Asset Publisher

null Gia đình – Nội hàm và yêu cầu phát huy giá trị gia đình trong bối cảnh mới

Post details Bài viết

Gia đình – Nội hàm và yêu cầu phát huy giá trị gia đình trong bối cảnh mới

Ts. Nguyễn Quốc Trung

                                                                                       Khoa xây dựng Đảng

Tóm tắt, gia đình một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn, lưu giữ và phát huy các giá trị để định hình và xây dựng nên nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Không gian gia đình là không gian văn hóa, là môi trường văn hóa, do đó, nếu quan niệm gia đình như một sự ràng buộc của hôn nhân, huyết thống hay các vấn đề kinh tế,… thì chưa thể hiện được hết giá trị của gia đình. Để phát huy các giá trị của gia đình trong xây dựng hệ giá trị văn hóa thì cần phải xác định rõ nội hàm của khái niệm gia đình từ đó nhận thức rõ vai trò để thúc đẩy mỗi cá nhân và gia đình nhằm góp phần phát huy các giá trị.

Từ khóa: gia đình, nội hàm, phát huy giá trị, hiện nay

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển, trong định hình các giá trị văn hóa và trong thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Qua thời gian và sự tác động mạnh mẽ của thực tiễn, vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội cũng bị tác động mạnh và có nhiều quan niệm, cách hiểu khác nhau. Để có thể tiếp tục phát huy vai trò của gia đình trong điều kiện mới cần xác định nhận thức chung về gia đình, vai trò gia đình trong điều kiện mới trên những giá trị, điều kiện chính trị, văn hóa-xã hội,…của quốc gia, dân tộc.

1. Quan niệm về “gia đình” và những vấn đề xuất hiện trong sự biến đổi của mô hình gia đình theo sự phát triển

Gia đình là nơi duy trì, phát triển ở các thành viên những mối quan hệ tình cảm đặc biệt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự hình thành những chuẩn mực và định hướng giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình không chỉ củng cố các mối quan hệ gia đình, mà còn góp phần xây dựng môi trường văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân được phát triển hài hòa và toàn diện. Trong tâm thức của mỗi người, gia đình chính là trường học đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người, là nơi gìn giữ, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, sự thương yêu, đùm bọc, sự thủy chung, lòng hiếu nghĩa, sự cần cù lao động, sáng tạo,… là những giá trị văn hóa được kết tinh và truyền tải qua lời ru của bà, của mẹ, lời dạy của ông, cha theo suốt cuộc đời của mỗi người, là hành trang giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách để hướng tới các giá trị chân, thiện, mỹ, trở thành những công dân tốt của xã hội.

Tên gọi “gia đình” là tên gọi phổ biến từ phương Đông sang phương Tây trong nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển. Cho dù có sự khác nhau về chế độ xã hội, chủng tộc, sắc tộc, ngôn ngữ, tôn giáo,… thì quan niệm về gia đình bao gồm hai yếu tố cơ bản là tính huyết thống và sự truyền giống. Mặc dù, trong quá trình phát triển đã có sự bổ sung các yếu tố văn minh như quyền và nghĩa vụ trong gia đình, nhưng đây vẫn là một mô hình nguyên thủy tồn tại hiển nhiên, trong đó chỉ có sự khác biệt cơ bản về tính phụ hệ hay mẫu hệ (người nắm quyền trong gia đình).

Cách hiểu về “gia đình” mà xã hội đang sử dụng mang đặc trưng của mô hình gia đình hạt nhân, tức là một gia đình bao gồm bố mẹ và các con chưa thành hôn. Mô hình này trở thành biểu tượng đặc trưng của các quan niệm về gia đình trên phương diện nhận thức và các hình ảnh tuyên truyền liên quan đến gia đình. Thậm chí mô hình gia đình hạt nhân còn được coi là kiểu mẫu của cuộc sống hạnh phúc và sự thành đạt của cá nhân trong các gia đình. Trong một khoảng thời gian rất dài, mô hình gia đình hạt nhân đã phát huy được giá trị, trở thành điểm tựa cho việc định hình, lưu giữ, phát huy các giá trị, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội; ở một khía cạnh khác mô hình gia đình hạt nhân còn đảm bảo cho sự ổn định của xã hội.

Theo sự phát triển của xã hội, mô hình gia đình hạt nhân cũng có sự thay đổi trong quan niệm và cũng xuất hiện những mô hình gia đình mới theo xu hướng phát triển. Thực tế đó xuất hiện một số vấn đề trong mô hình gia đình:  

(1) Đối với những cặp vợ chồng không thể có con hoặc không thích có con, thế thì họ phải đối mặt với những định kiến xã hội, rằng hình như họ không phải là một gia đình hoàn hảo, từ đó những áp lực từ phía gia đình và áp lực từ thực tiễn xã hội buộc họ phải hướng đến mô hình gia đình hạt nhân truyền thống hoặc thậm chí là đi đến kết quả tiêu cực hơn.

(2) Với quan niệm chung coi gia đình là tế bào của xã hội và xã hội xem mô hình gia đình hạt nhân theo kiểu truyền thống là kiểu mẫu của xã hội thì cũng đưa đến một áp lực vô cùng lớn đối với những người có quan niệm sống đơn thân. Những người theo mô hình đơn thân sẽ bị ảnh hưởng bời áp lực xã hội dần dần sẽ rơi vào tình cảnh mặc cảm tự ti. Xã hội cũng không có hoặc chưa thể đáp ứng những dịch vụ phù hợp với các ông bố và bà mẹ đơn thân và chương trình giáo dục trong hệ thống các trường lớp hay tuyên truyền cũng chỉ nhấn mạnh vào kiểu mẫu bố mẹ - con cái hoàn hảo.

(3) Đối với những trường hợp bố mẹ mất sớm, trong gia đình chỉ còn các anh chị em ruột. Trong trường hợp này các anh chị em ruột ở cùng nhau hoặc ở cùng ông bà hay họ hàng sẽ không được coi là một gia đình theo định nghĩa gia đình truyền thống. Khi các anh chị em ruột mong muốn sống với nhau như một gia đình mà không cần trở thành con nuôi của ai đó thì không được phép khi một trong số đó chưa đủ mười tám tuổi. Nếu không có người nhận nuôi, thì sẽ được đưa vào trại mồ côi ở cùng với những đứa trẻ khác và cũng không được đảm bảo có sự chăm lo một cách đầy đủ giống như khi còn bố mẹ. Như vậy, anh chị em ruột vốn dĩ có thể hình thành một gia đình lại bị biến thành “không gia đình”.

(4) Xã hội hiện tại có rất nhiều người đồng tính, theo thời gian xã hội đã bắt đầu thừa nhận giới tính. Khi những người đồng tính yêu cầu được hợp thức hóa hôn nhân, mô hình gia đình này trực tiếp tấn công và những giá trị cơ bản của mô hình gia đình hạt nhân truyền thống. Những cặp đôi đồng tính thường phải chịu nhiều định kiến trong xã hội sở dĩ vì họ không đảm nhận thiên chức truyền giống và đi kèm với đó là sự chối bỏ trách nhiệm nuôi dưỡng thế hệ sau.

Từ thực tế trên, xã hội cũng có thể xuất hiện những tình huống mang tính chất gia đình, nhưng không đảm bảo tất cả các yếu tố và chức năng của gia đình: Liệu những người không có chung huyết thống và mối quan hệ hôn nhân có thể hình thành gia đình được không? Nếu những người độc thân cảm thấy hợp tính nết và về ở chung một nhà để hỗ trợ, giúp đỡ nhau mà không có quan hệ yêu đương hay hôn nhân thì có hình thành gia đình chăng? Bởi vì, trừ nghĩa vụ hôn nhân và huyết thống thì sự giúp đỡ và tình cảm dành cho nhau trong mối quan hệ của họ hoàn toàn thân thiết như gia đình, vì từ trong thâm tâm họ đã là người một nhà với nhau.

 Những vấn đề trên và áp lực từ xã hội về tiêu chuẩn gia đình hạt nhân truyền thống, đề cao gia đình hạt nhân truyền thống rất có thể sẽ là nguyên nhân khoét sâu vào tổn thương tâm lý của những cá nhân trong mô hình gia đình mới, đồng thời còn gia tăng thêm định kiến xã hội với cái nhìn phán xét dành cho những cá nhân trong mô hình mới. Xã hội đang biến đổi liên tục với những nhu cầu đa dạng vượt ra ngoài sự duy trì nòi giống và trách nhiệm chăm lo cho thế hệ sau. Nếu mô hình gia đình hạt nhân là mô hình hướng tới tương lai thì các mô hình gia đình khác chưa được thừa nhận là mô hình coi trọng hiện tại và chắc rằng hiện tại cũng rất cần để quan tâm. Xã hội trong quá trình phát triển chắc chắn và sẽ không ngừng dung hòa các giá trị, do đó, cần có một nhận thức chung mang tính phổ biến về nội hàm của gia đình để từ đó phát huy vai trò của các mô hình gia đình, vừa đảm bảo gia đình thực hiện tốt các chắc năng cơ bản, vừa đảm bảo sự thừa nhận tính khác biệt trong sự phát triển chung của xã hội.

2. Khái niệm và nội hàm khái niệm gia đình

Một quan niệm tương đối phổ biến, thường được các nhà xã hội học dùng để nói về gia đình: gia đình là một thiết chế xã hội, nghĩa là một đơn vị cơ sở được mọi người công nhận để thực hiện những chức năng xã hội nhất định mà trước hết là sự tái sinh các đặc trưng của loài người; hoặc gia đình là một nhóm gồm một cặp vợ chồng chung sống với lớp kế cận trực tiếp của họ.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình[1] có hiệu lực từ tháng 1 năm 2015,  khái niệm “gia đình” được định nghĩa: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này”. Như vậy, “gia đình” là một khái niệm lấy nền tảng từ hôn nhân mà trong đó các thành viên bị ràng buộc bởi giao kèo hôn nhân (huyết thống cũng là một khía cạnh của quan hệ hôn nhân mà thôi).

Đối với Việt Nam, gia đình có vị trí và vai trò rất quan trọng trong sự phát triển ổn định và bền vững, do đó được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, Đảng không trực tiếp định nghĩa cũng như giải thích khái niệm gia đình, nhưng  theo Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Chấp hành Trung ương, thì nội hàm của khái niệm gia đình lại được thể hiện rất rõ ràng, theo đó gia đình được coi là bộ phận cấu thành xã hội, thực hiện chức năng sinh sản duy trì nòi giống, giáo dục gia đình, an sinh xã hội, xây dựng, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp; xây dựng và bảo vệ tổ quốc. “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[2].

Sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, công tác xây dựng gia đình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để tếp tục tăng cường sự lãnh đạo trong xây dựng gia đình Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24 tháng 6 năm 2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng giá đình trong tình hình mới, theo đó, Trung ương xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước[3].

Như vậy, từ nội hàm của gia đình có thể thấy rằng gia đình là một môi trường văn hóa, không gian văn hóa, để phát huy vai trò của gia đình trong sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước phải nhận thức và đặt gia đình dưới gốc độ văn hóa.

3. Phát huy vai trò của gia đình trong bối cảnh hiện nay

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình; bản thân mỗi gia đình và không gian gia đình là không gian văn hóa thì yêu cầu đầu tiên, có tính quyết định nhất trong việc phát huy vai trò của gia đình là phải tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên trong xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình.

 Từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là ông, bà, cha, mẹ có vai trò rất quan trọng trong xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình. Vì vậy, ông, bà, cha, mẹ phải luôn gương mẫu, là tấm gương phản chiếu về đạo đức, lối sống để các thành viên gia đình noi gương học tập, làm theo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh vai trò nêu gương của từng thành viên gia đình trong cuộc sống sinh hoạt đời thường; mỗi suy nghĩ, hành động dù nhỏ hay lớn của từng thành viên đều ảnh hưởng đến truyền thống của gia đình. Một gia đình mà con cháu không vâng lời ông, bà, cha, mẹ, có những “lời hỗn hào”, “cá mè một lứa”, không có quy tắc, quy định trong sinh hoạt, đó là gia đình không có hạnh phúc[4].

Hiện nay, trước tác động rất lớn và phức tạp của thực tiễn cuộc sống đã ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành động của mỗi gia đình Việt Nam: “…cơ chế thị trường đặt ra nhiều vấn đề mới rất phức tạp. Cái danh, cái lợi, vật chất, tiền tài đang có sức cuốn hút ghê gớm, đôi khi đến chóng mặt. Những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, suy thoái đạo đức, sống cơ hội, thực dụng đang xảy ra ở nhiều nơi”[5]. Từng thành viên trong gia đình cần có ý thức tránh xa những cạm bẫy của cuộc sống vinh hoa, phú quý không phải chính bàn tay, khối óc của mình làm nên; có bản lĩnh vững vàng, giữ gìn nền nếp gia phong của gia đình, khước từ mọi sự cám dỗ, mua chuộc của những người có lòng dạ không trong sáng. Đặc biệt, những người có chức, có quyền dễ bị mua chuộc, lợi dụng cần phải tỉnh táo, mưu lược để chối từ, giữ gìn danh dự thiêng liêng, cao quý của người cán bộ, đảng viên. Tự mình đặt ra những yêu cầu cao cho bản thân, tự giác tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống. Phát huy tốt vai trò chủ thể có tính then chốt, quyết định của gia đình sẽ góp phần rất quan trọng phát huy vai trò gia đình trong xây dựng và phát triển xã hội ổn định và phát triển.

Ngoài yếu tố trên, để góp phần phát huy vai trò của gia đình trong tình hình mới, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều vấn đề, cụ thể: tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình Việt NaM; thực hiện hoàn thiện những cơ chế, chính sách, pháp luật về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình; thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, tôn vinh gia đình văn hóa trong xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình,…

Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm thiêng liêng của mỗi con người, là nơi hun đúc, xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam. Quán triệt và thực hiện tốt những quan điểm của Đảng về xây dựng gia đình Việt nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là góp phần hiện thực hóa quan điểm Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam vào thực tiễn cuộc sống. Xây dựng gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng và phát triển bền vững, đó là ước nguyện, khát vọng của cả dân tộc Việt Nam. Vì vậy, mỗi thành viên trong từng gia đình, sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình, xem gia đình là môi trường văn hóa để sống, tích cực tham gia xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh là góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Luật số: 52/2014/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2024 của Quốc hội về Luật Hôn nhân và gia đình
  2. Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21 tháng 2 năm 2005 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng gia đình thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
  3. Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới
  4. Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb CTQG Sự Thật, Hà Nội 2024.

[1] Luật số: 52/2014/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2024 của Quốc hội về Luật Hôn nhân và gia đình

[2] Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21 tháng 2 năm 2005 của Ban chấp hành Trung ương về xây dựng gia đình thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

[3] Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Ban chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng  đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

[4] Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb CTQG Sự Thật, Hà Nội 2024, tr. 37

[5] Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb CTQG Sự Thật, Hà Nội 2024, tr. 40-41