Asset Publisher

null Xu thế quản trị công và thực tiễn tại tỉnh Đồng Tháp

Post details Bài viết

Xu thế quản trị công và thực tiễn tại tỉnh Đồng Tháp

Đỗ Hoàng Lãm

  1. Mở đầu

Thống nhất quản lý xã hội, quản lý kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, bảo vệ trật tự xã hội…. các vấn đề này từ lâu đã được xem là những đặc quyền của nhà nước. Tuy nhiên, với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, cùng với đó là xu hướng dân chủ và pháp quyền có vị trí, vai trò ngày càng lớn trong xã hội thì lúc này địa vị của nhà nước và công dân, cùng các chủ thể khác đã được đặt trong mối quan hệ bình đẳng, gắn bó hữu cơ cùng phát triển. Lúc này, khái niệm quản trị công hay quản trị nhà nước mới được đề cập, ở đây nhà nước không còn là chủ thể duy nhất mà chủ thể quản trị công vừa bao gồm nhà nước, vừa bao gồm tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội, báo chí và công dân.

Ở tỉnh Đồng Tháp với sự tận tâm và nhạy bén của đội ngũ lãnh đạo, quản lý với xu hướng phát triển của thời đại. Tỉnh đã đặt ra nhiều cam kết chính trị như hướng đến chính quyền thân thiện, chính quyền kiến tạo…đã thể hiện được các giá trị của quản trị công nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu và đòi hỏi của sự phát triển.

  1. Nội dung

Các yếu tố của quản trị công đã được thể hiện rõ nét trong quá trình cải cách hành chính và sự phát triển của tỉnh Đồng Tháp như: 1) Sự tham gia của người dân; 2) công khai, minh bạch; 3) trách nhiệm giải trình; 4) hiệu lực, hiệu quả.

Theo báo cáo hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cho thấy điểm số về sự tham gia của người dân có dao động qua mỗi năm, điểm số về sự tham gia của người dân trong tỉnh Đồng Tháp theo báo cáo “PAPI năm 2023 đạt được 3.92 trên thang điểm 10”1, có giảm so với năm 2022 những vẫn ở mức ổn định, sự tham gia của nhân dân đã được cải thiện đáng kể cả trên bình diện lý thuyết cũng như thực tiễn. Hiện có nhiều cơ chế pháp lý bảo đảm sự tham gia của nhân dân, ví dụ, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào việc xây dựng chương trình, nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật của Tỉnh, các kênh tham vấn cộng đồng được mở ra và trở thành bắt buộc trong một số thủ tục quan trọng liên quan đến định giá đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng… Mô hình chính quyền thân thiện được thực hiện trên toàn tỉnh cho phép sự công khai và tham gia của người dân vào theo dõi hay đánh giá công việc của chính quyền. Việc tham gia đó có ý nghĩa quan trọng để người dân phát huy quyền làm chủ, góp phần cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở địa phương.

Chỉ số PAPI đo lường hiệu quả của chính quyền các cấp trong việc công khai hóa, minh bạch hóa thông tin nhằm đáp ứng quyền được biết của người dân về những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đời sống và sinh kế của họ. Có thể thấy, năm 2023 Tỉnh đạt “4,67 điểm trên thang điểm 10”2, có sụt giảm so với năm 2021 nhưng vẫn nằm ở mức trung bình của cả nước. Nhiều thông tin được công khai rộng rãi để người dân được biết như: Các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước, kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, điều chỉnh địa giới hành chính, các chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình ngân sách nhà nước và dự toán đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước… Công khai, minh bạch giúp thời gian qua làm gia tăng hiệu quả hoạt động kiến tạo của các cơ quan hành chính nhà nước, nó đảm bảo mục tiêu, chương trình, hoạt động, nguồn lực được xây dựng và phân bổ một cách hợp lý. Từ đó, giúp tăng sự hài lòng của người dân, “chỉ số SIPAS tỉnh Đồng Tháp năm 2023 đạt 84,90%”3 xếp hạng 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, xếp hạng nhất trong khu vực.

Trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, người có trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được tỉnh Đồng Tháp cụ thể hóa từ các luật như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Giám sát của Quốc hội, Luật Kiểm toán, Luật Báo chí, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đạo luật tố tụng bảo đảm tốt quyền của người dân trước các cơ quan tư pháp. Chỉ số PAPI đo lường hiệu quả các cuộc tiếp xúc công dân của các cấp chính quyền và đánh giá mức độ tin tưởng cho biết, Tỉnh đạt từ “4 điểm đến 5.15 trên thang điểm 10”4 qua các năm. Nhờ nâng cao trách nhiệm giải trình, nên làm tăng hiệu quả của nền công vụ và tăng năng lực cạnh tranh của địa phương, “chỉ số PCI của tỉnh Đồng Tháp đạt 69,66 điểm”5; đứng thứ 5 cả nước và là tỉnh duy nhất 16 năm liền nằm trong top 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, quyết định sự phát triển hay tụt hậu của nền kinh tế địa phương. Một nền công vụ minh bạch, hiệu quả gắn với trách nhiệm giải trình đã góp phần vào việc thu hút đầu tư nước ngoài, gia tăng đầu tư trong nước và viện trợ, tài trợ cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Đồng Tháp trong những năm vừa qua.

Về mức độ hiệu lực, hiệu quả, Tỉnh đã đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hoà với phát triển đô thị; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc qua địa bàn tỉnh. Mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và hệ thống giao thông nông thôn hiện có và đầu tư xây dựng các tuyến đường mới phục vụ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, phát triển hiệu quả thế mạnh của Tỉnh. Việc tăng cường liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, phát triển nền nông nghiệp thông minh; đẩy mạnh phát triển ngành hàng hoa kiểng và phát huy lợi thế của làng hoa Sa Đéc đã lan toả ra toàn tỉnh; phát triển nhanh diện tích trồng cây ăn trái cũng được tập trung trong nhiệm kỳ mới.

Tuy nhiên, quản trị công ở Đồng Tháp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của một nền quản trị kiến tạo hiện đại. Sự tham gia của nhân dân ở cơ sở, quản trị điện tử, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của tỉnh Đồng Tháp vẫn còn ở mức trung bình so với cả nước. Đổi mới mô hình quản lý nhà nước theo các nguyên tắc của quản trị công là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và của cả nước nói chung hiện nay. Để triển khai có hiệu quả và đưa quản trị công vào đời sống, cần thực hiện một số yêu cầu:

Thứ nhất, đổi mới yêu cầu về tầm nhìn và quyết tâm chính trị trong thực hiện quản trị công. Tầm nhìn về quản trị công cần gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và phục vụ tốt nhất cho lợi ích của người dân. Sự cam kết của các cấp lãnh đạo trong việc triển khai các cải cách là yếu tố quan trọng.

Thứ hai, cần bảo đảm sự tham gia, giám sát của người dân trên thực tế trong suốt quá trình từ ban hành chính sách, quyết định hành chính đến tổ chức thực hiện chính sách, coi đây là “chìa khóa” nâng cao chất lượng quản trị công, quản trị địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, Tỉnh cần chế định và thực hiện nghiêm túc cơ chế công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước, quyền tiếp cận thông tin của người dân và mọi chủ thể trong xã hội đối với hoạt động của Nhà nước. Chế định và thực hiện nghiên túc, hiệu quả cơ chế đối thoại với dân và doanh nghiệp. Cần chuyển từ mô hình hành chính nhà nước từ khép kín sang mô hình hành chính nhà nước mở.

Thứ tư, cần chế định và thực thi có hiệu quả cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước và các cán bộ công chức. Cần quy định cụ thể, khoa học, chặt chẽ và khả thi về căn cứ, trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành, thành phần, thẩm quyền yêu cầu tiến hành giải trình trước người dân và doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(3) Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ (2024), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, Hà Nội.

(5) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (2024), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, Hà Nội.

(1),(2),(4) Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công ty Phân tích Thời gian thực (2024), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2023, Hà Nội.