Asset Publisher

null Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị từ cái nhìn thực tiễn

Post details Bài viết

Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị từ cái nhìn thực tiễn

                                      ThS.Nguyễn Bích Ngọc

                                                 Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

1. Đặt vấn đề

Giáo dục lý luận chính trị là nhiệm vụ hết sức quan trọng của công tác tư tưởng, vừa trang bị cho người học về lý luận lại vừa bồi dưỡng cho họ về kiến thức thực tiễn. Đối tượng học viên là những cán bộ, công chức, viên chức công tác trong hệ thống chính trị trên cả nước. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận của các Trường Chính trị luôn được Đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện từ nhiều năm qua nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo trang bị tốt cho học viên về trình độ lý luận chính trị và kỹ năng hoạt động thực tiễn liên quan đến lĩnh vực công tác của từng đối tượng tại địa phương. Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị dù đã được các trường nỗ lực thực hiện nhưng nhìn chung vẫn bộc lộ những bất cập khiến cho chất lượng giảng dạy ở một số chuyên đề chưa đạt được kết quả như mong muốn. Trong phạm vi bài viết này, xin được bàn luận vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị từ góc độ thực tiễn.

2. Nội dung

Đổi mới phương pháp giảng dạy là thực hiện các giải pháp, lựa chọn các con đường miễn sao đi tới mục đích giúp người học chiếm lĩnh được kiến thức và vận dụng chúng vào trong thực tiễn. Như vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy nên được xem xét từ cái nhìn thực tiễn, tức hướng mọi hoạt động giảng dạy vào việc đáp ứng tốt nhu cầu của người học (lấy người học làm trung tâm). Do đó, khi xem xét cơ sở để đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị cần căn cứ vào hai mục tiêu cơ bản sau đây:

Thứ nhất, đó là giáo dục nhận thức lý luận chính trị cho cán bộ. Giáo dục nhận thức là một trong những nhiệm vụ “khó nhằn” nhất bởi nó liên quan đến ý thức, tình cảm, tính cách của mỗi cá nhân học viên và hơn nữa ở đây là nhận thức về chính trị lại càng khó hơn. Do đó, để truyền cho được ý thức và tình cảm cách mạng cho học viên, thôi thúc họ say mê nghiên cứu lý luận, “tự quán triệt” từng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các luận điểm mác-xít và hệ tư tưởng Hồ Chí Minh, người giảng viên phải truyền đạt cho học viên phương pháp học tập hiệu quả của chính mình, tạo cho họ niềm tin vào sự “uyên bác” về kiến thức của mình thông qua việc truyền thụ, biết nhóm lên trong lòng họ ngọn lửa cách mạng thông qua ý chí, tình cảm, sự tha thiết của người thầy về lĩnh vực nghiên cứu. Mọi cử chỉ, giọng nói, ánh mắt, cách pha trò, cách nêu vấn đề, thái độ ứng xử thân thiện, gần gũi trong lớp học của người thầy đều phải thể hiện được hình ảnh người thầy “thần tượng” trong mắt các học viên. Học viên nể phục sự thông thái của người thầy và kính trọng nhân cách của thầy sẽ khiến cho họ say mê môn học, muốn “thọ giáo” thầy, tự giác, tích cực học tập lý luận để nâng cao nhận thức chính trị phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Để đạt được điều này, đối với mỗi bài dạy, người thầy phải có cách xử lý linh động, sáng tạo trong nghệ thuật thuyết giảng thể hiện qua điệu bộ, giọng nói, ánh mắt, nhịp độ truyền tải thông tin, cách thức nêu vấn đề đưa người học vào trạng thái tư duy tích cực. Phải xem người học là trung tâm, còn người dạy chỉ đóng vai trò cung cấp thông tin, gợi ý, hướng dẫn người học chiếm lĩnh tri thức vì nhu cầu học tập của họ. Mọi sự áp đặt, truyền thụ một chiều hoặc tạo bầu không khí căng thẳng, quá nghiêm khắc trong mỗi tiết dạy sẽ chỉ thu được kết quả ngược lại mà thôi.

Thứ hai, đó là giáo dục thực tiễn hoạt động cách mạng. Mục tiêu của công tác đào tạo là trang bị cho người học các kỹ năng hoạt động chính trị gắn liền với công tác cơ sở. Hoạt động thực tiễn cơ sở là những hoạt động hết sức phong phú, đa dạng và không ngừng biến đổi theo từng thời điểm lịch sử. Học viên đến với lớp học để mong tiếp thu các bài học thực tiễn từ người thầy sau khi nghiên cứu cơ sở lý luận. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả giảng dạy, người thầy phải có sự đầu tư thật nhiều kiến thức thực tiễn vào từng bài dạy, lồng ghép càng nhiều càng tốt các ví dụ thực tế sinh động, gần gũi với học viên; cần biết cách khơi gợi học viên nêu các khó khăn, vướng mắc từ hoạt động cơ sở để tổ chức cho lớp thảo luận, tranh luận và khuyến khích đề ra giải pháp cải tạo thực tiễn. Tùy theo đối tượng học viên, đôi khi giảng viên cũng phải biết đơn giản hóa các thuật ngữ chính trị trừu tượng khó hiểu thành các từ ngữ phổ thông, gần gũi, dễ hiểu để học viên không có cảm giác “ngán” các bài học chính trị. Để đáp ứng mục tiêu này, người giảng viên phải thường xuyên “lăn lộn” ở cơ sở, thâm nhập vào đời sống thực tiễn tại các địa phương, tự trang bị cho mình vốn thực tiễn phong phú phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy một cách thiết thực hơn.

3. Kết luận

Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị phải xuất phát từ cơ sở thực tiễn và mục tiêu cải tạo thực tiễn. Theo đó, trước khi bắt đầu giảng dạy, người giảng viên phải tìm hiểu kỹ đối tượng học viên, xác định nhu cầu của họ (họ mong đợi gì) đối với chương trình, lựa chọn các ngữ liệu phù hợp để thuyết giảng, lồng ghép thật nhiều ví dụ thực tiễn, xây dựng phương án phối hợp linh hoạt các phương pháp đối với từng loại nội dung cần dạy (dùng phương tiện trực quan, phương pháp thuyết giảng, nêu vấn đề, gợi ý thảo luận …). Bên cạnh đó, nhiệm vụ vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của công tác đào tạo cán bộ, đó là việc hình thành tình cảm, ý chí cách mạng của người học trong việc học tập lý luận chính trị bởi đây mới là động lực chân chính thúc đẩy học viên tự giác, tích cực, hăng say học tập, nghiên cứu. Điều này đòi hỏi người thầy phải có lòng yêu nghề, có trình độ chuyên môn vững chắc để truyền cho người học tinh thần, thái độ học tập đúng đắn thông qua phong cách gần gũi, thân thiện và có trách nhiệm với người học. Cần mạnh dạn xóa bỏ thói quen tạo bầu không khí lớp học căng thẳng, nghiêm khắc quá mức cần thiết với ý nghĩ để học viên biết sợ mà phải học. Phải đặt nhu cầu học tập của người học lên hàng đầu, tức xem người học là trung tâm, mọi hoạt động trong lớp là để phục vụ nhu cầu học hỏi của họ chứ không phải để “ông thầy” hoàn thành giáo án của mình. Có như thế mới đáp ứng tốt tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, lãnh đạo quản lý”./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Robert J. Marzano, Debra J. Pickering, Jane E. Pollock và dịch giả Nguyễn Hồng Vân (2016), cuốn sách “Các phương pháp dạy học hiệu quả”, Nxb.Giáo dục Việt Nam.

2. Nguyễn Lăng Bình (chủ biên) – Đỗ Hương Trà (2021), cuốn sách “Dạy và học tích cực – Một số phương pháp dạy và kĩ thuật dạy học”, Nxb. Đại học Sư Phạm.