCQĐP năm 2025 bổ sung quy định chi tiết về điều kiện, trình tự thành lập, nhập, chia, giải thể đơn vị hành chính. Trong khi đó, Luật TCCQĐP năm 2015 chưa có quy định cụ thể, dẫn đến nhiều khó khăn trong thực tế triển khai. Đặc biệt, quy trình lấy ý kiến Nhân dân về thay đổi địa giới hành chính được quy định chặt chẽ hơn trong Luật TCCQĐP năm 2025, giúp tăng cường tính dân chủ và sự đồng thuận của người dân trong các quyết định quan trọng.[khoản 3 điều 10 Luật TCCQĐP 2025].

Thứ năm, về phân quyền, phân cấp và ủy quyền của chính quyền địa phương.

 Luật TCCQĐP năm 2025 làm rõ hơn nguyên tắc phân định thẩm quyền, đảm bảo không chồng chéo giữa các cấp chính quyền, đồng thời trao quyền nhiều hơn cho địa phương trong một số lĩnh vực kinh tế, hành chính, xã hội. Mặc dù Luật TCCQĐP năm 2015 cũng có quy định về phân cấp, nhưng chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực rõ ràng như trong Luật TCCQĐP năm 2025. Việc thiết lập ranh giới rõ ràng về thẩm quyền giúp chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình [khoản 2 Điều 11 Luật TCCQĐP năm 2025].

Thứ sáu, về cơ chế đặc thù và thí điểm chính sách mới.

 Một điểm đột phá trong Luật TCCQĐP năm 2025 là cho phép chính quyền địa phương được thí điểm các chính sách đặc thù nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận [điểm e khoản 1 Điều 15 và điểm e khoản 1 Điều 17 Luật TCCQĐP năm 2025]. Quy định này giúp tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội linh hoạt hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng. Trong khi đó, Luật TCCQĐP năm 2015 không có quy định cụ thể về vấn đề này, dẫn đến việc thực hiện các chính sách đặc thù gặp nhiều khó khăn.

Tóm lại, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 có xu hướng tăng cường tính minh bạch, quản lý hiện đại, tinh gọn bộ máy và nâng cao vai trò của địa phương trong quản lý hành chính và phát triển kinh tế. Những điểm mới trong Luật TCCQĐP năm 2025 không chỉ khắc phục những hạn chế của Luật TCCQĐP năm 2015 mà còn mở ra cơ hội cho sự phát triển bền vững của hệ thống chính quyền địa phương trong tương lai. Việc thực hiện hiệu quả các quy định mới sẽ góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách hành chính, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước và phục vụ Nhân dân tốt hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.

2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung năm 2019.

3. Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.

4. Phương Thủy; bài “Thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương với nhiều nội dung mới”, đăng tại địa chỉ: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thong-qua-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-voi-nhieu-noi-dung-moi-i759504/. Lúc 09:42 ngày 19/02/2025, tải lúc 14:22 ngày 27/02/2025.

5. Báo điện tử Chính phủ; bài “Sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tổ chức bộ máy tinh gọn”. đăng tại địa chỉ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/sua-doi-toan-dien-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-day-manh-phan-cap-phan-quyen-to-chuc-bo-may-tinh-gon-119250211111703459.htm. Lúc 18:55 ngày 12/02/2025; tải về lúc 15:45 ngày 27/02-2025.

6.Thư viện pháp luật; bài “Điểm mới Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025?”; đăng tại địa chỉ: https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/83A6458-hd-diem-moi-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-2025.html.Tải lúc 9:00 ngày 01/3/2025.

7.Thu Hằng; bài “7 điểm mới tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 từ 01/3/2025”; đăng tại địa chỉ: https://luatvietnam.vn/hanh-chinh/diem-moi-tai-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-2025-570-101171-article.html. Ngày 28/02/2025. Tải lúc 9:41 ngày 01/3/2025.