Asset Publisher

null Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động nông dân tham gia đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao của hội nông dân cấp cơ sở trên địa bàn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Post details Bài viết

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động nông dân tham gia đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao của hội nông dân cấp cơ sở trên địa bàn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Ths. Phan Thị Minh Hiền

                                                                 Khoa Xây dựng Đảng

Tóm tắt: Thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt, ban hành theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 tại tỉnh Đồng Tháp, huyện Hồng Ngự đã triển khai thực hiện và đạt được nhiều thành tựu. Hội Nông dân cấp cơ sở trên địa bàn huyện đã phát huy vai trò quan trọng trong  công tác vận động nông dân tham gia đề án. Trong thời gian qua, Hội đã kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, vận động; gần gũi, sâu sát hội viên, nông dân để tư vấn, hỗ trợ kịp thời, tổ chức các hoạt động, phong trào để nông dân tham gia,....Tuy nhiên, công tác vận động nông dân còn một số khó khăn, hạn chế. Để đề án tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả cần có một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động nông dân của Hội Nông dân cấp cơ sở trên địa bàn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới.

1. Đặt vấn đề

Thực hiện Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 19/4/2024 của Uỷ ban nhân dân huyện về việc thực hiện “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn huyện Hồng Ngự;  Công văn số 2178/UBND-HC ngày 03/12/2024 của Ủy ban nhân dân huyện Hồng Ngự về việc tập trung thực hiện hiệu quả diện tích tham gia Đề án trên địa bàn Huyện. Vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo nông dân tham gia Đề án tại xã Thường Phước 1, Thường Phước 2, Thường Thới Hậu A và thị trấn Thường Thới Tiền. Kết quả có 472 hộ đăng ký thực hiện với 900ha. Trong thời gian tới, để nông dân trên địa bàn huyện tiếp tục tích cực tham gia Đề án hướng đến mục tiêu áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa để thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận theo chuỗi giá trị lúa gạo bền vững cần sự tham gia của các cấp, các ngành. Trong đó, Hội Nông dân cấp cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, cần có sự nghiên cứu, sơ kết việc thực hiện, tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động nông dân của Hội Nông dân cấp cơ sở trên địa bàn huyện góp phần thực hiện đề án thành công.

2. Nội dung

Trong thời gian qua, Hội Nông dân cấp cơ sở trên địa bàn huyện Hồng Ngự đã phát huy vai trò trong công tác vận động, tập hợp nông dân tham gia Đề án. Hội Nông dân các xã, thị trấn trong vùng thực hiện Đề án đã kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, vận động hội viên nông dân về mục tiêu, ý nghĩa của Đề án. Từ đó, giúp nông dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia các tiêu chí của đề án.

Qua khảo sát lấy ý kiến nông dân về những thuận lợi trong thực hiện đề án, đa số nông dân cho rằng cán bộ Hội Nông dân thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia với 96/150 phiếu (tỷ lệ 64%); nông dân đồng thuận tham gia với 44/150 phiếu (tỷ lệ 29,33%); tạo điều kiện về kinh phí, khoa học kỹ thuật, phương tiện có 36/150 phiếu (tỷ lệ 24%); hỗ trợ từ cấp trên có 19/150 phiếu (tỷ lệ 12,67%)

Bên cạnh đó, việc trình diễn các mô hình đã tạo điều kiện cho nông dân trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý đồng ruộng và ứng dụng tốt các giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa, từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp xanh góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người như: bổ sung phân hữu cơ lót đầu vụ, áp dụng qui trình ướt khô xen kẽ, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)…

Trong quá trình vận động nông dân thực hiện Đề án, Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân các xã, thị trấn đã nắm bắt được những khó khăn ảnh hưởng đến tâm lý của nông dân khi tham gia đề án như: thời tiết mưa giông kéo dài, dịch bệnh xuất hiện bất ngờ, sâu bệnh gây hại trên lúa, giá cả phân bón nhất là phân hữu cơ biến động tăng cao và kiên trì tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, có những tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho nông dân.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Đề án còn hạn chế, qua khảo sát có 100/150 phiếu (tỷ lệ 66,67%) cho rằng công tác tuyên truyền để nông dân tham gia Đề án còn hạn chế đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả việc thực hiện đề án. 

Việc triển khai đề án ở các xã, thị trấn nhìn chung còn lúng túng; người dân tham gia đề án chưa chủ động, vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ… Nhưng đáng quan tâm hơn, đó là việc liên kết, tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu từ vùng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp hiện vẫn là vấn đề đáng lo ngại, dù đây là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công trong mở rộng Đề án ở tương lai.

Một số nông dân còn tâm lý e ngại khi tham gia Đề án bởi khâu liên kết và tiêu thụ chủ yếu theo thời vụ, chưa mang tính lâu dài; hợp đồng liên kết chưa có tính pháp lý, giá cả đầu vào, đầu ra chưa thống nhất dẫn đến tình trạng một trong hai bên phá bỏ hợp đồng nhằm đảm bảo lợi ích của mình; việc liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiện vẫn còn thấp.

Nông dân cũng chưa sẵn sàng thay đổi thói quen canh tác, vẫn còn lạm dụng vật tư đầu vào như giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nước tưới... gây lãng phí, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính.

Để nâng cao hiệu quả công tác vận động nông dân tham gia đề án của Hội Nông dân cấp cơ sở trên địa bàn huyện Hồng Ngự cần thực hiện một số giải pháp như:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng uỷ, sự phối hợp của chính quyền cấp cơ sở trong công tác vận động nông dân tham gia Đề án

Đảng uỷ cấp xã ban hành nghị quyết chuyên đề về triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại địa phương. Lãnh đạo thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp xã, phân công rõ trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân. Đưa nội dung vận động nông dân tham gia Đề án vào chương trình công tác của chi bộ, phân công đảng viên phụ trách từng ấp/hộ. Uỷ ban nhân dân xã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, gắn với chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

Qua khảo sát, lấy ý kiến hộ nông dân về đề xuất giải pháp để phát huy vai trò của Hội Nông dân cấp cơ sở trên địa bàn huyện Hồng Ngự trong công tác vận động nông dân tham gia thực hiện đề án, ý kiến cấp uỷ cơ sở quan tâm, lãnh đạo MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội trong đó nòng cốt là Hội Nông dân cơ sở trong công tác vận động nông dân tham gia thực hiện đề án với 38/150 phiếu (tỷ lệ 25,33%). Để công tác vận động nông dân tham gia đề án có hiệu quả cần sự quan tâm lãnh đạo của Đảng uỷ, sự phối hợp của chính quyền cấp xã, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện đề án

Hội Nông dân cấp cơ sở cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho nông dân về lợi ích khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Công tác tuyên truyền, vận động cần làm rõ lợi ích kinh tế - môi trường – xã hội khi tham gia mô hình canh tác chất lượng cao (giảm chi phí đầu vào, tăng giá bán, bảo vệ đất đai, nguồn nước…). Qua khảo sát, lấy ý kiến hộ nông dân về đề xuất giải pháp để phát huy vai trò của Hội Nông dân cấp cơ sở trên địa bàn huyện Hồng Ngự trong công tác vận động nông dân tham gia thực hiện đề án,ý kiến đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân thực hiện đề án với 67/150 phiếu (tỷ lệ 44,67%). Đối với vận động nông dân thì tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động là giải pháp vô cùng quan trọng giúp nông dân thay đổi nhận thức trong sản xuất nông nghiệp đáp ứng tiêu chí xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hội Nông dân sử dụng đa dạng các kênh tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh, tờ rơi, bản tin hội nông dân, mạng xã hội (Zalo, Facebook), video minh họa; các phương tiện truyền thông như loa phát thanh xã, báo đài địa phương, tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ; lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi sinh hoạt chi tổ hội, các cuộc họp ấp, hội nghị, lớp tập huấn,…

Thứ ba, phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân cấp cơ sở trên địa bàn huyện Hồng Ngự trong công tác vận động nông dân tham gia thực hiện Đề án

Hội Nông dân cấp cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu sát, trực tiếp đến từng hộ nông dân về lợi ích khi tham gia Đề án so với không tham gia Đề án; phối hợp tạo điều kiện về thủ tục, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tín dụng cho nông dân và hợp tác xã tham gia sản xuất lúa chất lượng cao. Tổ chức tập huấn, hội thảo, tham quan mô hình điểm nhằm nâng cao nhận thức và kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao cho hội viên, nông dân.

Hội Nông dân thực hiện xây dựng, củng cố các tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã làm trung tâm để triển khai sản xuất theo chuỗi giá trị; phối hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý đồng ruộng.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân phối hợp huy động các nguồn lực để hỗ trợ nông dân; kết nối, vận động doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ vốn, giống, vật tư, kỹ thuật cho nông dân; lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án nông nghiệp, khuyến nông vào hoạt động triển khai Đề án.

Thứ tư, Hội Nông dân cấp cơ sở quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ nông dân tham gia đề án kịp thời

Các cấp Hội, các ban, ngành nhất là Hội Nông dân cơ sở cần thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của nông dân khi tham gia Đề án để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp. Tổ chức diễn đàn “nông dân với Đề án 1 triệu ha lúa” định kỳ để trao đổi thông tin hai chiều giữa nông dân và chính quyền, doanh nghiệp.

Hội Nông dân là nơi kết nối nông dân với các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật uy tín, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý; tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã; triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng tham gia thực hiện Đề án, các hộ nông dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Thực hiện các chính sách hiện hành hỗ trợ hộ trồng lúa, Hợp tác xã, doanh nghiệp trong vùng thực hiện Đề án. Hộ trồng lúa được ưu tiên tham gia đào tạo tập huấn, được vay vốn ưu đãi từ các chính sách tín dụng của Nhà nước và được hưởng lợi ích do bán tín chỉ carbon từ sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ năm, thực hiện sơ, tổng kết, duy trì, nhân rộng mô hình  hay, hiệu quả trong thực hiện Đề án

Hàng năm, Hội Nông dân cấp cơ sở phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện sơ kết việc thực hiện Đề án nhằm xác định mức độ hoàn thành các chỉ tiêu trong năm đầu tiên; đánh giá việc áp dụng các mô hình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp trong điều kiện cụ thể của huyện, nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp nhận ra vai trò của hợp tác xã trong tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu gạo; tuyên truyền, biểu dương các điển hình doanh nghiệp, Hợp tác xã, nông dân tiên tiến.

Thực hiện sơ kết giúp địa phương nhận diện các vấn đề như thiếu vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật, thẳng thắn chỉ ra những "điểm nghẽn" cần nhận diện để có giải pháp tháo gỡ kịp thời từ đó triển khai Đề án hiệu quả hơn trong thời gian tiếp theo. Bên cạnh đó, sơ kết phát hiện các xã triển khai hiệu quả để nhân rộng; tuyên dương các mô hình nông dân tiêu biểu đã áp dụng sản xuất lúa chất lượng cao hiệu quả để tạo sức lan tỏa.

Hội Nông dân các cấp phối hợp ban, ngành có liên quan lựa chọn các mô hình sản xuất lúa chất lượng cao có hiệu quả thực tiễn để xây dựng mô hình điểm, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm. Chia sẻ các mô hình thành công, điển hình tiên tiến. Tổ chức các hoạt động hội thảo đầu bờ, tọa đàm, giao lưu, đối thoại giữa nông dân với chuyên gia nhằm lan tỏa kiến thức và kinh nghiệm sản xuất. Ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông để phổ biến rộng rãi mô hình hay, cách làm hiệu quả đến hội viên nông dân.

 Hội Nông dân phối hợp xây dựng mô hình áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Hướng dẫn sử dụng phần mềm ghi chép nhật ký điện tử phù hợp và đảm bảo đồng bộ với nền tảng chuyển đổi số nông nghiệp của Tỉnh. Khuyến khích các công ty, doanh nghiệp tham gia liên kết đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra của mô hình. Lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn Huyện: xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của vùng đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng mô hình canh tác lúa cá; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

3. Kết luận

Trong thời gian tới, để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với vùng tăng trưởng xanh đạt hiệu quả cần sự tham gia của các cấp, các ngành và người dân. Trong đó, Hội Nông dân cấp cơ sở trên địa bàn huyện Hồng Ngự cần phát huy vai trò trong công tác vận động nông dân thực hiện Đề án với mục tiêu hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo của địa phương nói riêng và của Tỉnh nói chung, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo số: 898 /BC-PNNPTNT ngày 25/9/2024 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Tổng kết mô hình cánh đồng liên kết sản xuất lúa an toàn theo chuỗi giá trị vụ Hè thu 2024 tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Giồng Bàng xã Thường Phước 1

2. Kế hoạch Số:145 /KH-UBND ngày 03/4/2025 của Uỷ ban nhân dân huyện Hồng Ngự về việc triển khai thực hiện “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn huyện Hồng Ngự năm 2025

3. Báo cáo Số: 98 /BC-UBND ngày 02/4/2025 của Uỷ ban nhân dân huyện Hồng Ngự về Về kết quả thực hiện “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn huyện Hồng Ngự vụ Đông Xuân năm 2024-2025

4. Kế hoạch Số 331 /KH-UBND ngày 08/10/2024 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về thực hiện "Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại tỉnh Đồng Tháp

5. Báo cáo Số 68-BC/HNDH ngày 24/10/2024 của Hội Nông dân huyện Hồng Ngự Công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024 và Nhiệm vụ, giải pháp năm 2025

6. Kế hoạch Số: 174/KH-UBND ngày 19/4/2024 của Uỷ ban nhân dân huyện Hồng Ngự về thực hiện “Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn huyện Hồng Ngự